Ngôi chùa có tháp chuông cao nhất Sài Gòn tồn tại hơn 50 năm
(Dân trí) - Chùa Xá Lợi nằm ngay góc đường Bà Huyện Thanh Quan và Sư Thiện Chiếu (quận 3, TP HCM) được xây dựng năm 1956, trong khuôn viên rộng 2.500 m2 là ngôi chùa có tháp chuông cao nhất Sài Gòn.
Chùa Xá Lợi là ngôi chùa đặc biệt ở Sài Gòn khi được xây dựng theo lối kiến trúc bán cổ điển, gồm 2 tầng: Tầng trên là bái đường, tầng dưới là giảng đường.
Không gian không quá rộng, nhưng điểm nhấn tạo sự khác biệt cho ngồi chùa này là tháp chuông cao 32m, có 7 tầng. Tháp được xây dựng từ đầu thập niên 60.
Tháp chuông từng xác lập kỷ lục như tháp chuông cao nhất Việt Nam. Ở từng tầng tháp, thờ một vị Phật. Mỗi tầng có 4 mặt phẳng lớn và 4 mặt góc nhỏ, tạo thành 1 hình bát giác. Ở tầng cao nhất là 1 cổ lầu, bên trong treo một đại hồng chung nặng 2 tấn, đường kính 1,2m, cao 1,6m, được đúc đồng tại Huế theo mẫu của chuông chùa Thiên Mụ.
Phần chánh điện chùa Xá Lợi chỉ đặt 1 tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lớn. Tượng do trường Mỹ Nghệ Biên Hòa đắp tạo, là điển hình cho các tượng phật các chùa sau này. Năm 1969, tượng được thếp lại toàn thân bằng vàng. Bên trong chánh điện còn trang trí 15 bức tranh lớn bằng sơn bột màu. 15 bức tranh mô tả lịch sử đức Phật Thích Ca từ sơ sinh cho đến khi thành đạo- Nhập niết bàn.
Giảng đường nằm ở tầng trệt có 400 chỗ ngồi, xung quanh là thư viện, tăng phòng...
Chùa Xá Lợi còn là nơi nhục thân của bồ tát Thích Quảng Đức, được thỉnh về an táng sau khi ngài tự thiêu.
Kỷ lục tháp chuông cao nhất của chùa Xá Lợi sau này đã nhường cho tháp chuông ở chùa Linh Phước - Đà Lạt (cao 37,84m).
Không gian không quá rộng, nhưng điểm nhấn tạo sự khác biệt cho ngôi chùa này là tháp chuông cao 32m, có 7 tầng. Tháp được xây dựng từ đầu thập niên 60.
Nguyễn Quang