Người nuôi Yến cả nước dự Giỗ Tổ nghề Yến ở Cù Lao Chàm
(Dân trí) - Hằng năm vào ngày mồng 10/3 âm lịch, lễ Giỗ Tổ nghề Yến được tổ chức tại 2 ngôi miếu tổ nghề tại thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp (đảo Cù Lao Chàm) và thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh (Hội An).
Giỗ Tổ nghề Yến là lễ hội dân gian có từ lâu đời ở Hội An nhằm tưởng niệm tri ân các bậc tiền bối đã có công trạng đối với nghề khai thác Yến sào, đồng thời cầu an đầu năm cho cộng đồng cư dân, nâng cao niềm tự hào và ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm của vùng biển đảo thân yêu.
Năm nay, các hoạt động Giỗ Tổ nghề Yến vào ngày 10/3 âm lịch (nhằm ngày 14/4/2019) cũng là dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và đúng ngày cuối tuần nên du khách ra Cù Lao Chàm rất đông, trong đó có hàng trăm du khách tham dự lễ Giỗ Tổ nghề Yến trên đảo Cù Lao Chàm.
Lễ cúng rất bài bản và tốn thời gian
Thông thường lễ Giỗ Tổ nghề Yến được diễn ra trong 2 ngày. Ngày đầu (ngày 9/3 âm lịch), cộng đồng cư dân dọn vệ sinh, trang hoàng khu vực cúng tế, bày biện lễ vật trên các bàn thờ, khám thờ. Đến tối, các vị cao niên trong làng và đại diện các tộc họ có liên quan đến nghề yến tập trung tại miếu tổ để cúng lễ túc, cáo trước với chư tổ, thần thánh về việc tế chính ngày mai.
Đến sáng mùng 10/3 âm lich, lễ nghinh thần, rước vọng được cử hành với kiệu thần được trang trí cờ hội lộng lẫy. Đoàn nghinh thần lần lượt đi qua khu vực các lăng thờ, miếu thờ dọc trên thôn xóm để vái vọng, thỉnh mời các vị chư thần.
Miếu tổ nghề Yến ở Cù Lao Chàm
Khi đoàn nghinh thần quay về thì chiêng trống trong miếu tổ bắt đầu nổi lên, chuẩn bị tiến hành lễ cúng âm linh. Lễ cúng âm linh diễn ra đúng theo trình tự các nghi thức cổ truyền có xướng tế, có chánh tế, tả hữu phân hiến, có cổ nhạc, đi gia lễ, đọc văn tế...
Sau đó là lễ tế tổ nghề theo nghi thức cổ truyền như lễ tế âm linh nhưng về nội dung là lễ tế lịch đại tổ nghề và chư vị thánh thần sông biển bảo trợ nghề như: Đại Càn, Ngũ Hành tiên nương, Thành Hoàng bổn xứ, Phục Ba tướng quân, Nam Hải Ngọc Lân, Hà Bá, Thủy Long... Sau lễ tế tổ, thường được tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể thao, trò chơi dân gian để làm tăng thêm không khí vui nhộn trong ngày lễ hội.
Đông đảo du khách đến Cù Lao Chàm dự lễ Giỗ Tổ nghề Yến
Những năm gần đây, lễ Giỗ Tổ nghề Yến còn được kết hợp tổ chức các chương trình văn hóa - du lịch như giao lưu lửa trại “Vui hội làng chài”, hô hát bài chòi, trò chơi đập nồi và chợ ẩm thực “món ngon miền biển”.
Ngoài các sản vật như tôm, cua, cá, mực, vú sao, vú nàng, rau rừng, ốc... Yến sào cũng được giới thiệu và bán cho du khách với giá ưu đãi. Các doanh nghiệp du lịch tổ chức các tour tham quan khám phá Cù Lao Chàm, lặn biển khám phá lòng đại dương, xem san hô, tham quan các di tích lịch sử văn hóa trên đảo.
Đặc biệt là tour tham quan hang Yến, du khách được đến tận nơi, quan sát cách Yến làm tổ trong hang sâu và tìm hiểu công việc cực nhọc của công nhân Đội khai thác Yến sào Hội An.
Lễ Giỗ Tổ nghề Yến là một điểm nhấn quan trọng, góp phần tạo tiền đề cho việc đầu tư phát triển du lịch trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa và sinh thái đa dạng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.
Ông Tống Quốc Hưng – Phó Phòng văn hóa thông tin Hội An – cho biết, ngày 10/3 âm lịch hàng năm theo truyền thống các bậc tiền nhân truyền lại, sau mùa khai thác người ta tổ chức cúng các vị tiền nhân khai sáng ra nghề này cũng như các vị thần bảo hộ cho nghề.
Do đó, đội khai thác yến sào của Hội An và cư dân địa phương hàng năm đều đứng ra tổ chức lễ này để cầu cho mưa thuận gió hòa cũng như các vị thần, các bậc tiền nhân bảo hộ cho nghề này phát triển bền vững.
Theo ông Hùng, từ thời Champa đã biết đến nghề khai thác yến sào ở Cù Lao Chàm. Đến thời Đại Việt thì Triều Nguyễn phát triển thành nghề truyền thống và đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế của địa phương cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng biển đảo.
Đặc biệt năm nay, có khoảng hơn 160 người chuyên nuôi Yến cả nước hội tụ về Cù Lao Chàm lễ Giỗ Tổ nghề Yến
Công Bính