Người dân Hội An chật vật với nước lũ lên xuống 8 lần trong tháng

Ngô Linh

(Dân trí) - Nước lũ lên xuống liên tục 8 lần trong một tháng, lần ngâm lâu nhất khoảng 4 ngày khiến nhiều hộ dân sinh sống trên tuyến đường Bạch Đằng (phố cổ Hội An) chật vật xoay xở buôn bán, sinh hoạt.

Những ngày cuối tháng 11, khác với cảnh tấp nập, nhộn nhịp trên khắp các tuyến đường thuộc khu phố cổ Hội An, trong đó có đường Bạch Đằng ven sông Hoài dường như bị "cô lập" vì nước lũ.

Cả tuyến đường dài hơn 300m vắng lặng lạ thường, các hàng quán hầu như cửa đóng then cài, dưới lòng đường nước ngập gần đến đầu gối, ít người qua lại.

Người dân Hội An chật vật khi nước lũ lên xuống liên tục (Video: Ngô Linh).

Người dân Hội An chật vật với nước lũ lên xuống 8 lần trong tháng - 1

Đường Bạch Đằng, phố cổ Hội An ngập 8 lần trong tháng 11 (Ảnh: Ngô Linh).

Ông Trần Văn Xung (78 tuổi, nhà ở số 96, đường Bạch Đằng, phố cổ Hội An) cho hay, vì đường Bạch Đằng nằm gần sông Hoài, lại khá thấp, nên chỉ cần thủy triều kết hợp thủy điện xả điều tiết xấp xỉ báo động 1 là ngập khoảng 0,5m, lên tới báo động 3 nước hơn 2m là chuyện thường.

Theo ông Xung, trong tháng 11 này, nước liên tục lên xuống 8 lần, lần ngâm dài nhất là 4 ngày. Những nhà có 2 mặt tiền, đường Bạch Đằng thông qua một tuyến đường khác còn buôn bán được, nhà nào chỉ có một mặt tiền thì xác định "ngồi chơi xơi nước".

"Nếu chỉ là nước do thủy triều, du khách còn sẵn sàng lội, chứ nước lụt, bùn non ngâm lâu ngày thì ai dám. Nhà tôi vẫn chưa đưa đồ đạc xuống, còn việc kinh doanh liên tục đình trệ, rất mệt mỏi", ông Xung chia sẻ.

Người dân Hội An chật vật với nước lũ lên xuống 8 lần trong tháng - 2

Nước lên xuống liên tục, ngâm kéo dài, hàng quán đóng cửa, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng (Ảnh: Ngô Linh).

Chủ nhà hàng The Brothers ở số 99B Bạch Đằng cho hay, anh thuê mặt tiền đường Bạch Đằng với giá khoảng 100 triệu đồng/tháng, nếu muốn 2 mặt tiền, giá sẽ cao hơn. Mùa lũ lụt tại phố cổ Hội An là thời điểm anh lo lắng nhất, bởi việc kinh doanh bị ảnh hưởng, không thể mở cửa thường xuyên khi nước lụt lên xuống liên tục.

"Do tôi kinh doanh nhà hàng nên sợ nhất là đồ đạc dễ ẩm mốc, bắt buộc phải thường xuyên kiểm tra. Rồi tiền trả lương lao động nữa, đủ thứ phải lo. May là chủ nhà họ cũng hiểu và thường hỗ trợ vào 2 tháng cuối năm này", đại diện nhà hàng nói.

Nhà có 2 mặt tiền nên việc kinh doanh của gia đình ông Tăng Hà Ái (số 115 Nguyễn Thái Học, phố cổ Hội An) không bị ảnh hưởng nhiều. Ông Ái cho hay, khi nước lũ tại đường Bạch Đằng dâng cao, gia đình ông đã chuyển toàn bộ hàng hóa sang đường Nguyễn Thái Học để buôn bán.

Người dân Hội An chật vật với nước lũ lên xuống 8 lần trong tháng - 3

Nước lũ xấp xỉ nền nhà, những nhà mặt tiền buộc phải nghỉ kinh doanh (Ảnh: Ngô Linh).

"Những tháng mưa lũ, vì đường Bạch Đằng dễ ngập nên gia đình tôi chuyển toàn lực buôn bán sang mặt tiền còn lại. Ngôi nhà của gia đình có niên đại hơn 100 năm, đã qua 7 thế hệ giữ gìn, vì nhà gần sông Hoài, lũ lụt thường xuyên nên việc duy tu, bảo quản nhà cổ đặc biệt được coi trọng", ông Ái chia sẻ.

Theo UBND thành phố Hội An, ngoài ảnh hưởng đến sinh hoạt và kinh doanh của người dân, bão lũ hàng năm tại phố cổ Hội An cũng gây hư hại các công trình kiến trúc cổ. Tình trạng này kéo dài sẽ làm hư hại các di sản cổ, vốn đã bị ảnh hưởng bởi thời gian.

Phố cổ Hội An hiện có hơn 1.000 di tích, ngay từ đầu năm, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã rà soát, đánh giá thực trạng.

Kết quả kiểm tra cho thấy, có 36 di tích xuống cấp, trong đó 10 di tích xuống cấp nghiêm trọng, hầu hết được gia cố, tu sửa hàng năm. Tuy nhiên, công tác bảo tồn đối với một số di tích còn có những khó khăn.