Người lao động tự do miệt mài mưu sinh trong ngày Quốc tế lao động
(Dân trí) - Trong ngày Quốc tế lao động 1/5, thay vì về quê, nghỉ ngơi, vẫn còn rất nhiều người lao động tự do ở lại Thủ đô lặng lẽ mưu sinh, giữ nhịp làm việc như ngày thường.
Mỗi người một hoàn cảnh, công việc khác nhau như: Bán hàng rong, xe ôm, thu mua đồng nát… nhưng họ đều có điểm chung là cuộc sống mưu sinh còn khó nhọc, khiến họ không mảy may nghĩ đến ngày Quốc tế lao động 1/5.
Trong kỳ nghỉ lễ, nhiều người lao động vẫn miệt mài rong ruổi trên các con phố, tuyến đường mong bán được nhiều hàng, chạy được nhiều chuyến xe hay lượm được nhiều đồng nát để lo cho cuộc sống. Những ngày này, nhịp sống của họ chẳng khác gì ngày thường, vẫn những con đường quen thuộc, vẫn tấp nập những chuyến xe chất đầy hàng hóa.
Dù là ngày nghỉ lễ, nhưng ngay từ sáng sớm, những người lao động tự do đã tất bật với công việc mưu sinh của mình, với họ nghỉ lễ là điều gì đó thật xa xỉ. Bà Lê Thị Thanh (60 tuổi, Đống Đa) cho hay, suốt 30 năm qua bà bị bệnh suy thận, thường xuyên phải vào viện lọc máu. Để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, khi khỏe bà Thanh tranh thủ đạp xe đi bán bóng dạo, dọc các tuyến phố đi bộ.
Đôi mắt mệt mỏi, bà Thanh trầm ngâm nói: "Dù hôm nay là ngày lễ nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên phố đi bộ vắng người đến tham quan và vui chơi lắm. Nên đứng từ sáng đến chiều, tôi mới bán được gần 10 quả bóng bay. Với tôi, ngày lễ cũng giống như bao ngày bình thường khác, chỉ mong ngày này sẽ đắt khách và bán hết số bóng bay để được về nhà nghỉ ngơi sớm".
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhiều người dân và du khách thay vì về quê đã đến các địa điểm vui chơi để tận hưởng kỳ nghỉ. Đây cũng chính là thời điểm để những người bán hàng rong như chị Nguyễn Thị An (34 tuổi, Cầu Giấy) kiếm thêm thu nhập từ việc bán đặc sản cốm tươi.
Trước đây, chị An làm giáo viên mầm non, nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, học sinh nghỉ học, công việc của chị trở nên bấp bênh. Không có nguồn thu, chị An nghỉ việc đi bán hàng rong tại chợ dân sinh và các khu du lịch. Tuy thu nhập từ nghề này không nhiều nhưng có đồng ra đồng vào để chị An lo cho con và trang trải cuộc sống thường ngày.
"Dịch covid-19 ảnh hưởng, học sinh nghỉ học, giáo viên như tôi không có việc làm, đồng thời cũng không có lương nên phải tìm một công việc khác để thay thế. So với công việc giáo viên, thì công việc này vất vả hơn nhiều nhưng mang lại thu nhập cao hơn. Những ngày nghỉ lễ như này, người người đi chơi nhưng với tôi lại là dịp để kiếm thêm thu nhập. Vì vậy dù có chút chạnh lòng nhưng tôi đều chấp nhận làm việc ngày lễ để lo cho con".
Cùng làm nghề lao động tự do, chị Nguyễn Thị Phương đang cật lực đẩy số hàng vừa mua được chia sẻ, hơn 20 năm nay, không kể nắng mưa, ngày lễ, chị đều rong ruổi trên chiếc xe cà tàng đi mua ve chai. Cật lực mỗi tháng chị cũng chỉ kiếm được khoảng 5 triệu đồng, nên dù ngày lễ chị Phương vẫn chăm chỉ đi làm.
"Nghề thu mua đồng nát này phải rong ruổi khắp phố, hôm được nhiều thì được 200 - 300 nghìn đồng, hôm ít thì chỉ được hơn 100.000 đồng thôi. Hy vọng ngày nghỉ, nhiều siêu thị, cửa hàng và các gia đình họ sẽ dọn dẹp nhà cửa thì tôi sẽ mua được nhiều hàng hơn", chị Phương cho hay.
Ngồi bên vệ đường chờ khách, ông Đặng Văn Tân (quê Nam Định) chạy xe ôm, nuôi ba người con học Đại học cho hay, cuộc sống ở quê nông nhàn, không có tiền cho con ăn học, ông lên thành phố mưu sinh suốt 30 năm qua.
Ông Tân nói: "Làm nghề tự do như chúng tôi thì làm gì có ngày nghỉ, chỉ mong ngày nào cũng đông khách là mừng rồi. Mấy hôm nay, Việt Nam liên tục ghi nhận thêm các ca mắc Covid-19 mới, nên tôi không về quê ở lại thành phố chạy xe được cuốc nào hay cuốc đó".