Giãn cách xã hội, "chợ online" chung cư nhộn nhịp "kẻ bán người mua"
(Dân trí) - Trong thời gian 2 tuần TP Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, "chợ online" ở các khu chung cư được xem là "cứu tinh" của không chỉ người bán mà còn cả người mua.
"Cứu tinh" mùa giãn cách, chị em đi chợ không sợ lây lan dịch bệnh
Chia sẻ với Dân trí, chị Hoàng Thị Lan sinh sống ở chung cư Vinhomes Smart City (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, gần một tháng nay, các mặt loại thực phẩm như: thịt, cá, giò... và trái cây được nhiều người hỏi mua. Những ngày này, số lượng hàng chị Lan bán được nhiều hơn gấp đôi so với ngày thường.
Theo chị Lan, mặc dù số lượng hàng bán ra tăng gấp đôi nhưng giá cả vẫn ở mức bình ổn. Bởi bán hàng online trong khu chung cư không tốn tiền thuê mặt bằng, nhân viên... vì vậy, giá sẽ rẻ hơn so với giá thị trường.
Chị Lan nói: "Dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến tài chính của nhiều người dân. Tôi bán giá vừa phải để ai cũng có thể mua mà không cần nghĩ ngợi nhiều. Khách hàng ở đây chủ yếu là cư dân trong tòa nhà nên tôi đặt uy tín lên hàng đầu. Khách đặt một lần là sẽ mua tiếp các đợt sau".
Tương tự, chị Hoàng Vân ở chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, mấy ngày qua, các đơn hàng liên quan đến thịt gà, hải sản đông lạnh, rau củ quả có nguồn gốc từ quê được nhiều người ưa chuộng.
Theo chị Vân, thực phẩm quê toàn đồ sạch, có nguồn gốc, giá lại phải chăng nên hàng bán rất chạy trong mùa dịch. Chính vì vậy, chị Vân tranh thủ gom đồ sạch ở quê lên "chợ chung cư" bán kiếm thêm thu nhập.
"Công việc chính của tôi là làm truyền thông cho một công ty tại Hà Nội. Từ ngày công ty cho làm tại nhà, tôi có nhiều thời gian rảnh hơn. Tranh thủ khi rảnh tôi liên hệ về quê gom đồ. Tuy nhiên, bán hàng online chỉ là công việc phụ trong những ngày làm việc ở nhà. Những mặt hàng quê vừa rẻ lại đảm bảo nên mọi người rất chuộng", chị Vân chia sẻ.
Chị Đỗ Phương, cư dân ở chung cư Vinhome Smart City (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gần 2 tuần nay thành phố thực hiện giãn cách xã hội, mặc dù gia đình chị đã được phát phiếu đi chợ từ ban quản lý tòa nhà, nhưng tới thời điểm hiện tại chị Phương chưa phải đi chợ mua thực phẩm lần nào.
"Trước đây, tôi ít khi mua hàng online nhưng nay dịch bệnh phức tạp, tôi chọn cách tham gia vào "chợ online" ở khu chung cư. Không ngờ nhóm có đủ thứ cần mua. Từ thực phẩm tươi, sống, chế biến sẵn, hay các mặt hàng trái cây đều có giá rẻ hơn siêu thị mà chất lượng cũng không hề thua kém.
Sở dĩ tôi không đến chợ mua thực phẩm vì phiếu đi chợ chỉ cho phép 2 ngày đi chợ một lần và có khung giờ cố định. Trong khi tôi làm việc tại nhà nên không thể căn giờ chuẩn xác để đi chợ. Do đó tôi chọn cách mua hàng online và coi đây như cách "đi chợ" chính của gia đình mình trong thời gian giãn cách", chị Phương nói.
Chị Phương thường thanh toán bằng cách chuyển khoản, hạn chế tối đa sử dụng tiền mặt và cũng không trực tiếp nhận hàng từ người giao. Theo chị, mua hàng online có thể phần nào giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.
Bởi thế, khi các cửa hàng tạm đóng cửa, ngoài phố vắng vẻ, đìu hiu nhưng trên các "chợ online" ở khu chung cư và "chợ mạng" vẫn hoạt động sôi nổi, nhộn nhịp. Nhiều cư dân cũng tranh thủ bán hàng online như nghề tay trái kiếm thêm thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội.