Người Việt tại Nhật giúp nhau chai nước, gói mì sau động đất kinh hoàng
(Dân trí) - Sống tại tâm chấn động đất, Phạm Hoa nói đã trải qua cảm giác như "ngày tận thế". Cô xúc động khi liên tục nhận được đồ cứu trợ từ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.
"Thấy bà con gặp nạn, tôi sẵn sàng hỗ trợ"
Bốn ngày kể từ trận động đất mạnh 7,6 độ làm rung chuyển miền Trung Nhật Bản, tâm chấn ở bán đảo Noto (tỉnh Ishikawa), các hội nhóm người Việt tại Nhật Bản liên tục chia sẻ thông tin các điểm lánh nạn, kêu gọi hỗ trợ và tiếp tế lương thực cho đồng hương.
Sáng 4/1, anh N.T. (31 tuổi) cùng người yêu lái xe từ thành phố Kobe nơi anh sinh sống, đến vùng chịu ảnh hưởng động đất của tỉnh Ishikawa để trao nhu yếu phẩm cho bà con người Việt gặp nạn.
Không kêu gọi, anh tự bỏ tiền cá nhân mua hơn 10 bình nước và khoảng 10 thùng mì tôm. Sau đó, anh nhắn tin lên nhóm người Việt ở Ishikawa. Nếu ai cần giúp đỡ sẽ nhắn thông tin, địa chỉ để anh đến tận nơi.
Xuất phát từ 8h30, anh T. đến nơi khoảng 15h, bắt đầu cứu trợ xung quanh thành phố Nanao và Wakura. Nhiều đoạn đường nứt toác, một số nơi được vá tạm, anh cố di chuyển chậm để tránh va chạm.
"Khu vực tôi sống không bị ảnh hưởng bởi động đất. Thấy bà con gặp nạn, tôi sẵn sàng hỗ trợ", anh nói từng chai nước hay gói mì không đáng là bao, càng không nặng giá trị vật chất, mong động viên đồng hương vượt qua giai đoạn khó khăn.
Sau khi gặp gỡ và trò chuyện với một vài người Việt, chàng trai thở phào khi biết cuộc sống của họ dần ổn định sau thảm họa. Phát hết đồ cứu trợ, anh vội quay về thành phố Kobe, tranh thủ nghỉ ngơi ít tiếng trước giờ làm việc ngày hôm sau.
Theo Reuters, tính đến ngày 4/1, thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản đã khiến hơn 80 người tử vong và 51 người mất tích. Gần 600 rung chấn đã xuất hiện ở bán đảo Noto sau đó.
Tại Wajima và thành phố lân cận Suzu, nỗ lực cứu trợ gặp khó khăn do đường sá hư hại và liên lạc gián đoạn.
Chị Lê Thị Thương, Chủ tịch Hội người Việt tại vùng Kansai, cho biết cộng đồng người Việt tại Osaka đã chuẩn bị 500 phần quà gồm: bánh chưng, giò, nước, miếng dán nóng, lương khô, bánh mì… để hỗ trợ đồng hương.
Đoàn dự định vận chuyển hàng bằng xe tải kết hợp xe máy đến những nơi bị cô lập, sẽ lên đường vào ngày 6/1 khi cơ quan chức năng thông báo tình hình đã ổn định.
Theo chị Hương, nhiều người Việt sống tại tỉnh Ishikawa bị ảnh hưởng do thiếu nước và đồ ăn. Một số cá nhân và tổ chức đã tập hợp thành các đội hỗ trợ, tìm mọi cách (đi bộ hoặc xe máy) tiếp cận các vùng ảnh hưởng nặng.
"Nhiều bà con ở khu vực lân cận như Toyama cũng chịu ảnh hưởng nhẹ, đã đến khu sơ tán trong ngày 1 và 2/1, nay đã trở về nhà. Họ kêu gọi hỗ trợ những người ở khu vực nghiêm trọng hơn", chị Hương nói.
Trân quý từng chai nước và gói mì
Từ tối 3/1, Phạm Thị Hoa (28 tuổi) sống tại bán đảo Noto - tâm chấn động đất, liên tục nhận được đồ cứu trợ từ cộng đồng người Việt và các đoàn tình nguyện Nhật Bản.
Nhận từng chai nước, gói ngũ cốc, thức ăn khô, cô cảm thấy xúc động và biết ơn những người đã không quản ngại vất vả, đến tận tâm chấn động đất để hỗ trợ.
"Nếu không có các đoàn tình nguyện, tôi không biết xoay xở thế nào vì không tích trữ đủ nước", cô nói, cho biết các đoàn người Việt còn giúp đỡ các thực tập sinh người Indonesia và Myanmar.
Cô gái Việt nhớ lại cảnh tượng động đất chiều 1/1 như "ngày tận thế". Hoa vội tháo chạy đến nơi lánh nạn tại một trường tiểu học gần nhà - nơi mà trước đó công ty đã hướng dẫn.
Tại đây, cô được các tình nguyện viên người Nhật phát chăn, đệm, nước và thức ăn. Sau một đêm, cô trở về nhà, không tin nổi cảnh tượng đường sá và nhà cửa đổ sập, siêu thị ngổn ngang, nước sạch bị cắt.
Trong khi đó, Thu Phương nói vẫn sống trong cảnh bất an vì dư chấn chưa dứt tại Wakura (thành phố Nanao, tỉnh Ishikawa).
"Tôi ngủ trong lo sợ. Cứ hễ nghe chuông báo động đất, tôi giật mình bật dậy chuẩn bị chạy ra khỏi nhà", Phương nói lần đầu tiên trong đời chứng kiến cảnh động đất kinh khủng như vậy.
Nhà cửa, cột điện rung lắc mạnh như sắp đổ, mặt đất chao đảo, đường bị nứt toác, cô vô cùng sợ hãi, nghĩ rằng "lần này coi như xong đời". Cô vội sơ tán lên trường học gần nhà, chờ đợi và trấn an bản thân, đến 20h30 thì trở về nhà.
Cũng như Hoa, từ tối 3/1, Phương bắt đầu nhận được sự hỏi thăm và hỗ trợ từ cộng đồng người Việt. Trong khoảnh khắc đó, cô nghĩ từng chai nước và gói mì thực sự quý giá hơn bất cứ điều gì.
"Ở nơi xa xứ nhận được tấm lòng hảo tâm của đồng hương, tôi thực sự biết ơn, cảm thấy mình thật may mắn", Phương nói.
Khách sạn nơi Phương làm việc bị hư hại nghiêm trọng, công ty chưa thông báo lịch đi làm trở lại. Cô gái Việt biết rằng "sẽ thất nghiệp dài" vì Nhật Bản sẽ còn mất nhiều thời gian đứng lên sau thảm họa.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cho biết chưa ghi nhận thương vong của người Việt do động đất hôm 1/1.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của trận động đất, dư chấn sẽ còn tiếp diễn trong một số ngày tới, Đại sứ quán khuyến cáo tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản thường xuyên theo dõi các thông báo cập nhật.
Công dân tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng Nhật Bản, di chuyển tới các trạm lánh nạn được chính quyền địa phương chỉ định, đồng thời tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa ảnh hưởng của các dư chấn trong những ngày tới.
Trong trường hợp khẩn cấp, cần hỗ trợ, đề nghị công dân liên hệ tới số máy bảo hộ công dân:
+ Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo: +81-80-3590-9136, hoặc +81-80-20346868, +81-90-1255-5537
+ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka: +81-90-4769-6789
+ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka: +81-92263-7668