Người dân viếng mộ dịp Tết Thanh Minh
(Dân trí) - Năm nay, Tết Thanh Minh bắt đầu từ 16/2 Âm lịch. Mỗi dịp cuối tuần, nhiều đại gia đình lại rủ nhau đi tảo mộ, sửa soạn hương lễ hướng về tổ tiên, những người thân đã mất.
Từ xa xưa, Tết Thanh minh đã trở thành dịp lễ quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Tùy điều kiện cũng như sở thích của mỗi gia đình mà chuẩn bị lễ vật để tảo mộ, nhưng không thể thiếu những bó hoa tươi.
Tại một nghĩa trang ở Kỳ Sơn (Hòa Bình), từ sáng sớm đã có nhiều gia đình ở Hà Nội lên tảo mộ. Những hành động như nhổ dại, đắp lại nấm, dọn dẹp xung quanh... rất đơn giản nhưng cũng giúp nhiều người hồi hướng về tổ tiên, về những người thân đã mất.
“Dịp Tết Thanh Minh hay những dịp lễ tết khác, nhiều gia đình họ hàng nhà tôi tề tựu về khu mộ phần để tri ân tổ tiền, ông bà đã mất. Đây cũng là dịp gặp mắt đại gia đình, rất ấm cúng”, ông Sơn, một người dân ở Tây Hồ (Hà Nội) cho biết.
Theo sách "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính ghi lại, Thanh Minh nghĩa là trời độ ấy mát mẻ quang đãng. Ngày Thanh Minh nhắc nhở các gia đình phải nhớ ơn ông bà tổ tiên, người đã sinh thành, nuôi dạy ta khôn lớn".
Thành kính thắp nén hương tưởng nhớ những người thân đã mất...
Dịp này, nhiều người ở xa cũng trở về quê quán để tưởng nhớ tổ tiên và sum họp với gia đình.
Thời tiết dịp này se lạnh và không nắng, khá thuận lợi cho việc tảo mộ.
Người dân nhiều nơi kết hợp Tết Thanh Minh với Tết Hàn Thực (tức ngày bánh trôi bánh chay) vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch. Tuy nhiên, trên thực tế Tết Thanh Minh theo quy luật vận hành của mặt trời - lịch dương, chứ không theo lịch mặt trăng - lịch âm, thường rơi vào ngày 4 hoặc ngày 5 của tháng Tư Dương lịch.
Đỗ Quân