Người dân Nghệ An "sống tích cực" trong những ngày "ai ở đâu ở yên đấy"
(Dân trí) - Những ngày siết chặt các biện pháp chống dịch, người dân TP Vinh (Nghệ An) đã kịp thích ứng hoàn cảnh. Với họ lúc này, thực hiện tốt yêu cầu "ai ở đâu ở yên đấy" là góp phần chống dịch.
Ngày 17/8, TP Vinh bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch. Đến ngày 23/8, thành phố nâng cao một mức phòng, chống dịch, yêu cầu người dân không ra đường, thực hiện nghiêm "ai ở đâu ở yên đấy" trong nỗ lực sớm khống chế, đẩy lùi dịch khi số ca nhiễm tiếp tục được ghi nhận mới mỗi ngày.
Thành phố với gần nửa triệu dân bước vào một cuộc chiến mới, với sự nỗ lực, quyết tâm của lực lượng tuyến đầu và sự đồng thuận của người dân. Ngoài 42 chốt phòng dịch trước đó, Công an tỉnh Nghệ An đã thiết lập thêm 70 chốt, chặn với sự tham gia của hơn 600 cán bộ, chiến sỹ tăng cường cho thành phố để kiểm tra, kiểm soát người dân ra đường không có lý do chính đáng, đảm bảo "ai ở đâu ở yên đó".
Từ ngày 18/8, xóm 34 xã Nghi Kim (TP Vinh) bị phong tỏa y tế do có 2 trường hợp mắc Covid-19. Thành viên trong gia đình thuộc diện F2 nên cả nhà chị Nguyễn Thị Hạnh được yêu cầu ở trong nhà.
"Nhà tôi có 5 người, trong đó cháu nhỏ mới hơn 3 tuổi nên việc quản lý con trong những ngày đầu để cháu không ra khỏi cổng cũng gặp khó khăn. Tôi phải kiếm việc để kéo các con vào các hoạt động chung, giúp đỡ bố mẹ, đặc biệt là tránh cho các cháu cảm thấy bí bách do không được đi chơi như thường lệ", chị Hạnh cho biết.
Chị Hạnh làm việc trong lĩnh vực làm đẹp, chồng là thợ cơ khí tự do. Bình thường, do đặc thù công việc nên cả nhà ít có thời gian quây quần bên nhau. Trong những ngày nghỉ vì dịch, chị Hạnh và cô con gái tranh thủ chế biến những món ngon, làm bánh thiết đãi cả nhà. Chiều, chị vận động chồng con tham gia nhảy để rèn luyện sức khỏe.
"Lương thực, thực phẩm đã có Tổ hỗ trợ cộng đồng của xóm mua giúp, ở nhà cả ngày không vận động thì buồn chán lắm. Lúc đầu chỉ có cô con gái 9 tuổi luyện tập cùng mẹ, nay tôi vận động được chồng tham gia, đang cố gắng để thuyết phục con trai 14 tuổi nữa. Hoạt động tích cực, suy nghĩ tích cực, nghiêm chỉnh chấp hành quy định phòng dịch là cách tốt nhất để ủng hộ lực lượng tuyến đầu lúc này", người phụ nữ 36 tuổi chia sẻ.
Hồi tháng 6, khi có ca nhiễm cộng đồng đầu tiên trên địa bàn, khu vực phường Hưng Dũng (TP Vinh) phải phong tỏa y tế để dập dịch. Bởi vậy, bước vào những ngày giãn cách xã hội lần 2, anh Nguyễn Khắc An đã có kinh nghiệm hơn trong sắp xếp công việc, sinh hoạt thích ứng với tình hình mới.
"Dịch là cơ hội cho ta được (hay buộc) sống chậm, nghĩ sâu, làm kỹ. Hãy nghĩ những điều lâu nay chưa kịp nghĩ. Hãy làm những điều lâu nay chưa kịp làm hoặc chưa chịu làm", anh Nguyễn Khắc An chia sẻ.
Những ngày trôi qua, ngoài thời gian giải quyết công việc từ xa, anh An cùng con trai dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại vật dụng trong nhà. Hai bố con dành nhiều thời gian để "thiết kế" đồ mới từ những chiếc quần cũ hay thử thách bản thân bằng những bài tập thể dục lâu nay vì bận bịu nên bữa tập, bữa bỏ.
Huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cũng đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đồng nghĩa cửa hàng hoa của chị Nguyễn Hoàng Oanh (xã Hưng Tây) phải tạm đóng cửa. Do có sự tham khảo kinh nghiệm từ bạn bè ở các vùng dịch khác, chị Oanh đã kịp chuẩn bị lương thực, thực phẩm để ít nhất có thể ở nhà trong vòng 7 ngày. Mới đây, chị còn được cán bộ xóm đến tận nhà phát phiếu đi chợ luân phiên.
"Tôi chuẩn bị khá kỹ cho đợt giãn cách này, cộng với việc xóm, xã có nhiều phương án hỗ trợ người dân về mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết khác nên tôi yên tâm ở nhà chống dịch theo yêu cầu của địa phương.
Biết là dừng kinh doanh sẽ khó khăn nhưng vì trách nhiệm phòng, chống dịch chung, mình phải chấp hành thôi. Trong thời gian nghỉ, tôi tranh thủ làm nơ, giỏ cắm hoa để chuẩn bị sau khi dịch được kiểm soát, cửa hàng hoạt động trở lại. Tôi tin là sẽ sớm thôi cuộc sống sẽ trở lại bình thường", chị Oanh chia sẻ.