Người dân bị ảnh hưởng nặng nề trước khi bão vào đất liền

(Dân trí) - Bão số 3 đang di chuyển nhanh và được dự báo sẽ đổ bộ trực tiếp vào đất liền khu vực Nam Thanh Hóa, Bắc Nghệ An, Hà Tĩnh. Mặc dù bão chưa đổ bộ nhưng theo thống kê cho thấy thiệt hại ban đầu do mưa to gây ra rất lớn.

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường tại Hà Tĩnh bị ngập. (Ảnh: Xuân Sinh).
Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường tại Hà Tĩnh bị ngập. (Ảnh: Xuân Sinh).

Tính đến 16h ngày hôm nay 18/7, trên địa bàn Hà Tĩnh đang có mưa vừa, nhiều nơi mưa to.Tại các đại bàn huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân các phương tiện tàu thuyền đã nhận được thông báo và đã di chuyển đến các khu vực an toàn để tránh bão.

Các phương án di dời dân ở những khu vực xung yếu, dễ bị ảnh hưởng trong đường đi của cơn bão cũng đã được tính toán và sẵn sàn di dời đến những khu vực an toàn.

Tàu thuyền của ngư dân đã được đưa vào bờ để tránh bão. (Ảnh: Xuân Sinh).
Tàu thuyền của ngư dân đã được đưa vào bờ để tránh bão. (Ảnh: Xuân Sinh).

Ông Nguyễn Thành Đồng, Phó bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cho biết đơn vị đã huy động hơn 2.000 đoàn viên, thanh niên xuống các khu dân cư giúp dân ứng phó với bão số 3.Ban thường vụ Tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc bố trí cán bộ ứng trực 24/24, đảm bảo thông tin liên lạc thường xuyên.

Ông Đồng cho hay: “Tại các khu vực nguy hiểm ven biển, ven sông có khả năng mực nước dâng cao, đoàn viên thanh niên được bố trí hỗ trợ và bảo vệ các mô hình kinh tế thanh niên trên địa bàn, có phương án di dời nếu thấy cần thiết. Đơn vị cũng cử các chốt thanh niên ứng trực tại các bến đò ngang, làm biển báo nguy hiểm và hướng dẫn người dân đi lại an toàn”, ông Đồng cho biết.

Nhiều đoàn viên, thanh niên giúp dân chống bão số 3. (Ảnh: Xuân Sinh).
Nhiều đoàn viên, thanh niên giúp dân chống bão số 3. (Ảnh: Xuân Sinh).

Trong những ngày qua, một số khu vực như huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê đã có mưa rất to cùng với việc nhiều nhà máy thủy điện xả lũ để điều tiết khiến hàng ngàn héc ta hoa màu bị ngập.

Tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) do nước lớn nên trong quá trình đánh bắt cá đã khiến 2 người bị chết đuối. Đó là ông Nguyễn Th. (SN 1962, trú tại thôn Bình Hòa, xã Sơn Hòa) và một người ở xã Sơn Thủy.

Ghi nhận tại Nghệ An: Hơn 10.000 ha lúa, hoa màu bị ngập nặng.

Hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập nặng.
Hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị ngập nặng.

Ngày 18/7, theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến 05h30’ đã có 3.767 phương tiện/17.358 lao động neo đậu tại bến an toàn; 101 phương tiện/ 831 lao động đang neo đậu tại các địa phương khác.

Riêng tàu cá mang số hiệu NA 96588 TS với 17 thuyền viên do ông Trần Ngọc Biển (SN 1974 làm thuyền trưởng) sau khi không liên lạc được đã về cảng Lạch Quèn neo đậu an toàn. Có 31 phương tiên/267 lao động của các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi, và Nam Định đang neo đậu an toàn trên địa tỉnh Nghệ An.

Nhiều tuyến đường bị chia cắt do sạt lở.
Nhiều tuyến đường bị chia cắt do sạt lở.

Toàn tỉnh Nghệ An có trên 625 hồ đập lớn nhỏ; đến nay đã có 121 hồ đầy nước, thủy điện Khe Bố và Chi Khê đang tiến hành xả qua tổ máy và cửa tràn. Đến thời điểm hiện nay, Nghệ An đã có 1 nhà bị sập, 4 nhà bị sạt lở; 8.858,57 ha lúa , 3.366,75 ha ngô, rau màu các loại, : 5 ha cây trồng hàng năm và 431,32 ha diện tích thủy sản bị ngập nặng.

Bên cạnh đó, một số điểm ở cầu tràn trên QL 48E (ở huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn) và Tỉnh lộ 534B (huyện Anh Sơn) bị ngập nước, sạt lở; các ngành chức năng đã phải cử người canh gác 2 bên để đảm bảo an toàn.

Nguyễn Tú - Xuân Sinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm