Nguy cơ từ dụng cụ ăn uống làm bằng nhựa dẻo

(Dân trí) - Vì giá rẻ và tiện dụng, nhiều loại nhựa (chất dẻo, plastic), đã được các nhà sản xuất sử dụng để tạo rất nhiều đồ dùng ăn uống như ly, cốc, đĩa, hộp, chén….. Đặc biệt, các loại cốc, chén dùng một lần được sản xuất từ loại nhựa polystyrene (PS) vì khá rẻ tiền, màu trắng, trọng lượng nhẹ, tính dẻo nên thường được sử dụng trong khâu đóng gói bao bì.

Nguy cơ từ dụng cụ ăn uống làm bằng nhựa dẻo - 1

Dưới đây là danh sách những loại nhựa dẻo được dùng để sản xuất bộ đồ ăn:

Số 1: PET (polyethylene terephthalate): Các chai nhựa có kí hiệu này chỉ nên sử dụng một lần. Nếu tái sử dụng nếu đựng nước nóng quá 70 độ C, không chỉ biến dạng mà còn phân giải ra các chất có hại cho sức khỏe.

Số 2: HDPE (high density polyethylene). Các chai nhựa này có khả năng chịu nhiệt tới 110 độ C, thường được dùng đựng thực phẩm, sữa tắm hoặc các vật có độ tinh khiết cao. Tuy không thải ra chất độc nào nhưng khi được tái sử dụng chúng, loại nhựa này khó làm sạch, các chất còn sót lại rất dễ trở thành ổ vi khuẩn.

Số 3: PVC (polyvinyl chloride). Vì PVC thôi ra nhiều khi ở nhiệt độ cao nên thường dùng làm áo mưa, vật liệu xây dựng, hộp nhựa… Loại nhựa PVC chỉ được phép sử dụng cho thực phẩm, đồ uống có nhiệt độ dưới 81 độ C.

Số 4: LDPE (low density polyethylene) được dùng phổ biến trong các hộp mì, túi đựng hàng, vỏ bánh kẹo…LDPE không thể làm nóng trong lò vi sóng vì sẽ giải phóng chất độc hại.

Số 5: PP (polypropylene) thường dùng làm nắp hoặc đáy cốc cà phê, chai sữa thường, sữa chua hoặc chai nước trái cây. Chất này thường chịu được ở nhiệt độ 167 độ C nên có thể tái sử dụng, quay trong lò vi sóng.

Số 6: PS (polystiren) thường dùng để sản xuất ly, cốc uống nước, hộp xốp đựng thức ăn sử dụng một lần, tức là không tái sử dụng. Khi sử dụng ở nhiệt độ cao, các chế phẩm này thường sản sinh ra chất styrene rất độc.

Nguy cơ từ dụng cụ ăn uống làm bằng nhựa dẻo - 2

Số 7: PC (polycarbonate) được sử dụng rất phổ biến, nhất là làm chai sữa, cốc dùng một lần. Sản phẩm chứa loại nhựa này có chứaBisphenol A (BPA) rất độc, có thể phân giải ra chất gây ung thư.

Cho đến nay, đã có nhiều công trình khoa học cho thấy các sản phẩm nhựa và phó sản của nó có khả năng gây hại cho sức khỏe con người: (1) những chất nhựa dẻo đều là nhân vòng nên đều có khả năng gây ung thư, (2) một số chất dẻo có thể ảnh hưởng vào các axít nhân trong nhiễm sắc thể nên có thể gây chậm phát triển tinh thần, (3) chất dẻo có thể gây tổn thương gan thận, (4) chất phthalate trong chai PET có cấu tạo là một xeno-estrogen nên có thể gây rối loạn nội tiết (endocrine disruptors) và có thể gây vô sinh.

Thật ra, những dụng cụ đựng thức ăn bằng nhựa dẻo đã bị lên tiếng cảnh báo gây nguy cơ cho sức khỏe con người từ lâu. Năm 2007, San Francisco, Hoa Kỳ, đã cấm sử dụng túi chứa thức ăn bằng nhựa dẻo; sau đó có đến 132 thành phố ở 18 tiểu bang khác và quận Columbia có ra những luật cấm tương tự. Ủy ban châu Âu (EU), Trung Quốc, Ấn Độ và hàng chục quốc gia khác đã có lệnh cấm túi nhựa hoặc ra các loại thuế rất cao đánh vào mặt hàng này. Tháng 7/2016 vừa, Pháp là quốc gia đầu tiên ban hành luật yêu cầu các siêu thị thực phẩm không bán, tặng túi dụng cụ ăn bằng nhựa dẻo sử dụng một lần.

Một xu hướng thay thế mới rất được hoan nghênh là dùng các dụng cụ ăn “có thể ăn được” (edible). Các dụng cụ này thường được làm bằng tinh bột, dạng cái bánh đa, khi ăn vào cơ thể có thể tiêu hóa như một dạng thức ăn thông thường.

TS.BS Trần Bá Thoại

Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm