Nghỉ Tết 9 ngày là ngắn hay dài?

Với kỳ nghỉ Tết dài 9 ngày như năm nay, nhiều ý kiến cho rằng như vậy là quá dài, nảy sinh nhiều hệ lụy.

Trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, mỗi kỳ nghỉ Tết chỉ nên kéo dài 5 ngày, tối đa không quá một tuần thay vì tới 9 ngày như hiện nay.

Theo ông Lê Như Tiến, hệ lụy thấy rõ nhất là việc đi lại, ăn uống, rượu bia quá đà làm gia tăng số vụ tai nạn giao thông. Đặc biệt như chúng ta thấy, trong dịp Tết vừa qua đã có hơn 5.000 ca nhập viện vì đánh nhau, con số này còn lớn hơn cả tai nạn giao thông.

Nhiều lễ hội sau Tết thu hút đông đảo người dân tham gia
Nhiều lễ hội sau Tết thu hút đông đảo người dân tham gia

“Thời gian nghỉ Tết kéo dài cũng sẽ tạo tư tưởng chây ỳ, không sẵn sàng bắt tay vào làm việc. Sau kỳ nghỉ Tết, các cơ quan công sở lại có vài ngày đi chúc tụng nhau, thành thử kỳ nghỉ lên đến 10 – 11 ngày chứ không phải 9 ngày nữa. Rồi sau Tết người ta lại đua nhau đi tham quan, thậm chí dùng xe công, rồng rắn lên mây đi chùa ở hầu hết các cơ quan.

Vào những ngày nghỉ Tết, lẽ ra các cơ quan công quyền phải trực thường xuyên để giải quyết công việc cho người dân, nhưng lại nghỉ hết, gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tôi có một số việc cần làm, nhưng khi gọi điện đến cơ quan nọ kia hỏi thì không ai trực máy cả. Đến khi gọi di động mới biết họ đang đi chùa, đi lễ hội” – ông Lê Như Tiến nói.

Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến khẳng định: Trước kia, nghỉ Tết chỉ có ba ngày, đến mùng ba, các cơ quan đã đi làm trở lại, như vậy rất hợp lý. Bây giờ nghỉ Tết kéo dài tới 9 ngày liên tiếp thì dài quá. Lẽ ra chúng ta phải chia ra các dịp khác như nghỉ hè, nghỉ đông, hay dịp Noel như các nước vẫn làm và cho nghỉ Tết ở mức độ vừa phải.

“Để đảm bảo hài hòa, theo tôi nghỉ Tết cổ truyền chỉ nên khoảng 5 ngày, dài nhất cũng không nên quá một tuần. Kỳ nghỉ Tết thường trùng với thứ Bảy, Chủ nhật, rồi sát ngày nghỉ cuối tuần, nếu cũng cho nghỉ thì phải có chế độ làm bù một cách đầy đủ, nghiêm túc. Đây là điều mà các cơ quan chuyên trách cần nghiên cứu kỹ cho phù hợp hơn” – đại biểu Lê Như Tiến đề xuất.

Trong khi đó, phát biểu trên Tuổi Trẻ, GS.TS, nhà văn hóa Ngô Đức Thịnh cho rằng kỳ nghỉ Tết ta ngắn sẽ tiện nhiều thứ, nhưng lại mất đi nhiều thứ vì “còn biết bao nhiêu hoạt động văn hóa gắn với ông bà tổ tiên, gia đình, làng xã..., liệu có gộp lại được không?”. "Quan trọng là con người hành xử sao với kỳ nghỉ của mình", GS. Thịnh chia sẻ.

Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, nghỉ Tết dài ngày cũng có những cái lợi về mặt kinh tế như kích thích tiêu dùng, chứ không phải là điều bất lợi cho kinh tế như nhiều người vẫn nghĩ. Hơn nữa, với một kỳ nghỉ đủ để mọi người tái tạo sức lao động và phấn chấn về tinh thần thì làm việc cũng hiệu quả hơn. Nếu nghỉ quá ngắn, những nhu cầu tinh thần chưa được thỏa mãn thì khi làm việc sẽ có ức chế.

Tuy nhiên, GS.TS Ngô Đức Thịnh vẫn cho rằng yếu tố quyết định không phải là thời gian nghỉ.

“Việc nghỉ dài hay ngắn không quan trọng bằng việc mình sẽ tham gia những hoạt động ý nghĩa nào trong những ngày nghỉ đó và khi trở lại làm việc, tinh thần của mình ra sao. Nếu nghỉ dài ngày rồi mà quay lại làm việc vẫn uể oải, tâm lý chây ỳ, làm không ra làm, chơi không ra chơi thì nghỉ bao nhiêu cũng không đủ”, GS.TS Ngô Đức Thịnh kết luận./.

Theo VOV