Ngôi chùa bên dòng sông Yên lưu giữ 2 bia đá hàng trăm năm tuổi
(Dân trí) - Chùa Bồng Hinh có 2 bia đá, nằm nép mình bên dòng sông Yên, trong không gian làng quê tĩnh lặng, trang nghiêm, phù hợp với trào lưu "chữa lành" của giới trẻ.
Những ngày này, chùa Bồng Hinh (hay còn gọi chùa Ngọc Trà, thôn Dũng, xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đón nhiều khách du lịch và người dân địa phương đến vãn cảnh, tham quan.
Theo gia phả của làng Ngọc Trà, vào một ngày trời nổi cơn giông tố, mưa lớn, nước sông dâng cao, người dân làng chài phát hiện một cây gỗ khoảng 3 thước, 2 tấc, da sần sùi như vảy rồng, trôi dạt vào địa phận của làng.
Người dân trong làng hùa nhau vớt gỗ lên bờ, đẽo vỏ, để lộ thân cây màu vàng sẫm, hương tỏa thơm ngát, dân làng gọi là "cây Hương Long". Nhận thấy đây là loại gỗ quý nên đã dùng để dựng nên miếu Bồng Hinh, thờ Thành Hoàng làng. Miếu Bồng Hinh giáp sông Yên nên các thuyền, bè qua đoạn sông này đều ghé vào khấn cầu.
Không rõ chùa Bồng Hinh được xây dựng cụ thể vào năm nào, người dân trong thôn tin rằng, ở thời nhà Trần đã cho xây dựng chùa Bồng Hinh.
Ngôi chùa tọa lạc trên nền đất cao, có diện tích gồm 2 mẫu 4 sào, kiến trúc hình chữ Công, gồm có chùa chính, cổng tam quan, gác chuông… Chùa được bố trí thành các ban thờ Phật, bàn thờ người có công dựng chùa ở nhà Hậu cung.
Hiện nay, chùa Bồng Hinh còn lưu giữ hai tấm bia đá có tuổi hàng trăm năm. Nội dung văn bia ca ngợi công đức cùng việc thờ cúng 2 ông Lê Đình Triệu và Lê Đình Đức. Văn bia cũng cho biết, chùa Bồng Hinh là nơi sám hối, tu dưỡng đạo đức của mọi người.
Hai tấm bia có hình chữ nhật, tạo tác bởi hai tấm đá nguyên khối màu xanh đen, còn nguyên vẹn, được gắn vào tường. Bia số 1 có kích thước cao 140cm, rộng 80cm, toàn văn khoảng 700 chữ. Bia gồm 4 đường diềm, không có hoa văn trang trí. Trên bia có 17 dòng chữ Hán được khắc dọc theo chiều cao của bia với kiểu chữ "chân" nét sắc rõ.
Bia số 2 có thể thức bố cục giống bia số 1, nhưng kích thước nhỏ hơn.
Ông Đỗ Việt Bắc, 82 tuổi (người dân làng Ngọc Trà) cho biết, chùa Bồng Hinh nằm ở địa thế cao nhất vùng. Có năm lũ lụt triền miên, khắp nơi trong làng bị ngập nhưng chùa vẫn không bị nước nhấn chìm.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bồng Hinh đã trở thành nơi mở lớp học; hội họp và là kho chứa lúa gạo; nơi cứu chữa thương binh… Qua thăng trầm thời gian, ngôi chùa xuống cấp toàn bộ nhưng vẫn giữ được nền móng cũ và không gian thanh tịnh.
Đại đức Thích Bản Hoài, Trụ trì chùa Bồng Hinh, cho biết, vào những ngày mùng 1, rằm hay dịp lễ, Tết người dân, du khách đến với chùa đông hơn.
Du khách ở xa chọn đến với Bồng Hinh để được thăm đài tưởng niệm anh hùng Nguyễn Bá Ngọc, nghe người dân nơi đây kể về người anh hùng niên thiếu của quê hương; những chiến công của quân và dân làng Ngọc Trà trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; đi dạo trên đê sông Yên, ngắm cầu Ghép thơ mộng.
Theo đại đức Thích Bản Hoài, năm 2004, chùa Bồng Hinh được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2015, di tích được tôn tạo trên nền móng cũ, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Vào tháng giêng Âm lịch hằng năm, lễ hội chùa Bồng Hinh bên bờ sông Yên được tổ chức thu hút đông đảo người dân, phật tử trong và ngoài xã về tham gia.