Thanh Hóa:

Người chăn nuôi đắp chăn cho trâu, đốt lửa sưởi ấm gà

Bình Minh

(Dân trí) - Trước tình trạng thời tiết liên tục giảm sâu, người chăn nuôi tại Thanh Hóa phải tìm mọi cách để chống rét cho đàn gia súc cũng như gia cầm, thậm chí, đắp chăn cho trâu bò, đốt lửa sưởi ấm gà.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh, các ngày 9 đến 11/1, ở Thanh Hóa trời liên tục rét đậm, rét hại với nhiệt độ trung bình ngày phổ biến 11 - 13 độ C, thấp nhất xuống 6 - 8 độ C, vùng núi cao có nơi xuống dưới 6 độ C. Vì vậy nhiều nông dân ở xứ Thanh đang chủ động các biện pháp phòng chống rét và giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Gia đình ông Lê Bá Lượng, ở thôn Thượng, xã Phùng Minh (Ngọc Lặc) hiện đang nuôi 2.500 con gà. Ngay khi mới vào mùa đông, ông Lượng đã chuẩn bị chống rét cho đàn gia cầm nhà mình bằng cách sửa chữa lại chuồng trại.

Người chăn nuôi đắp chăn cho trâu, đốt lửa sưởi ấm gà - 1

Hơn 2.500 con gà của gia đình ông Lượng phải liên tục được sưởi ấm bằng bếp lửa.

Liên tục mấy ngày qua, khi thời tiết giảm sâu, ông Lượng tận dụng gốc cây khô, vỏ trấu, mùn cưa làm chất đốt để sưởi ấm cho đàn gà nhà mình.

"Trong giai đoạn này tôi cho gà ăn nhiều bữa. Hàng ngày vệ sinh máng ăn, máng uống, thay nước 2-3 lần/ ngày, bếp lửa phải duy trì 24/24, nếu không đàn gà sẽ không chịu đựng được với tiết trời này"-  ông Lượng cho biết.

Không những chống rét cho các loại gia cầm, những ngày này gia súc nhất là trâu, bò cũng được người chăn nuôi chủ động phòng, chống rét.

Ông Nguyễn Huy Hùng ở thôn Cốc, xã Phùng Minh (Ngọc Lặc) cho biết: "Ngày thường đàn trâu 5 con của nhà ông được chăn thả ngoài đồi, nhưng vào những ngày rét đậm, rét hại như hiện tại ông để trâu tại chuồng để chăm sóc".

Người chăn nuôi đắp chăn cho trâu, đốt lửa sưởi ấm gà - 2

Người nông dân phải đắp chăn cho trâu để chống lại thời tiết liên tục rét đậm, rét hại.

Để giữ ấm cho đàn trâu trong những ngày rét đậm, rét hại, cùng với việc che chắn kín chuồng trại, nhiều gia đình như nhà ông Hùng đã nhóm lửa quanh chuồng để sưởi ấm cho trâu, bò. Không những vậy, các gia đình còn dùng chăn bông để đắp lên người cho trâu, nghé.

"Ngoài việc chống rét cho gia súc, bà con cần chủ động các biện pháp dự trữ thức ăn, việc cất trữ nguồn thức ăn cho trâu, bò còn đảm chất dinh dưỡng trong những ngày giá rét như hiện nay" -  ông Hùng cho biết thêm.

Theo ông Hùng, ngoài việc cung cấp thức ăn tươi đảm bảo dinh dưỡng cho gia súc, ông còn pha nước ấm khoảng 37-38 độ C với muối, nồng độ 0,1 - 0,3% cho cho đàn trâu của gia đình uống nhằm chống rét.

Đối với đàn chó, mèo, nhiều gia đình còn tận dụng những chiếc áo ấm cũ để mặc lên người nhằm chống lại cái thời tiết khắc nghiệt rét đậm, rét hại.

Để kịp thời ứng phó với các tình huống thời tiết bất thường xảy ra, nhất là rét đậm, rét hại, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra cho cây trồng, vật nuôi, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có công điện về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh kịp thời thông tin về diễn biến thời tiết rét đậm, rét hại theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và Đài khí tượng thủy văn Thanh Hóa.

UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo, tập trung nguồn lực thực hiện các biện pháp phòng, chống, rét cho cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là đàn gia súc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan và bị động trong việc phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi trên địa bàn quản lý. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu trên địa bàn để thông tin kịp thời cho người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, rét cho cây trồng, vật nuôi.

Bên cạnh đó, thành lập ngay các đoàn công tác để tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống, rét trên địa bàn, nhất là tại khu vực vùng cao, biên giới, những nơi có nguy cơ đàn vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét. Đồng thời, giao trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở và trưởng các thôn, bản phối hợp với các đoàn thể huy động nguồn lực tại chỗ, bám sát địa bàn, khẩn trương áp dụng các biện pháp phòng, chống đói, rét cho cây trồng, vật nuôi….