Người Hà Nội "vật lộn" với thời tiết nồm ẩm, sàn nhà "đổ mồ hôi"
(Dân trí) - Thời tiết mưa phùn kéo dài, độ ẩm không khí cao gây ra tình trạng nồm ẩm khiến cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn vì sự bất tiện.
Vài ngày trở lại đây, khu vực hành lang để phơi quần áo của nhà chị Thu Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) đã chật cứng vì thời tiết nồm ẩm khiến quần áo giặt không thể khô. Chẳng còn cách nào khác, chị buộc phải dặn ông xã và các con giữ gìn quần áo sạch sẽ để mặc đi mặc lại mà không dám giặt quá nhiều.
Dù năm nào cũng phải "chống chọi" với dạng thời tiết nồm ẩm, mưa phùn kéo dài sau Tết, nhưng vợ chồng chị Phương vẫn chưa thể thấy quen.
Độ ẩm trong không khí cao khiến nền nhà "đổ mồ hôi" nhớp nháp cả ngày, quần áo phơi cả tuần không khô và có mùi hôi khó chịu do nấm mốc sinh sôi.
Tường nhà ẩm thấp, tụ giọt nước gây ra nhiều vết mốc đen vừa gây hại sức khỏe lại mất thẩm mỹ. Thực phẩm khô như lạc, gạo, hành tỏi, cũng được chị Phương bảo quản rất kỹ vì sợ bị mốc.
Không chỉ riêng gì gia đình chị Phương, thời tiết mưa phùn kéo dài cũng gây ra nhiều khó khăn, làm đảo lộn sinh hoạt của nhiều gia đình ở Hà Nội.
Anh Trần Quốc Quý (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Đặc sản" nồm sau Tết năm nào cũng có, và cứ đến mùa nồm là các bé nhà mình lại bị cảm cúm, ho, sốt, người lớn thì cảm thấy đau đầu, mỏi người rất khó chịu.
Có thể là do điều kiện thời tiết ẩm thấp, tạo điều kiện cho các loài vi khuẩn, vi trùng sinh sôi phát triển nên mình và gia đình cũng dễ nhiễm bệnh.
Cứ đến mùa nồm là nhà mình lại sắm vài đôi dép đi trong nhà cho đỡ "ghê chân" và cũng tránh được trơn trượt các bé dễ ngã.
Bà xã mình cũng cố gắng sắp xếp để cả nhà không thay đồ quá nhiều, quần áo không khô được hai vợ chồng phải dùng máy sấy tóc để hơ khô và làm ấm quần áo trước khi mặc cho các con...", anh Quý chia sẻ
Không chỉ gây ẩm thấp, ướt át khó chịu và ảnh hưởng đến sức khỏe. Độ ẩm trong không khí cao còn khiến nhiều gia đình "đau đầu" vì thiết bị điện tử hỏng hóc, rò điện gây nguy hiểm.
Chị Nguyễn Trúc Quỳnh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ về sự cố bị điện giật khi cắm nồi cơm do độ ẩm cao. Dù chỉ bị giật nhẹ gây tê tay nhưng đây cũng là nỗi ám ảnh của chị mỗi khi trời nồm. Hay chiếc tivi gia đình chị mới sắm đầu năm ngoái cũng bỗng dưng chập chờn lên vạch đỏ, vạch xanh màn hình do thời tiết ẩm thấp.
Để đối phó với tình hình trên, nhà chị Quỳnh đã huy động hết công suất máy hút ẩm trong phòng, mua robot lau nhà, bật điều hòa chế độ khô nhưng cũng không cải thiện được nhiều. Chỉ cần dừng hoạt động máy là tình trạng nền nhà "đổ mồ hôi" lại đâu vào đó.
Không chỉ vậy, thời tiết ẩm thấp kéo dài khiến cho công việc kinh doanh hàng ăn của gia đình chị Quỳnh gặp nhiều khó khăn: "Rau củ chỉ cần để ở ngoài qua đêm là nhũn hỏng, thậm chí thức ăn cũng nhanh chóng ôi thiu.
Chưa kể sàn nhà ẩm thấp, khách ra vào nhiều nên luôn bẩn thỉu, mất mĩ quan. Cả ngày làm việc đã mệt nhưng lại thêm khoản lau nhà liên tay khiến mình vô cùng nản với thời tiết khó chịu này", chị Quỳnh than thở.
Không chỉ ở trong nhà, tình trạng ở ngoài đường mưa phùn kéo dài khiến đường sá lúc nào cũng ướt át, lép nhép, bẩn thỉu. Tình trạng nồm ẩm có thể tiếp tục kéo dài và gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới cuộc sống của người dân trong những ngày tới đây.
Vật lộn với thời tiết nồm ẩm
Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết, chị Thu Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) phải mua sẵn, gừng, sả, bồ kết để dành rang khô, xông mùi làm ấm cho ngôi nhà trong những ngày nồm.
Những thảo mộc này có thể giúp không khí trong nhà được thanh lọc và cải thiện. Theo chị Phương, không nên đun nước xông nhà vì điều này có thể khiến độ ẩm càng tăng cao.
Chị Trúc Quỳnh (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên đóng kín các cửa sổ ở các phòng và cửa ra vào để hơi ẩm hạn chế vào nhà. Theo chị Trúc Quỳnh quan niệm mở cửa cho khô nhà, hay dùng quạt để điều hòa và hong khô nền nhà trong những ngày nồm là hoàn toàn sai lầm.
Đối với các thiết bị điện không sử dụng thường xuyên trong ngày nồm ẩm, chị Quỳnh sẽ sử dụng tấm vải để che phủ lên tránh ẩm hạn chế hỏng hóc. Trước khi bật công tắc điện và sử dụng điện nên lau tay bằng vải khô và đảm bảo cách điện an toàn.
Để tăng cường sức khỏe cho người thân trong gia đình, chị Quỳnh cũng thường xuyên cho thêm vào món ăn những gia vị có tính ấm như gừng, sả, tỏi. Bổ sung các loại vitamin cần thiết tăng cường sức đề kháng, uống nước ấm và ngâm tay chân với nước muối trước khi ngủ để đảm bảo sức khỏe.
Ngoài ra, rất nhiều gia đình đã sẵn sàng chi tiền cho các loại máy hút ẩm, lọc không khí và máy giặt có chế độ sấy để bớt bất tiện trong những ngày thời tiết nồm ẩm khó chịu như hiện nay.