Người Pa Kô đánh cồng chiêng, múa hát suốt đêm trong Tết mừng lúa mới
(Dân trí) - Đêm trước Tết mừng lúa mới (tết A Da), mọi người tập trung về sân cộng đồng - nơi buộc gia súc hiến tế để làm lễ cúng, dân làng tập trung ca hát, đánh cồng chiêng, nhảy múa và uống rượu…
Tết mừng lúa mới của đồng bào Pa Kô là một nghi lễ có từ bao đời nay, có ý nghĩa quan trọng không thể thiếu trong đời sống, giống như Tết nguyên đán.
Đồng bào Pa Kô sinh sống chủ yếu ở phía Tây Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, thuộc 2 huyện Đakrông và A Lưới.
Bà con trở về quê cũ đón tết
Năm nay, 8 dòng họ (tộc) ở làng Kêr 2 (xã Hồng Thủy, A Lưới, Thừa Thiên Huế) thống nhất và chọn ngày rằm tháng chạp làm ngày tổ chức tết A Da.
Già A Kiêng Dung (Kôn Be), Trưởng họ A Kiêng cho biết, tết A Da không tổ chức cố định một ngày nào, mà phụ thuộc vào việc thu hoạch mùa màng.
Trước tết A Da, con cháu dòng họ A Kiêng đã tập trung đông đủ. Thông thường trước 2 ngày, con cháu chuẩn bị mọi thứ để tết được tổ chức chu đáo.
Các phụ nữ trong họ sẽ gói bánh a quát - loại bánh đặc trưng không thể thiếu trong các nghi lễ của đồng bào nơi đây.
Bà Hồ Thị Hòa (75 tuổi) nói rằng, lúa rẫy là cây trồng chính của mọi gia đình Pa Kô, nên chiếc bánh a quát gói từ nếp rẫy chính là đại diện cho cây lúa trên mâm lễ. Bánh thường không có nhân, bên ngoài bọc bằng lá cây đót, 2 đầu vót nhọn nên có người gọi là bánh sừng trâu.
Trong khi bà Hòa và một số phụ nữ khác làm bánh thì đàn ông, thanh niên làm gà, chặt cây tre để nướng thịt, nấu cơm lam.
Bà Hồ Thị Loan, sinh sống tại xã A Bung, huyện Đakrông trở về quê hương để vui tết A Da cùng bà con trong họ. Bà Loan nói: "Năm nào gia đình tôi cũng về nhà trưởng họ ăn tết. Năm nay tết A Da được tổ chức lớn, tập trung, mọi năm nhà nào cúng nhà đó".
Già A Kiêng Dung cho biết, tết A Da thường chỉ tổ chức sau khi bà con đã thu hoạch xong mùa màng. Việc chuẩn bị cho tết A Da cũng được thực hiện từ nhiều ngày trước.
Tết A Da được tổ chức theo cấp làng, các họ tộc trong một làng cử người đại diện, bàn bạc và thống nhất ngày tổ chức rồi thông báo cho con cháu trong họ. Vì thế, mỗi dịp cuối năm, lại có rất nhiều cái tết mừng lúa mới ở dãy Trường Sơn.
Tết A Da là một nghi lễ thiêng liêng của người Pa Kô, để tạ ơn các vị thần linh phù hộ cho họ một mùa màng bội thu, gia đình tràn đầy sức khỏe. Dù mất hay được mùa, họ đều dâng các sản vật nông nghiệp ngon nhất lên các vị thần linh.
Trưởng làng Kôn Ngãi (SN 1937) cho biết, làng có 8 dòng họ với 130 hộ dân, đã sinh sống của vùng đất này nhiều đời nay. Quan trọng nhất trong A Da là lễ hiến tế gia súc cho các vị thần.
Nghi lễ thiêng liêng của người Pa Kô
Trong khoảng sân cộng đồng rộng chừng 100m2, những cây gỗ lớn dài khoảng 1,2 đến 1,5m được dựng lên, bên cạnh buộc những cây tre được tạo hình thành hoa tre.
Trưởng làng Kôn Ngãi giải thích đây là sân hiến tế, mỗi họ (tộc) góp một con trâu bò, hoặc dê để làm lễ dâng lên các vị thần. Lễ vật thường tùy tâm, phụ thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi tộc chứ không bắt buộc. Nhưng ít nhất, mỗi họ cúng 1 con dê hoặc bò, gia đình nào có cũng cúng dê, gà. Cùng với trâu bò, lễ vật không thể thiếu khác là tấm thổ cẩm của người Pa Kô.
Vào đêm trước tết A Da, con cháu cả làng tập hợp về sân này, làm lễ cúng thần linh. Bà con cảm tạ các vị thần đã giúp đỡ để có một vụ mùa tốt tươi, giao các gia súc cho các vị thần để được phù hộ một vụ mới sức khỏe tràn đầy, lúa thóc đầy kho.
Trong đêm lễ, dân làng mặc trang phục truyền thống tập trung ca hát, đánh cồng chiêng và uống rượu. Mẹ Hung (95 tuổi) cho biết, mọi người nhảy múa để cúng người đã mất, những người trong dòng họ. Đây cũng là đêm quan trọng nhất, mọi người có thể múa hát suốt đêm.
Từ sáng sớm hôm sau, khoảng 3h mọi người dậy nổi lửa nướng cơm lam. Gạo được cho vào ống nứa, sau đặt lên lửa. Lửa phải cháy đều, một lúc sau thì cơm chín. Cùng lúc này, tại sân bà con nổi nhạc hát múa.
Gia súc được để qua đêm, đến sáng sớm hôm sau mới làm lễ đâm trâu để chính thức bắt đầu tết A Da. "Ngày trước, các già làng tổ chức đâm trâu, bò để hiến tế ngay tại sân này, thịt trâu bò cũng bắt buộc phải ăn hết. Nhưng hiện nay, người dân được mang trâu bò, dê về nhà để giết thịt, ngoài một phần nhỏ để cúng lễ, phần lớn còn lại, người dân được bán để giảm bớt gánh nặng kinh tế.
"Chúng tôi mời các vị thần linh về chứng kiến lễ vì cho mùa màng. Trâu bò mua về, được thần linh phù hộ sinh sôi, đẻ ra con thì phải trả lại cho thần linh", Trưởng làng Kôn Ngãi nói.
Sau lễ hiến tế chung cho cả làng, mỗi dòng họ mang lễ vật về nhà trưởng họ để cúng.
Tại nhà của trưởng họ A Kiêng, nghi thức của tết A Da diễn ra. Bà con sửa soạn các mâm lễ với các vật phẩm đã chuẩn bị. Thông thường, lễ cúng phải có đủ 3 mâm lễ. Đầu tiên là cúng A Da, với mâm lễ gồm: 1 con gà, xôi, chuối, bia rượu, cơm lam. Cụ Hồ Văn Chăng - người cao tuổi trong họ mời các vị thần linh (thần lúa, thần đất, thần rừng...) về chứng kiến thành ý của bà con trong dòng họ.
Lễ thứ 2 là cúng tổ tiên trong nhà, mâm lễ gồm: thịt dê, heo, gà, bò (dê thay trâu). Nghi lễ này cầu gia đình được bình an, xui xẻo qua đi, điều may mắn đến. Tiếp đến là nghi lễ cầu sức khỏe cho người sống, mọi người dâng lễ vật: gà, heo, 1 người 1 con gà.
Anh Hồ Văn Danh nói rằng, ngoài việc cảm tạ thần linh, tết A Da còn là dịp để con cháu đi xa trở về đoàn tụ, quây quần bên gia đình.