Không có việc "lót tay" 1,6-1,8 tỷ đồng để có suất đạp xích lô, ghe bơi

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An khẳng định, không có việc "lót tay" hàng tỷ đồng để có suất đạp xích lô, ghe bơi. Tuy nhiên, có việc chuyển nhượng xích lô cho người khác với giá 500 triệu đồng.

Giữa cơn mưa tầm tã, ông Phan Phước Tùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn xích lô Hội An (Quảng Nam) - bận rộn điều phối đoàn xe xích lô chở khách, đảm bảo công bằng giữa các thành viên trong nghiệp đoàn.

Theo ông Tùng, Nghiệp đoàn xích lô Hội An hiện có 100 thành viên. Vào nghiệp đoàn, đoàn viên phải tuân thủ nội quy, ứng xử có văn hóa. Đặc biệt, mỗi đoàn viên phải phát huy tính tự giác, trả lại vật dụng của khách bỏ quên trên xích lô…

Người đạp xích lô, ghe bơi tại Hội An bác tin "lót tay" hàng tỷ đồng để có một suất (Video: Ngô Linh).

Không có việc lót tay 1,6-1,8 tỷ đồng để có suất đạp xích lô, ghe bơi - 1

Trải nghiệm xích lô dạo quanh phố cổ được du khách yêu thích khi đến Hội An (Ảnh: Ngô Linh).

Theo ông Tùng, thu nhập mỗi tháng của các thành viên 12-15 triệu đồng, tùy lượng khách.

Ông Tùng cho biết thêm, những năm xảy ra dịch Covid-19, lượng khách giảm sút, có 7-8 trường hợp già yếu, không còn khả năng lao động đã chuyển nhượng xe xích lô cho người khác với giá 500 triệu đồng/chiếc.

Hiện giá trị chuyển nhượng 600-700 triệu đồng/xe xích lô. "Đa phần người đạp xích lô sẽ để lại cho con cái trong nhà kế nghiệp. Đây được xem là nghề cha truyền con nối, họ rất quý trọng", ông Tùng chia sẻ.

Không có việc lót tay 1,6-1,8 tỷ đồng để có suất đạp xích lô, ghe bơi - 2

Ngồi ghe thả hoa đăng trên sông Hoài là trải nghiệm mà du khách không thể bỏ qua (Ảnh: Ngô Linh).

Về thông tin lan truyền trên mạng xã hội, người đạp xe xích lô phải "chung chi" 1,6-1,8 tỷ đồng mỗi suất xích lô, ghe bơi, ông Tùng khẳng định: "Hoàn toàn sai sự thật, anh em trong nghiệp đoàn rất bức xúc khi nghe thông tin vô lý như vậy. Những lúc anh em khó khăn (đặc biệt lúc đại dịch không có khách), thành phố còn phải hỗ trợ thêm".

Kế nghiệp chiếc xích lô của cha đã được 6 năm, anh Phạm Phú Cường (38 tuổi, đoàn viên Nghiệp đoàn xích lô Hội An) cho hay, sau hơn 30 năm gắn bó với nghề, vì lý do sức khỏe, cha anh đã truyền "cần câu cơm" lại cho anh.

"Đa số thành viên trong nghiệp đoàn đều truyền lại cho con, cháu hoặc rể, bây giờ chẳng ai chuyển nhượng nữa. Nhờ nghề đạp xích lô chở du khách mà tôi có thu nhập ổn định, lo cho con cái học hành", anh Cường nói.

Còn ông Lê Văn Khương - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) ghe bơi du lịch Sông Hoài - tiết lộ, thu nhập mỗi tháng của người chèo ghe bơi 10-12 triệu đồng.

Không có việc lót tay 1,6-1,8 tỷ đồng để có suất đạp xích lô, ghe bơi - 3

Ghe bơi trên sông Hoài được đánh số, các thành viên phải mặc đồng phục, ứng xử văn hóa… (Ảnh: Ngô Linh).

Thành viên HTX hiện nay là 293 người, do số lượng ghe nhiều, lòng sông hẹp nên HTX chia thành 2 đội, luân phiên để giữ gìn cảnh quan phố cổ không lộn xộn.

"Ghe bơi trước đây được thành phố cấp miễn phí cho các hộ khó khăn để có phương tiện mưu sinh, khi du lịch phát triển đã giúp họ tăng thu nhập. Về việc "lót tay" để được chèo ghe tại phố cổ là hoàn toàn không có, chúng tôi yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp tung tin sai sự thật để làm gương cho người khác", ông Khương nói thêm.

Ngày 22/11, tài khoản Facebook có tên "Minh Ohio" đăng clip khẳng định "Về phố cổ Hội An Minh có được thông tin rất động trời. Để được lái những chiếc thuyền này (ghe bơi du lịch trên sông Hoài) và có mã số, những người chủ thuyền phải trả đâu đó 1,6-1,8 tỷ đồng để được lái hàng đêm. Thời gian hoạt động từ 16h đến 22h đêm".

Trong clip, tài khoản Facebook "Minh Ohio" còn nói: "Ngoài ra, để lái xe xích lô ngay tại phố cổ Hội An thì cũng tương tự, phải chi ra 1,6-1,8 tỷ đồng mới có một suất, một chân để lái xe xích lô".

Đoạn clip này sau đó đã được chủ nhân gỡ khỏi các nền tảng mạng xã hội. Người này cho biết, thông tin trên nghe được từ người dân địa phương, nhưng chưa kiểm chứng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND thành phố Hội An - cho biết, cách đây 20 năm, chính quyền có chủ trương cấp xe xích lô, ghe bơi cho người nghèo trong khu phố cổ, để làm phương tiện mưu sinh và không thu phí.