Người mẹ cụt tay chăm con bằng chân khiến bao người rơi lệ

(Dân trí) - Từ bé chị Cậy đã bị dị tật khiến cơ thể không có tay, một bên chân cũng bị khèo. Điều kỳ diệu, với bản năng của người làm mẹ, chị vẫn tự mình chăm sóc con theo cách của riêng mình…

Những ngày qua, câu chuyện của chị Trần Thị Cậy (35 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) dù không có tay, nhưng vẫn dùng đôi chân tật nguyền để chăm sóc người con trai bé nhỏ khiến nhiều người rơi lệ.

Clip người mẹ cụt tay chăm con bằng chân

Sinh ra trong một gia đình nghèo, từ nhỏ chị Cậy đã bị dị tật bẩm sinh khiến đôi tay không thể sử dụng, một bên chân cũng bị khèo. Mỗi lần bước đi, chị phải di chuyển từng bước nhỏ, cả cơ thể như bị xô lệch về một phía. Dù vậy, chị Cậy vẫn luyện tập cách sử dụng thành thạo đôi chân tật nguyền tự mình lo cho cuộc sống. Mọi việc trong nhà từ: nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, quét nhà… chị đều có thể làm được.

Không may mắn như những bạn bè cùng trang lứa, từ nhỏ chị Cậy đã bị dị tật bẩm sinh khiến cơ thể không có tay, một chân cũng bị khèo. Ảnh: Toàn Vũ
Không may mắn như những bạn bè cùng trang lứa, từ nhỏ chị Cậy đã bị dị tật bẩm sinh khiến cơ thể không có tay, một chân cũng bị khèo. Ảnh: Toàn Vũ

Năm 2015, chị Cậy sinh bé Minh Khôi. Đây là kết quả của một mối tình chóng vánh với người đàn ông cùng làng. Trở thành mẹ đơn thân khi 33 tuổi, dù khó khăn chồng chất song với chị đây là món quà tuyệt vời nhất mà ông trời dành tặng. Điều kỳ diệu, với bản năng của người làm mẹ, chị Cậy vẫn tự mình học chăm con theo cách của riêng chị. Không thể dùng đôi tay thay tã, chị dùng chân, quắp chặt các ngón khéo léo lật dở từng miếng vải.

Vất vả nhất là lúc cho con bú, nhiều khi con đói, khóc quáng quàng tìm hơi mẹ, chị phải sử dụng khủy tay để đỡ con dậy. “Thương con mà không thể làm nhanh như người bình thường, mình phải dùng chân, khủy tay để nâng đầu thằng bé lên đùi, rồi cứ nhích từng chút một đến khi áp được vào ngực thì thôi. Cũng có lúc thằng bé háu đói, mình bất lực nhìn con mà tủi thân đến phát khóc”, chị Cậy rơm rớm.

Chị Cậy có thể sử dụng đôi chân làm các việc hàng ngày một cách khéo léo, nhanh nhẹn. Ảnh Toàn Vũ
Chị Cậy có thể sử dụng đôi chân làm các việc hàng ngày một cách khéo léo, nhanh nhẹn. Ảnh Toàn Vũ
Bé Minh Khôi - 2 tuổi là món quà lớn nhất mà ông trời dành tặng chị. Ảnh: Toàn Vũ
Bé Minh Khôi - 2 tuổi là món quà lớn nhất mà ông trời dành tặng chị. Ảnh: Toàn Vũ

Tháng đầu khi sinh con, chị được bà ngoại và các em gái hỗ trợ, sau đó hai mẹ con cũng học dần cách tự lo liệu, chăm sóc lẫn nhau. Chị bảo, như hiểu được nỗi vất vả của mẹ, bé Minh Khôi rất ngoan và ít khi khóc quấy. Đến giờ, bé đã tròn 2 tuổi, rất bện mẹ và nghe lời. Con biết cách tự chơi mỗi khi mẹ bận làm, thậm chí thấy mẹ đi lại khó khăn cũng “xung phong” lấy giúp mẹ những đồ lặt vặt như: bát đũa, quần áo…

Xúc động nhất là lần nhiều người trêu “tay mẹ Cậy bị chuột cắn mất”, thằng bé “òa khóc”, lon ton chạy lại, xoa xoa vào đôi tay cụt lủn như an ủi, động viên mẹ. “Dù còn bé nhưng con luôn biết bảo vệ mẹ, không cho ai nói xấu hay bắt nạt mẹ. Yêu lắm!”, chị Cậy xúc động nói.

Hàng ngày, chị Cậy tranh thủ gửi con cho bà đi chăn trâu, chăn bò và làm các công việc lặt vặt. Ảnh: Toàn Vũ
Hàng ngày, chị Cậy tranh thủ gửi con cho bà đi chăn trâu, chăn bò và làm các công việc lặt vặt. Ảnh: Toàn Vũ
Chị Cậy phải dùng nách, nghẹo đầu để cầm dây, dắt bò. Ảnh: Toàn Vũ
Chị Cậy phải dùng nách, nghẹo đầu để cầm dây, dắt bò. Ảnh: Toàn Vũ

Nhà có 5 chị em nhưng chỉ mỗi chị Cậy là bị khuyết tật. Chị kể, cái tên chị được bố mẹ đặt với hy vọng sau này cuộc đời chị có thể tìm được nơi nhờ cậy, yên ổn chứ không nghĩ rằng chị có thể tự mình lo liệu, sống tốt. Thế nhưng, từ bé chị đã tỏ ra là một người nghị lực, kiên cường.

Ba tuổi, chị bắt đầu tự đi lại được. Đến năm 6 – 7 tuổi, chị Cậy dùng chân học cách làm các công việc đơn giản. Nhờ sự cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ, chân của chị càng ngày càng linh hoạt, khéo léo. Chị có thể dùng chân nấu cơm, vo gạo hay quét nhà. Nói thì đơn giản, nhưng đó là cả một quá trình đầy gian nan, vất vả và thấm đẫm không ít nước mắt. Trước mỗi việc chị phải luyện tập đi, luyện tập lại hàng tuần, hàng tháng.

“Ban đầu, mình tập dùng chân cầm thìa cơm. Hạt cơm vung vãi khắp nơi, các ngón chân đau mỏi như chuột rút. Không nản chí, mình tập 1 lần không được thì tập một trăm lần. Cứ thế mọi việc ban đầu khó sau cũng quen đi”, chị kể. Đến nay, trong việc chăm sóc con trai, chị cũng dùng chân để nấu bột, bón cho con ăn. Thậm chí đến những công việc đòi hỏi sự khéo léo như thay quần áo tắm rửa cho con chị cũng tự mình làm được.

Dù vất vả song chị bảo sẽ cố gắng để lo cho con trai một tương lai tốt nhất. Ảnh: Toàn Vũ
Dù vất vả song chị bảo sẽ cố gắng để lo cho con trai một tương lai tốt nhất. Ảnh: Toàn Vũ

Sức khỏe kém, lại khuyết tật nên kinh tế gia đình chị chủ yếu trông vào tiền trợ cấp của nhà nước. Trong số gần 1 triệu được lĩnh hàng tháng, chị Cậy phải tính toán chia đều ra làm các phần, một phần mua sữa cho con, phần chi tiêu hàng ngày, phần để làm tích lũy. “Rau thì mình tự trồng, thịt thì 2 – 3 hôm mua khoảng 10 – 15 nghìn là đủ ăn. Tiết kiệm, dè xẻn nên cũng đủ chi tiêu”, chị kể.

Hai mẹ con chị Cậy hiện ở trong một căn nhà trước đây là kho cũ để đồ. Ảnh: Toàn Vũ
Hai mẹ con chị Cậy hiện ở trong một căn nhà trước đây là kho cũ để đồ. Ảnh: Toàn Vũ
Cuộc sống dù còn nhiều vất vả song căn nhà vẫn luôn rộn rã tiếng cười. Ảnh: Toàn Vũ
Cuộc sống dù còn nhiều vất vả song căn nhà vẫn luôn rộn rã tiếng cười. Ảnh: Toàn Vũ

Cũng may, biết được hoàn cảnh của chị nên bà con hàng xóm cũng cưu mang, đỡ đần ít nhiều. Thỉnh thoảng, người cho “bơ gạo”, “người biếu cút mắm”… khiến cuộc sống cũng đỡ vất vả phần nào. Đầu năm nay, chị Cậy được một doanh nghiệp và Hội phụ nữ xã tặng một con bò để phát triển kinh tế. Chị bảo, ngày nhận quà chị mừng đến phát khóc. Với người nghèo như chị, đây là món quà vô cùng quý giá, phải tích lũy vài năm mới mua được.

Hàng ngày, chị tranh thủ gửi con cho bà ngoại đi chăn bò và làm những công việc lặt vặt trong xóm để kiếm thêm thu nhập. Nhìn cái dáng bé nhỏ, mỗi lần dắt bò phải ghẹo cổ, nghiêng người khiến nhiều người không khỏi xúc động. Thế nhưng, chị Cậy bảo, dù có vất vả đến đâu chị cũng cố gắng miễn là có thể lo cho tương lai của con sau này được đến trường, bằng bạn, bằng bè. “Mình đã thiệt thòi, vất vả đủ đường nên chỉ mong con sau này có cuộc sống tốt hơn”, chị Cậy nói.

Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm