Ngư dân Quảng Trị tưng bừng mở hội cầu mùa đầu năm
(Dân trí) - Lễ hội cầu mùa diễn ra trang trọng với các nghi lễ truyền thống, mang ý nghĩa cầu cho một năm sóng yên biển lặng, thời tiết thuận hòa, việc đánh bắt hải sản gặp nhiều thuận lợi. Đây cũng là nét đặc trưng của người dân làng biển huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Ngày 11/2, đúng dịp rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu 2017, người dân làng biển Thâm Khê và Trung An (xã Hải Khê, huyện Hải Lăng) lại mở hội cầu mùa đầu năm. Lễ hội cầu mùa của người dân làng biển Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có nguồn gốc hàng trăm năm nay. Lễ hội cầu mùa gồm có hai phần: phần lễ và phần hội.
Đầu lễ hội, những cụ cao tuổi, người có chức sắc trong làng sẽ hội tụ tại bãi biển hoặc miếu làng để làm lễ hiệp tế khấn giang sơn, thần biển… cầu cho một năm đánh bắt được thuận lợi, thời tiết thuận hòa, sóng yên biển lặng. Vị trưởng làng sẽ đứng làm chính lễ khấn cầu, sau đó các chức sắc, các cụ cao tuổi sẽ lần lượt dâng hương lên các vị thần linh.
Ông Trần Việt, hội chủ làng Thâm Khê, xã Hải Khê cho biết, lễ hội cầu mùa có từ đời xa xưa, từ lúc lập làng. Hàng trăm năm nay, các thế hệ ngư dân cứ tiếp nối truyền thống và tổ chức hội cầu mùa vào dịp Rằm tháng Giêng (Âm lịch). Qua lễ hội này, ngư dân địa phương kỳ vọng một năm mới đánh bắt thuận lợi, thu được nhiều cá, tôm. Sau phần lễ chính, ngư dân trong làng sẽ tham gia hội vật để người dân vui chơi và rèn luyện sức khỏe trước khi bước vào vụ mùa mới.
Theo ông Nguyễn Đức Cần, hội chủ làng Trung An, lễ hội cầu mùa có 5 công đoạn: lễ tế giang sơn, lễ tế đền thờ cá ông, lễ tế thập loại cô hồn, lễ nghinh thần và lễ tạ dâng âm hồn. Đây là lễ hội có từ đời xưa và được dân làng duy trì đến ngày nay.
Dịp đầu năm Đinh Dậu, ngư dân vùng biển Hải Khê đã tích cực vươn khơi đánh bắt. Ngư dân đã thu về hàng trăm tấn cá khoai, cá chim, ghẹ xanh, cá ong…
Ông Hà Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Khê cho biết, toàn xã có khoảng 550 hộ dân tham gia đánh bắt trên biển, với sản lượng đánh bắt hàng năm đạt khoảng 2.400-2.600 tấn hải sản. Sau ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều chính sách nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân địa phương chuyển đổi nghề nghiệp. Bên cạnh việc đánh bắt trên biển, người dân trong xã cũng đã chuyển hướng sang trồng trọt, chăn nuôi, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản để ổn định cuộc sống lâu dài.
“Trong 2 tháng đầu năm 2017, ngư dân địa phương đã bám biển đánh bắt và thu về lượng hải sản đáng kể. Sản lượng hải sản ngư dân đánh bắt được trong 2 tháng này đạt khoảng 260 tấn”, ông Hiếu nói.
Hội vật truyền thống được diễn ra ngay sau lễ cầu mùa, để người dân địa phương vui chơi và rèn luyện sức khỏe để chuẩn bị bước vào vụ đánh bắt mới.
Hình thức đấu vật diễn ra theo trình tự từ lứa tuổi nhỏ đến lớn. Nếu đô vật nào có 4 lần thắng liên tiếp thì được vào vòng chung kết. Sau khi chọn được 4 đô vật xuất sắc vào vòng trong sẽ tiến hành lượt đấu bán kết và tìm ra 2 đô vật vào đấu chung kết và chọn ra người xuất sắc nhất để trao giải.
Tuy giải thưởng có giá trị không cao nhưng mang ý nghĩa tinh thần thượng võ rất lớn. Ngoài ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hoà ngày đầu năm, đây còn là sân chơi truyền thống bổ ích nhằm rèn luyện sức khoẻ dẻo dai, phục vụ cho nghề đi biển dài ngày của bà con ngư dân nơi đây.
Đăng Đức