TPHCM:

Người dân đội nắng, vượt sông Đồng Nai vía phật chùa Châu Đốc 3

(Dân trí) - Những ngày đầu xuân Kỷ Hợi, người dân từ khắp nơi đội nắng vượt sông Đồng Nai để vía Phật chùa Phước Long, còn gọi là chùa Châu Đốc 3. Nhiều Phật tử còn nói vui rằng, vượt sông Đồng Nai để về... Châu Đốc, An Giang.

Người dân đội nắng, vượt sông Đồng Nai vía phật chùa Châu Đốc 3

Nằm trên Cù lao Long Bình, quận 9, TPHCM, chùa Phước Long (hay gọi là chùa Châu Đốc 3) không chỉ ngày xuân, quanh năm tấp nập khách đến chiêm bái.

1.jpg
Xây dựng trên cù lao rợp bóng cây xanh, chùa Châu Đốc 3 được xem là danh lam của vùng đất cù lao Long Bình, quận 9
2.jpg
Năm 1965, chánh điện của chùa khi ấy chỉ là mái nhà tranh vách đất, các hạng mục được xây dựng dần từ năm 2009 trên nền chùa rộng 1,5 ha.

Có giai thoại kể rằng, xưa kia trên cù lao có một miếu nhỏ thờ Bà Chúa Xứ. Một hôm có người nằm mơ thấy Bà Chúa Xứ hiện về, bảo dời chùa ra gần mép sông cho người đời tiện thăm viếng.

Thế là miếu Bà Chúa Xứ được dời ra gần chùa Phước Long xây dựng trước đó. Về sau miếu bà Chúa Xứ và chùa Phước Long gộp thành một. Chính vì thế mà ngoài tượng Bà Chúa Xứ tại chùa còn thờ nhiều tượng Phật theo tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam.

3.jpg
Vì chùa Châu Đốc ở An Giang thờ Bà Chúa Xứ nổi tiếng linh thiêng, thay vì lặn lội xuống An Giang cúng bái thì nhiều người lũ lượt tìm đến Bà Chúa Xứ cù lao Long Bình chiêm bái cầu nguyện.

Dần dần về sau người ta gọi đây là chùa Châu Đốc 3 chứ ít ai gọi là chùa Phước Long.

Những ngày xuân tuy thời tiết có dịu nhẹ nhưng khá oi bức nên nhiều khách thập phương che chắn kín mắt đi lễ chùa trong những bộ trang phục chống nắng.

4.jpg
Phương tiện duy nhất qua được chùa chỉ bằng đò với vé khứ hồi 20.000 đồng
5.jpg
Ngoài bến sông dễ dàng bắt gặp cảnh phóng sinh của phật tử
6.jpg
Tiết xuân nhưng nắng khá gắt
7.jpg
Nhiều phật tử trùm che kín mít
8.jpg
Mang luôn váy chống nắng và áo khoát đi vào chánh điện luôn cho tiện
9.jpg
Hỗ trợ đốt hương cho nhiều phật tử cùng một lúc
10.jpg
Dâng nến cúng phật
11.jpg
Cầu một năm mới an lành, sung túc
12.jpg
Về chiều nhưng phía ngoài chánh điện vẫn còn rất đông phật tử vượt sông cúng phật ngày xuân
13.jpg
Điểm đặc biệt nhất của ngôi chùa là có rất nhiều tượng với màu sắc sặc sỡ. Ngoài tượng Phật nằm dài 10 mét, chùa còn có hơn hàng trăm pho tượng với thập bát la lán, các bồ tát và cả những nhân vật theo tín ngưỡng nhân gian.

Do nằm ở giữa dòng sông Đồng Nai nên chùa Phước Long như tách khỏi cái ồn ào náo nhiệt của thị thành. Nhiều khách đến đây từ sáng nhưng ở mãi tận chiều để được nhìn cảnh hoàng hôn sông nước trong tiếng kệ lời kinh.

Kiến trúc tổng thể của ngôi chùa gồm cổng tam quan, tòa Chính điện, khu giảng đường, nhà ở, phòng khác, Bảo tháp và hàng chục ngôi tượng lộ thiên xung quang ngôi chùa. Tòa Chính điện được xây dựng kiên cố trên nền cao gồm 3 tầng thăng cấp.

Cổng tam quan chùa nằm sát bờ sông Đồng Nai, hai bên là tượng rồng uốn lượn đặc sắc. Phía trước cổng được đặt nhiều tượng Phật với nhiều tư thế trong sinh hoạt nhà Phật. Bước qua cổng, phía bên trái là một tòa tháp được chạm trổ công phu và trang trí nhiều màu sắc sặc sỡ bên trong có đặt nhiều tượng Phật.

14.jpg
Chung quanh sân chùa là hàng chục tượng Phật đặt lộ thiên như tượng Phật Di Lặc, tượng Phật nằm Thích Ca, Quan Thế Âm Bồ Tát, Quan Thế Âm Nam Hải, Phật Thích Ca Khổ Hạnh và các vị La Hán.
15.jpg
Và cả những tượng Phật đang trong quá trình gia công

Hằng năm, khách thập phương đến chùa nhiều nhất vào các rằm lớn như tháng giêng, tháng bảy, nhưng hầu như mỗi ngày đều có khách đến chiêm bái. Một số người đến chùa để cầu an, số khác thả cá phóng sinh xuống dòng sông ở quanh chùa.

Để đến chùa Phước Long, khách có thể đi từ Thủ Đức bằng đường Lê Văn Việt, đến Nguyễn Văn Tăng quẹo phải chạy khoảng 4 km thì có bến đò chùa Hội Sơn ở phía tay phải. Gửi xe máy hoặc ôtô tại đây, khách đi đò với giá 20.000 đồng khứ hồi để sang chùa.

Người ở trung tâm Sài Gòn hoặc các tỉnh miền Tây có thể đi cầu Phú Mỹ đến Nguyễn Duy Trinh, hoặc hầm Thủ Thiêm - Mai Chí Thọ đến Nguyễn Duy Trinh, quẹo phải, chạy đến cuối đường gặp Nguyễn Xiển, quẹo phải chạy khoảng hơn 3 km là đến bến đò chùa Hội Sơn, gửi xe mua vé đò để sang chùa.

Phạm Nguyễn