Nghỉ việc ồ ạt sau Covid-19: Làm gì để thu hút, giữ chân người tài?
(Dân trí) - Tỷ lệ nghỉ việc, chuyển việc sau Covid-19 ngày càng cao, nhiều chuyên gia cho rằng việc giữ chân, thu hút người tài đang là bài toán đau đầu của các doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội thảo Thu hút và giữ chân nhân tài bằng trải nghiệm số vừa diễn ra ngày 3/11 tại Hà Nội, ông Vũ Đức Trí Thể - Chuyên gia của Học viện Quản lý PACE cho biết, sự tác động của Covid-19 đã đặt ra hàng loạt vấn đề trong công tác nhân sự. Hiện đang có trào lưu nghỉ việc ồ ạt.
Nguyên nhân theo ông Hiếu là do sự biến đổi ngành nghề ngày càng cao, sự mệt mỏi, kiệt sức trong môi trường làm việc cũng trở nên căng thẳng hơn. Đó là chưa kể sự mất cân bằng hay mất kết nối với đồng nghiệp, khoảng cách giữa các thế hệ trong doanh nghiệp cũng khiến người lao động không cảm thấy hạnh phúc, hứng thú trong công việc.
Ông Trần Trung Hiếu (Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Cổ phần TopCV Việt Nam) cũng nhận định, đại dịch Covid-19 vừa qua đã khiến cho thị trường nhân sự thay đổi. Người lao động đã chủ động trong việc lựa chọn môi trường làm việc của mình.
Trong đó, tiêu chí chọn việc làm cũng thay đổi khi lương thưởng không còn là yếu tố then chốt mà những tiêu chuẩn về văn hóa doanh nghiệp phù hợp, nơi có thể đem lại cho họ một lộ trình sự nghiệp rõ ràng, được đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn và chia sẻ, được trao quyền và cơ hội thử thách bản thân mới là yếu tố được quan tâm hơn cả.
"Báo cáo tuyển dụng TopCV năm 2022 cho thấy 70% các bạn đặt yếu tố cơ hội được phát triển, học hỏi là yếu tố quan trọng nhất khi đi làm", ông Hiếu nói và cho rằng, chìa khóa quan trọng cho chiến lược nhân sự thời 4.0 - chính là công nghệ.
HR Tech - công nghệ trong lĩnh vực quản trị nhân sự là một khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, tại các quốc gia Âu Mỹ, HR Tech đang là lĩnh vực có sự phát triển cực kỳ mạnh mẽ.
Đầu tư vào thị trường tỷ đô này ghi nhận một mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, gấp 12 lần chỉ từ năm 2016 đến nay.
Các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã và đang nắm bắt xu thế này và tìm nhiều cách để áp dụng Công nghệ nhân sự nhằm hoàn thiện và tối ưu vận hành trong bộ máy doanh nghiệp của chính mình.
"Giải pháp HR Tech sẽ đóng vai trò then chốt giúp chúng ta có thể thu hút và giữ chân nhân tài, đồng hành cùng mỗi doanh nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững", ông Hiếu khẳng định.
Dẫn chứng cho câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ chính đơn vị mình, ông Hiếu cho hay, hiện TopCV có khoảng 500 nhân sự, có tới hơn 50% là thế hệ GenZ. Văn hóa số được xem là chìa khóa để TopCV giữ chân người tài. Không chỉ số hóa mọi hoạt động quy trình quản lý nhân sự, mà theo ông Hiếu đơn vị này còn luôn cố gắng tạo ra sự tương tác và trải nghiệm số mới mẻ cho các nhân viên.
Bà Vũ Hạnh Hoa, Founder & CEO JoyUni - Học viện Đào tạo kiến thức kinh doanh và phát triển sức bền tinh thần cho lãnh đạo cho rằng, văn hóa doanh nghiệp chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quy mô sự phát của một công ty.
Trong đó, văn hóa doanh nghiệp là tập hợp của niềm tin, ứng xử của con người trong doanh nghiệp. Điều này bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đội ngũ sáng lập. Trong đó, việc áp dụng số hóa tạo ra văn hóa số tại các doanh nghiệp là quan trọng, cần thiết. Nếu xây dựng được một văn hóa doanh nghiệp đúng đắn không chỉ có tác dụng giữ chân nhân tài mà còn giúp doanh nghiệp tăng hiệu suất công việc.
Nhận định việc áp dụng công nghệ để tạo ra văn hóa số là xu thế hiện đại nhưng các khách mời, chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng, "không nên thần thánh hóa công nghệ".
Xây dựng nền văn hóa số, doanh nghiệp cần lưu ý 4 vấn đề. Thứ nhất là xem tất cả nhân viên như khách hàng, nghĩa là luôn phải quan tâm đến nhân viên, quan sát những trải nghiệm của nhân viên. Thứ hai, nền văn hóa phải thu hút được sức mạnh tương tác, hưởng ứng của tập thể. Thứ ba, đó là một nền văn hóa dựa trên dữ liệu, đo lường sức mạnh hưởng ứng bằng dữ liệu. Và thứ 4, đó là tính đổi mới sáng tạo trong nền văn hóa số.