Người Hà Nội "mua xăng đóng chai", cảnh báo "ôm bom về nhà" nếu tích trữ
(Dân trí) - Sau khi nhân viên bán hàng bơm đầy xăng cho phương tiện, nhiều người đã yêu cầu đổ thêm vào chai nhựa để mua dự trữ cho xe còn lại ở nhà.
Cầu cứu người thân "mua xăng đóng chai"
Chiều 11/11, Nguyễn Hữu Chánh (24 tuổi, quận Cầu Giấy) dự tính đổ xăng trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) do tiện đường đi làm. Tuy nhiên, khi đến nơi, mọi chuyện trái ngược với kế hoạch ban đầu của anh.
Tại đây, một xe bồn đang cung cấp xăng cho cửa hàng, đằng sau là hàng chục người xếp hàng tràn xuống lòng đường chờ đến lượt.
"Tôi bèn chạy đến một cây xăng cách đó 500m, nhưng được thông báo hết hàng. Tôi bắt đầu lo lắng vì sát giờ làm mà xe gần hết nhiên liệu", Chánh nói, sau đó gọi điện "cầu cứu" em trai mua xăng đựng tạm trong chai nhựa khoảng 1,5 lít.
Hơn 30 phút chờ đợi, người em "hỏa tốc" đến tiếp nhiên liệu, giúp anh kịp giờ làm việc.
"Đây không phải lần đầu tôi mua xăng theo kiểu này. Trước đó, do xe hết xăng dọc đường, tôi phải đẩy bộ về cơ quan. Hôm sau, tôi dùng chai nhựa đi mua xăng, sử dụng ngay chứ không tích trữ", Chánh cho biết.
Do nhà gần cây xăng trên đường Trần Quang Khải, chiều 11/11, anh Nguyễn Văn Long (29 tuổi, quận Hoàn Kiếm) đi bộ mang chai nhựa đến mua nhiên liệu, thay vì phải lỉnh kỉnh đi xe máy.
"Tôi thấy nhiều người giống mình, xách theo can hay chai nhựa, kiên nhẫn xếp hàng đợi đến lượt", anh Long kể.
Sau khi thanh toán, anh được nhân viên bán hàng hướng dẫn phải sử dụng xăng ngay khi về tới nhà, tránh trường hợp trẻ nhỏ nghịch ngợm, hoặc tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
23h, tại cây xăng ở ngã tư Trần Cung - Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), Lê Đình Tùng, 27 tuổi, kiên nhẫn xếp hàng đợi đổ xăng.
Anh quan sát thấy nhiều người xung quanh cầm theo chai nhựa mua xăng, không cần xếp hàng chung với xe máy, giúp tiết kiệm thời gian tránh chờ đợi lâu.
"Họ mua xăng và đổ vào xe máy ngay cạnh đó. Cũng có người sau khi nhân viên bán hàng bơm đầy cho phương tiện, đã yêu cầu đổ thêm vào chai nhựa để mua dự trữ cho xe còn lại ở nhà", Tùng nói.
Theo Hữu Chánh, người dân không nên tích trữ xăng dầu tại nhà, vì từ trước đến nay đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn thương tâm ảnh hưởng tính mạng và tài sản bắt nguồn từ hành động dại dột này.
"Tôi nghĩ người dân nên trực tiếp đổ xăng ở cửa hàng để đảm bảo an toàn, tránh mua về, không may gặp sự cố", anh nói.
Chánh kể, trong bán kính 1 - 2km từ nhà anh có 3 - 4 cây xăng, nhưng thời gian qua luôn rơi vào tình trạng "hết hàng", "tạm ngừng phục vụ", hoặc chỉ hoạt động 1 - 2 trụ xăng khiến người dân phải chờ đợi lâu.
Nhiều hôm, do không đủ kiên nhẫn xếp hàng, anh tìm cửa hàng khác với hi vọng nhanh hơn, hoặc tranh thủ nửa đêm mới ra đường đổ xăng, nhưng cũng không thoát được cảnh chờ đợi.
"Không riêng tôi, mà cuộc sống nhiều người dân thời gian qua bị đảo lộn khá nhiều. Nếu như trước đây, việc đổ xăng diễn ra rất dễ dàng, chỉ mất một vài phút thì nay lại phải chờ 20-30 phút thậm chí cả tiếng đồng hồ", Chánh nói.
Anh đã từng phải dắt bộ xe máy, nhiều lần đón xe ôm đến cơ quan để kịp giờ làm việc. "Nhiều lúc không muốn bản thân rơi vào tình trạng này, nhưng đi làm về nhà đã ban đêm, lại phải chờ cả tiếng để đổ xăng nữa thì quá mệt mỏi', nam thanh niên ngán ngẩm.
