Nhà giàu Việt chi chục triệu “săn” hải sản nhập ngoại
(Dân trí) - Một con cua Alaska được bán với giá thấp nhất 6 triệu đồng, con tôm Canada vừa ăn cho một bữa cũng lên đến gần 2 triệu đồng,… Những món đồ ăn tưởng như quá xa xỉ nhưng lại đang được khá nhiều người Việt săn lùng, bỏ ra một số tiền lớn chỉ để thưởng thức “cho biết mùi hải sản trời Tây”.
Nắm bắt được xu hướng của thị trường, nhiều nhà hàng trên địa bàn Hà Nội đã nhanh chóng nhập cua Alaska, tôm Canada, bào ngư New Zealand,… về bán. Bên cạnh đó, số người kinh doanh online cũng chiếm một phần không hề nhỏ.
“Người Việt từ trước đến nay vốn đã sính ngoại, nên khi thấy giới thiệu hải sản nhập khẩu thì rất tò mò, ai cũng muốn được ăn thử. Gần đây, các mặt hàng này đang được khá nhiều người ưa chuộng”, anh Minh – chủ hàng hải sản trên phố Hai Bà Trưng cho biết.
Theo quảng cáo, hải sản được ngư dân khai thác trực tiếp từ các vùng biển trên Thế giới rồi đóng thùng chuyển đi ngay lập tức nên luôn giữ được độ tươi ngon. Được biết, giá thành của các loại hải sản này khi về đến Việt Nam không hề rẻ nên không phải ai cũng có điều kiện thưởng thức.
Cua Canada, hay còn được gọi là King Crab, vốn được biết đến với chất lượng thịt thơm ngon và có kích thước lớn hơn rất nhiều so với các loại cua biển thông thường. Một con cua có trọng lượng trung bình từ 3 – 4,5kg hoặc nặng hơn. Vào mùa săn bắt, giá của loài “cua vua” này lên đến 2.200.000 đồng/kg. Còn trong thời điểm khan hiếm (từ tháng 7- tháng 10), giá cua đắt hơn, rơi vào khoảng 2.500.000 đồng/kg.
Chị Yến Nhi – người kinh doanh hải sản nhập ngoại đã 2 năm nay chia sẻ: “Đây là loại cua sống ở môi trường nước biển mặn và rất lạnh. Chúng thường ẩn nấp trong hang sâu dưới đáy và chỉ ra khỏi hang khi trời biển động hay có bão. Bởi vậy nên muốn đánh bắt được loại cua này, ngư dân chỉ có thể đi vào mùa mưa bão, quá trình đánh bắt vô cùng khó khăn và nguy hiểm”.
“Ở nước ta cũng có tôm hùm, nhưng người Việt vẫn chuộng tôm hùm Alaska vì giá thành rẻ hơn nhưng thịt lại dai và ngọt hơn. Nếu tôm hùm Việt Nam có giá hơn 2.000.000 đồng/kg, thì tôm Alaska chỉ dao động trong khoảng 900.000 – 1.150.0000 đồng/kg”, chị Yến Nhi cho biết thêm.
Có lượng khách hàng khá ổn định, nhưng hầu hết khách của chị Nhi đều là người có thu nhập khá. “Mua một con cua 3kg, khách hàng đã phải bỏ ra đến hơn 6 triệu đồng. Thông thường, họ chỉ gọi từ 1-2 con cua hoặc tôm về ăn một bữa. Cũng có nhiều khách “sộp” đặt đến 20kg tôm Alaska, tính ra cũng phải lên đến 20 triệu”.
Từ trước đến nay, cua Canada và tôm Alaska vốn vẫn được các khách hàng sành ăn coi là đặc sản hàng đầu Thế giới. Anh Hưng (Đại La, Hà Nội) tự nhận mình là người “nghiện” món “cua vua” ngay từ lúc mặt hàng này mới xuất hiện ở Hà Nội.
“Thay vì mùi bùn như các loại cua khác, cua Canada có vị thanh và rất thơm. Mua về không cần tẩm ướp gì nhiều, nhà tôi chỉ nướng thuần trên lửa mà cũng đủ ngon lắm rồi. Mặc dù giá khá “chát”, không thể ăn thưởng xuyên nhưng tôi vẫn chọn loại hải sản này mỗi khi nhà có tiệc hay vào dịp quan trọng”.
Có khách “sộp” chi hẳn 20 triệu mua tôm.
Tuy chưa được nhiều người biết đến như tôm Alaska hay cua Canada, nhưng bào ngư chân đen của New Zealand cũng đang được giới thiệu, rao bán trên mạng xã hội. Với giá khoảng 1.800.000 đồng /kg, khách hàng sẽ mua được một con bào ngư có tuổi thọ từ 30 -50 năm, nặng từ 400 – 950gr.
“Dù kinh tế không dư dả, nhưng 2 vợ chồng quyết định mua một con bào ngư về cắt nhỏ, nấu cháo dần cho ông bà và mấy đứa nhỏ ăn tẩm bổ. Ông bà vừa ốm dậy, hai đứa bé nhà chị không chịu ăn nên còi lắm. Thấy bảo bào ngư có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều chất bổ nên “cắn răng” lần này xem sao”, chị Loan (Ngọc Hà) tâm sự.
Hải sản nhập ngoại không chỉ được ưa chuộng ở Hà Nội mà cũng đang khá phổ biến ở TP. Hồ Chí Minh. Thậm chí, có nơi còn bán tôm hùm Alaska với giá dưới 1 triệu đồng.
Lý giải cho mức giá khá rẻ này, đại diện cửa hàng cho biết: “ Chúng tôi nhập trực tiếp tôm hùm từ các nhà cung cấp nổi tiếng nên luôn có sẵn nguồn hàng với giá mềm nếu khách yêu cầu số lượng lớn. Khách ăn thử rồi sẽ quay lại mua bởi thích hương vị thơm ngon, thịt săn chắc. Hầu như ngày nào cũng có khách hỏi nhưng chủ yếu quan tâm đến tôm và cua. Chúng tôi đang có dự định đưa thêm nhiều loại hải sản nhập ngoại về để giới thiệu đến khách hàng”.
Hoàng Ngọc
Ảnh: FB