Ngôi làng miền Tây cứ 10 nhà thì 8 nhà cho con lấy chồng nước ngoài
Một cô gái lấy được chồng ngoại sẽ giới thiệu cho các chị em trong họ, hàng xóm hoặc người quen cùng đi theo mình.
Đường đi khó, nhưng vào sâu trong làng, từng con đường được láng nhựa sạch sẽ. Những căn nhà cao tầng, xây theo phong cách biệt thự khang trang.
Bà Nguyễn Thị Huệ, chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ phường Tân Lộc cho biết, cả phường Tân Lộc hơn 700 hộ dân, hơn 29 ngàn nhân khẩu, nhưng có hơn một ngàn cô gái lấy chồng nước ngoài. Trung bình 10 nhà thì 8 nhà cho con gái lấy chồng ngoại quốc.
Có gia đình, có bao nhiêu con gái thì cho đi xuất ngoại bằng cách lấy chồng. Những gia đình không cho con lấy chồng ngoại thường có kinh tế khá giả, các con được đi học đầy đủ.
Theo bà Huệ, trước đây, người dân ở cù lao mưu sinh bằng nghề trồng mía, chế biến đường và nấu mật. Lúc đó, cả phường có tổng cộng 300 lò nấu. Kinh tế cả phường khá ổn.
Năm 2001, các nhà nghề bỗng nhiên phá sản và đổ nợ. Để giải quyết vấn nạn này, họ chọn hướng, cho con gái lấy chồng Đài Loan (Trung Quốc), với hi vọng sẽ đổi đời.
Gia đình gả con sớm nhất là ông Võ Minh Phương. Nhà ông cũng làm nghề mía đường. Khi công việc gặp thất bại, ông phải đến nơi khác làm ăn.
Tình cờ, ông gặp người quen giới thiệu, mai mối cho con gái lấy chồng Đài Loan. Một năm sau, nhà ông trả hết nợ, xây nhà lớn nhờ con gái gửi tiền về. Tiếng đồn vang xa, các gia đình khác cũng nhờ người kết nối với các dịch vụ mai mối để cho con gái đi lấy chồng ngoại, mong đổi đời.
‘Họ quan niệm, khi con gái đi lấy chồng sẽ gửi tiền về cho ba mẹ trả nợ. Cứ con gái đủ 18 tuổi là họ tìm nơi gửi gắm’, bà Huệ nói.
Bà Thu cho biết, từ khi con gái lấy chồng Đài Loan, vợ chồng bà thường xuyên được qua đó đi du lịch. Ảnh: T.A.
Theo bà Huệ, nếu như trước đây, các cô gái phải ‘thi đậu’ trong buổi chọn vợ của đàn ông ngoại quốc thì hiện nay, các cô gái được người quen giới thiệu. Một gia đình có người lấy chồng ngoại sẽ giới thiệu cho chị em, cô, dì đi theo.
Các ông bố bà mẹ, trước đây phải đến TP.HCM dự đám cưới con thì hiện nay, các chú rể ngoại sẽ đến địa phương ở một vài tháng tìm hiểu vợ tương lai, nếu thấy hợp sẽ về nước đưa bố mẹ qua cùng nhà gái làm đám cưới.
‘Bây giờ, hầu hết các cô gái đều tìm được chồng ưng ý, sống hạnh phúc nơi xứ người chứ không gặp nhiều rủi ro như trước nữa’, bà Huệ nói.
Vợ chồng chị Đỗ Thị Thu, hiện 44 tuổi có một cô con gái duy nhất. Chị cho biết, nhà chồng chị có nhiều người lấy chồng Đài Loan nên kinh tế khá ổn.
Năm 2008, con gái chị vừa tròn 18 tuổi, đang làm thợ làm tóc ở TP.HCM.
Lúc đó, em gái chị Thu mới mở một tiệm làm tóc ở Đài Loan. Cạnh nhà chị này có một người thanh niên muốn cưới cô gái Việt làm vợ và nhờ em gái chị Thu làm mai giúp.
Một trong những căn nhà xây theo kiểu biệt thự ở của lao Tân Lộc. Ảnh: T.A.
‘Có một đứa con gái, vợ chồng tôi không muốn cho đi lấy chồng xa. Dù gì, mẹ con ở gần nhau vẫn hơn. Nhưng con bé nghe dì nó gọi về nên thuyết phục vợ chồng tôi: ‘Qua bên đó, con sẽ làm chung với dì. Có tiền, con gửi về cho ba mẹ xây nhà to hơn’. Vợ chồng tôi phải chiều con’, chị Thu kế và cho biết, khi tìm hiểu biết được, con rể chịu khó làm ăn, gia đình nhà thông gia tử tế nên gia đình chị quyết định gả con.
Người mẹ sinh năm 1975 cho biết, tính đến nay, con gái chị đã lấy chồng ngoại hơn 5 năm. Con rể chị đi biển, năm về nhà 1-2 lần, vì thế, cứ 2-3 tháng, con gái chị được về thăm ba mẹ.
‘Khi tiễn con bé ra sân bay đi làm dâu, tôi sợ lắm. Tôi nghe nhiều người lấy chồng bên đó khổ, bị nhà chồng ngược đãi nên thương con. Nhưng con tôi may mắn là có chị, dì và các cô nó bên đó, tôi cũng yên tâm. Bây giờ, năm tôi qua thăm con 1-2 lần. Con gái tôi được chồng và nhà thông gia thương lắm. Chỉ có điều, lấy nhau lâu rồi mà vợ chồng nó chưa có con’, chị Thu tâm sự.
Cách đó mấy căn, chị Huỳnh Thị Thủy, hiện 48 tuổi đang chở cháu trai ra bưu điện nhận tiền con gái gửi từ Đài Loan về. Chị cho biết, con gái chị lấy chồng Đài Loan đến nay đã hơn 11 năm. Dù không thường xuyên về thăm ba mẹ, nhưng mỗi tháng, con gái chị đều gửi tiền về quê cho ba mẹ trang trải cuộc sống.
‘Con rể tôi làm công việc nhà nước nên thu nhập cũng khá. Nó thường xuyên bảo lãnh cho vợ chồng tôi qua đó du lịch. Tới đây, nó sẽ hỗ trợ để vợ chồng tôi qua đó đi làm theo diện xuất khẩu lao động’, chị Thủy khoe.
Theo bà Huệ, hiện nay, việc các cô gái lấy chồng Đài Loan ở Tân Lộc đã giảm hẳn. Nếu như trước đây 10 cô gái qua đó làm vợ thì giờ chỉ còn 2-3 người. Đổi lại, các gia đình định hướng cho con chuyển sang lấy chồng Hàn Quốc.
Nguyên nhân được chị Thu giải thích rằng: ‘Lương ở Đài Loan chỉ có mười mấy triệu một tháng, trong khi đó, ở Hàn Quốc mấy chục triệu. Các gia đình có con lấy chồng Hàn Quốc, xây nhà to và cao lắm’, chị Thu lý giải.
Theo Vietnamnet