Tích trữ xăng không khác nào "ôm bom về nhà"
Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong thời gian gần đây, hiện tượng người dân phải xếp hàng, đợi hàng tiếng đồng hồ, xuyên đêm để mua xăng đã diễn ra tại hầu khắp các quận, huyện của Hà Nội.
Việc phải chờ đợi trong khoảng thời gian dài đã khiến nhiều người khó chịu, bức xúc, vì bị ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, cuộc sống.
Theo luật sư, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH từng khuyến cáo xăng dầu là loại chất gây cháy, nổ cao và có tính chất lý, hóa đặc biệt. Nếu được tích trữ trong các can nhựa hoặc thiết bị chứa không phù hợp, với đặc tính của xăng dầu, rất dễ dẫn đến hiện tượng bình chứa bị hư hỏng hoặc do va đập làm vỡ, thủng thiết bị chứa, làm rò rỉ xăng dầu ra ngoài, tạo thành môi trường nguy hiểm gây cháy, nổ, đặc biệt trong không gian kín, hẹp.
Tại các hộ gia đình, việc bảo quản xăng dầu thường đặt chung cùng các vật dụng khác ở các khu vực tầng hầm hoặc tầng 1 của nhà (có thể đặt ngoài hoặc cùng khu vực ở). Các khu vực này thường không được ngăn cách độc lập với khu vực xung quanh và không có thiết bị điện chuyên dụng đảm bảo an toàn chống cháy, nổ.
Đám cháy do xăng dầu gây ra có thể lan rất nhanh, tỏa ra nhiều khói, chất độc gây nguy cơ tử vong của người trong nhà rất cao, đồng thời, gây khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Trên thực tế đã xảy ra không ít trường hợp tích trữ xăng dầu tại nhà dẫn đến cháy, nổ gây ra hậu quả nghiêm trọng cả về tính mạng, sức khỏe và tài sản.
"Để không bị rơi vào thế bị động trước vấn đề thiếu xăng, nhiều người dân chấp nhận xuyên đêm đổ xăng, thậm chí tích trữ nhiên liệu tại hộ gia đình mà không biết đang 'ôm bom về nhà'", ông Tiền nói.
Ngày 7/11, Bộ Công thương cho biết pháp luật không có quy định cấm người tiêu dùng mua xăng bằng chai, can đem về, bởi xăng dầu không chỉ phục vụ cho nhu cầu về phương tiện đi lại như xe ô tô, xe máy… mà rất nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ có thể dùng để chạy động cơ như vận hành máy xay xát tại nhà, chạy ghe, thuyền tại vùng sông nước và rất nhiều loại động cơ khác…
Tuy nhiên, theo Bộ, việc tích trữ xăng dầu vào thùng, can, chai tại nhà tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy, nổ cho gia đình và cộng đồng, do đó người tiêu dùng cần hạn chế cách thức này nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Luật sư Trần Xuân Tiền cho hay, nếu người dân tích trữ xăng dầu gây cháy nổ, thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Cụ thể, theo Khoản 4 Điều 32 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ có thể bị phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng, mức phạt đối với tổ chức sẽ gấp đôi khoản trên.
Ngoài ra, hành vi tàng trữ xăng dầu có thể chịu trách nhiệm về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Về trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ thiệt hại về người và tài sản, người vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy có thể bị phạt tù từ 7 - 12 năm.
Cục Cảnh sát PCCC và CNCH nhấn mạnh người dân chỉ mua xăng, dầu vừa đủ với nhu cầu sử dụng, không tích trữ tại nhà để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe.
Trường hợp hộ gia đình đã tích trữ xăng dầu cần có biện pháp bảo quản an toàn như sau: Bảo quản trong khu vực độc lập (kho riêng), tuyệt đối không tồn chứa xăng dầu trong khu vực có người ở; Khu vực tồn chứa xăng, dầu phải tránh ánh nắng trực tiếp, nhiệt độ cao và thông thoáng để giảm sự bốc hơi, tích tụ của hơi xăng dầu; Có biện pháp ngăn xăng dầu, tràn ra ngoài, cách xa nguồn sinh lửa (bếp đun, đốt rác…), nguồn nhiệt.
Ngoài ra, các thiết bị điện (công tắc, bóng đèn…) trong khu vực chứa xăng dầu phải đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ bị chập, cháy, phát sinh tia lửa….; Ngăn cách và cảnh báo để trẻ em và người khác không tiếp cận được khu vực tồn chứa xăng dầu.