Bình Định:

Người Bana rời núi heo hút thành "Kiểm lâm" giữ rừng

(Dân trí) - Từ chỗ phá rừng làm rẫy, một bộ phận người đồng bào Bana ở làng Trà Hương, thôn Đại Hương, xã Cát Lâm, huyện Phù Cát (Bình Định) trở thành “kiểm lâm” xua đuôi lâm tặc bảo vệ rừng.

Về lại chốn cũ

Vốn sinh sống tại vùng miền núi heo hút của huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định), hơn 10 năm trước, hàng chục hộ dân người đồng bào Bana bỗng dưng “cuốn gói” dời làng về huyện đồng bằng huyện Phù Cát dựng nhà, lập nghiệp. Chính quyền 2 huyện phải tìm cách giải quyết để các hộ dân có chỗ ở, đất canh tác ổn định cuộc sống.

Già làng Phan Chí Thành (88 tuổi), một trong người tiên phong về lại làng cũ cùng hàng chục hộ dân an cư lập nghiệp trên mảnh đất chon rau cắt rốn.
Già làng Phan Chí Thành (88 tuổi), một trong người tiên phong về lại làng cũ cùng hàng chục hộ dân an cư lập nghiệp trên mảnh đất chon rau cắt rốn.

Trong ký ức của già làng Phan Chí Thành (88 tuổi), hơn 10 năm trước ông là người tiên phong cùng 10 hộ dân khác di cư về bám trụ tại làng Trà Hương. Để về lại quê cũ, họ chuẩn bị cơm đầm, cơm nắm bằng rừng, lội suối trong nhiều ngày liền. Theo già làng Thành, gốc tích của người dân trong xóm vốn sống ở làng Trà Hương, là con dân của huyện Phù Cát. Nhưng thời chiến tranh bị bom đạn tàn phá khốc liệt nên người dân trong làng di cư lên vùng núi của huyện Vĩnh Thạnh sinh sống. “Bà con sống tại Trà Hương bây giờ là quay về nơi cũ, về với nơi chôn rau cắt rốn, mảnh đất quê hương chúng tôi sinh sống trước kia. Khi mới về còn khó khăn lắm, nhưng nhờ chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ, cấp đất ở, nương rẫy sản xuất. Bây giờ, cuộc sống người dân khá lên nhiều rồi, nhà nào nhà nấy có ti vi, đường bê tông thuận tiện lắm”, già làng Thành khoe với chúng tôi.

Hơn 10 năm quay về chốn cũ, cuộc sống một bộ phận nhỏ người Bana ở Trà Hương đã đổi thay nhiều. Đời sống bà con đã khá hơn, những ngôi nhà sàn lụp xụp thay bởi những ngôi nhà ngói vững chãi, đường xá bê tông hóa đi lại rất thuận lợi. Nhiều hộ từ hàng ngày lên nương rẫy trồng lúa mì, kiếm rau rừng ăn ngày một, giờ họ đã có nhà cửa khang trang, ti vi, xe máy. Gia đình anh Trần Văn Miên ở làng Trà Hương là một trong số ít người Bana có cuộc sống khá từ khi quay về làng cũ. Nhờ chịu khó làm ăn, anh Miên hiện đang quản lý 5 sào rừng, nuôi 5 con bò, hàng chục con heo để lo cho 4 người con ăn học.

Kinh tế nhà ông Trần Văn Miên khá giả hơn khi quay lại làng Trà Hương
Kinh tế nhà ông Trần Văn Miên khá giả hơn khi quay lại làng Trà Hương

Dù cuộc sống đổi thay, đồng bằng “hóa” nhưng người Bana ở làng Trà Hương vẫn giữ được nét văn hóa rất riêng của người đồng bào. Trong các ngày lễ tết, hội làng, đám cưới, đám hỏi,… họ đều đánh cồng chiêng và sinh hoạt tại nhà rông. Đặc biệt, trong các cuộc thi, hội thao như bắc cung, nhảy múa…họ vẫn đi thi và đều đạt giải cao. “Làng vẫn có đội hình đánh cồng chiêng khoảng 16 người, già có trẻ có. Đó là cách chúng tôi dạy cho con cháu giữ mình gìn nét văn hóa Bana”, già làng Thành chia sẻ.

Phá rừng để gặp cán bộ ?

Theo ông Nguyễn Tấn Đạt, chủ tịch UBND xã Cát Lâm (huyện Phù Cát), hiện làng Trà Hương đã có 14 hộ dân và 59 nhân khẩu. Gần 15 năm trước, người Bana di cư tự do rồi phá rừng làm rẫy trong lòng hồ tại xóm Trà Hương. Khi chính quyền địa phương phát hiện phá rừng thì già làng Phan Chí Thành bảo vì khó gặp cán bộ quá nên tìm cách phá rừng mới có cơ hội gặp cán bộ.

Hơn 10 về làng cũ đời sống người dân làng Trà Hương đã khá hơn, những con đường đất được thay bằng đường bê tông láng tưng.
Hơn 10 về làng cũ đời sống người dân làng Trà Hương đã khá hơn, những con đường đất được thay bằng đường bê tông láng tưng.

Thế nhưng một thực tế không thể phủ nhận, từ khi có người Bana sinh sống thì khu rừng phòng hộ rộng hơn 7ha tại làng Trà Hương không còn tình trạng lâm tặc phá rừng. Đặc biệt, để bảo vệ cho những cánh rừng, người Bana thành lập riêng hẳn một đội giữ rừng. Chẳng công cán, lợi lộc nhưng không quản ngày hay đêm, các thành viên trong tổ như: ông Miên, Dũng, Bương… vẫn vào rừng thăm nom từng khu rừng.

Bác nói: “rừng vàng biển bạc”, rừng che chở cho bà con nên chúng tôi tự biết mình không thể chặt phá rừng bừa bãi mà còn phải bảo vệ rừng khỏi bọn lâm tặc chặt phá rừng. Về nhà, chúng tôi tuyên truyền, vận động bà con và nhắc nhở con cháu mình phải bảo vệ rừng”, già làng Thành hùng hồn nói.

Ông chủ tịch xã Cát Lâm nói thêm, khó khăn nhất khi người Bana quay về Trà Hương lập nghiệp là việc nhập khẩu, cấp ruộng đất để bà con sinh sống. Trước tình hình đó, chính quyền tỉnh Bình Định phải phải vào cuộc; đến năm 2005 thì họ chính thức nhập khẩu vào địa phương.

Dù về đồng bằng, đời sống thay đổi nhưng bộ phận người Bana ở làng Trà Hương vẫn giữ nét văn hóa xưa sinh hoạt ở nhà rông, chơi cồng chiêng
Dù về đồng bằng, đời sống thay đổi nhưng bộ phận người Bana ở làng Trà Hương vẫn giữ nét văn hóa xưa sinh hoạt ở nhà rông, chơi cồng chiêng

Theo đó, xã Cát Lâm đã cấp giao quỹ đất 600 m2 ruộng hạng 2/một nhân khẩu, đất ở 200 m2/hộ cho người dân Bana. Đồng thời, các chủ trương di dân kinh tế mới của đồng bào dân tộc đều được hỗ trợ để cất nhà, giếng nước hợp vệ sinh, điện, đường, cầu… đã được xây dựng kiên cố nhằm giúp người dân Bana ổn định tại nơi ở mới.

Doãn Công

(Email:ledoancongdan@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm