Nhà hàng nghĩa địa ở Ấn Độ

(Dân trí) - Được xây dựng trên nền một nghĩa địa Hồi giáo có tuổi thọ nhiều thế kỷ, anh Krishan Kutti Nair - quản lý nhà hàng với thâm niên gần 40 năm - cũng không biết đích xác tên tuổi những người đã được chôn dưới nền quán café.

Chỉ biết, sư hiện diện của những nấm mộ xi măng được sơn xanh trong khuôn viên quán trà luôn khiến khách hàng tỏ ra vô cùng thích thú.

 

Quản lý Nair cho biết: “Nghĩa địa này thật sự đem lại may mắn. Công việc kinh doanh của chúng tôi phát đạt là nhờ nó”.

 

Gần chục ngôi mộ cao ngang bắp chân mỗi ngày được người nhân viên nhà hàng trang trí cho một bó hoa khô. Chúng nằm rải rác khắp nhà hàng, bao gồm một ngôi cạnh máy đếm tiền, 3 ngôi nằm gần mấy chiếc bàn dành cho 2 người, 4 ngôi nằm dọc tường cạnh bếp.

 

Những người phục vụ nắm rõ cấu trúc của nhà hàng và nhảy thành thạo điệu shimmi giữa các ngôi mộ với một khay trà nóng trên tay. Anh hầu bàn Kayyum Sheikh thổ lộ: “Công việc này đã trở thành quá quen thuộc với chúng tôi”.

 

Được biết, nhà hàng nghĩ địa khai trương từ những năm 1950 khi ông chủ K.H. Mohammed mở một quầy trà bên cạnh nghĩa địa trước khi có xe cộ đông đúc và các tòa nhà cao tầng mọc lên.

 

Nhà hàng nghĩa địa ở Ấn Độ - 1
 

Công việc kinh doanh tiến triển tốt, quầy trà được “cơi nới” sang khu đất xung quanh, cho đến khi các bức tường thiếc “ôm” luôn cả những ngôi mộ vào lòng. 

 

Một giáo sư đã về hưu tại Ahmadabad cho biết: “Ở Ấn Độ, những nơi đất chật người đông thì việc người ta biến nghĩa địa thành cơ sở hạ tầng phục vụ kinh doanh là chuyện không hiếm. Những người mới ra thành phố thường dựng lều tạm bợ trong nghĩa địa, do vậy công việc buôn bán của họ cũng được mở ra cạnh các ngôi mộ”.

 

Tuy nhiên, cũng không ít người cho rằng nhà hàng này là sự bất kính với những người đã khuất.

 

“Họ nên đảm bảo sự đúng mực của nghĩa trang” - một giáo sư lịch sử nói như vậy nhưng ông yêu cầu được giấu tên. Phóng viên hỏi tại sao, ông trả lời “Vì tôi... cũng thường hay uống trà ở đó”.

 

Đàm Loan

Theo Metro