Người đàn ông khuyết tật và những sản phẩm độc đáo từ gáo dừa

Kỳ Đồng

(Dân trí) - Dù mắc chứng teo cơ từ nhỏ, đôi chân co quắp, đôi tay cũng gầy guộc, nhưng anh Dương Quý Nghĩa (TP Long Xuyên, An Giang) đã vượt khó, sáng tạo nên nhiều sản phẩm thủ công độc đáo từ gáo dừa.

Nghị lực phi thường của nghệ nhân chế tác từ gáo dừa

Nói về cơ duyên đến với nghề chế tác sản phẩm lưu niệm từ gáo dừa, anh Dương Quý Nghĩa chia sẻ: "Tôi đến với nghề này cũng là cái duyên. Bởi lúc 9 tháng tuổi tôi bị sốt bại liệt, rồi sau đó, tay chân cứ teo dần, đi đứng không được nữa.

Khi trưởng thành, tôi cũng muốn tự lập, muốn có việc làm để nuôi bản thân, cơ may đến khi tôi được tham gia lớp học nghề mộc. Và tình cờ nhất chính là có người bỗng nhiên gọi điện đến đặt hàng tôi làm cái này cái kia từ gáo dừa. Ban đầu chỉ vài cái thôi, nhưng đó chính là khởi đầu để tôi thật sự gắn bó với nghề này".

Người đàn ông khuyết tật và những sản phẩm độc đáo từ gáo dừa - 1
Việc chế tác gáo dừa là niềm đam mê, là khát vọng sống ý nghĩa của anh Nghĩa.

Anh Nghĩa cũng cho biết: "Mỗi sản phẩm tôi làm ra đều là bản riêng biệt, nó có điểm gần giống nhau, nhưng thật ra cái hồn, cái nét trong từng sản phẩm lại khác nhau. Đó chính là yếu tố rất thú vị mà nguyên liệu gáo dừa tạo ra".

Được biết, nguyên liệu để làm các sản phẩm từ gáo dừa khá rẻ nhưng cái khó của người thợ là phải luôn sáng tạo thêm cái mới, cái lạ. Ví dụ như một chiếc đèn ngủ, phải trang bị thêm đèn hay trục xoay để sản phẩm mang tính ứng dụng cao và đẹp mắt. Hay những chậu hoa sen, ban đầu chỉ màu gỗ mộc tự nhiên, dần về sau anh trang trí thêm màu sắc khác cho giống với hoa sen thật để đúng gu thẩm mỹ của khách hàng.

Người đàn ông khuyết tật và những sản phẩm độc đáo từ gáo dừa - 2

Sự tỉ mỉ trong từng đường cắt đã giúp cho sản phẩm của anh Nghĩa luôn sắc nét và được khách hàng yêu thích.

Hiện nay sản phẩm của anh Nghĩa được bán ký gửi ở một số cửa hàng lưu niệm, hay đăng trên mạng xã hội, hoặc thông qua người quen giới thiệu. Dù sản phẩm khá kỳ công và đẹp mắt, nhưng anh Nghĩa bán với giá khá mềm, chỉ từ vài chục nghìn đồng đến hơn một triệu đồng tùy vào sản phẩm.

Mỗi ngày, anh Nghĩa luôn cố gắng làm thêm sản phẩm mới, nhất là những sản phẩm tranh gáo dừa. Anh Nghĩa cho biết, "mỗi bức tranh mình tạo ra nó đều khác nhau, vì khi thiết kế mình nghĩ như vậy, nhưng gáo dừa có màu sắc khác nhau, nên khi bắt tay vào làm mình cần phải làm sao cho nó hài hòa màu sắc, độ sắc nét phải rõ và hơn hết là phải có cái hồn, cái duyên dáng của bức tranh để khi người khác ngắm có cảm tình với nó".

Người đàn ông khuyết tật và những sản phẩm độc đáo từ gáo dừa - 3
Người đàn ông khuyết tật và những sản phẩm độc đáo từ gáo dừa - 4

Mặc dù trong sản phẩm anh Nghĩa đầu tư rất nhiều công sức và tâm huyết nhưng giá bán lại không hề đắt đỏ.

Với anh Nghĩa, một sản phẩm hoàn thành đều là do nỗ lực phi thường và nghị lực vượt khó không ngừng nghỉ. Bởi những khiếm khuyết cơ thể đã ảnh hưởng lớn đến  sức khỏe và việc di chuyển, thao tác cắt mài gáo dừa của anh, mỗi hoạt động đều phải dùng khá nhiều sức lực. Nhưng bằng tình yêu với nghề và ý chí tự mưu sinh đủ lớn đã giúp anh vượt qua tất cả.

Anh Nghĩa hiện sống cùng người cha đã ngoài 80 tuổi. Hằng ngày, anh tự chạy xe ra chợ mua đồ về nấu ăn. Thời gian còn lại với anh là bên những chiếc máy cắt, máy mài gáo dừa của mình và đều đặn cho ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo.

Người đàn ông khuyết tật và những sản phẩm độc đáo từ gáo dừa - 5
Anh Nghĩa bên sản phẩm do tự mình làm ra.

Nhiều người xem anh là một nghệ nhân thực thụ, nhưng với anh, anh chỉ xem mình là một người yêu thích và có duyên gắn bó với nghề gần 20 năm qua. "Tôi muốn mình làm được nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ hơn nữa, nó không đơn thuần là thủ công, mà còn là sản phẩm mang tính ứng dụng cao, bền đẹp cho khách hàng sử dụng.

Thậm chí, tôi cũng mong muốn được mở rộng xưởng và truyền đạt lại nghề cho những bạn muốn học nghề và có cùng hoàn cảnh như mình. Chỉ có như vậy, nghề chế tác gáo dừa này mới có thể phát triển bền vững và những người khiếm khuyết như tôi mới tự tin hơn trong cuộc sống, dù có tàn nhưng không bao giờ phế," anh Nghĩa khẳng định.