Quảng Nam:

Nghị lực phi thường của chàng trai tưởng chừng phải sống thực vật

(Dân trí) - Biến cố ập đến, tưởng chừng như anh phải sống đời sống thực vật suốt quãng đời còn lại, nhưng với quyết tâm phi thường, anh đã chiến thắng nghịch cảnh của số phận.

“Có lúc tôi đã nghĩ đến cái chết…”

Năm 2014, gia đình anh Nguyễn Khắc Linh (SN 1988, thôn 8, xã Tiên Thọ, Tiên Phước, Quảng Nam) chuyển từ Sài Gòn về quê nhà sinh sống. Nhưng bi kịch ập đến, trong một cơn bạo bệnh, Linh từ chàng trai khỏe mạnh, tháo vát, nay cơ thể anh bị tê liệt hoàn toàn bởi căn bệnh hiểm nghèo: viêm tủy cắt ngang.

Nghị lực phi thường của chàng trai tưởng chừng phải sống thực vật - 1

Anh Nguyễn Khắc Linh là tấm gương về nghị lực phi thường vượt qua nghịch cảnh vươn lên trong cuộc sống

Nỗ lực chạy chữa ở bệnh viện tuyến tỉnh, rồi lên Trung ương nhưng không thành, bà Nguyễn Thị Lý (SN 1958, mẹ anh Linh) đành đưa con về trong vô vọng.

Kiệt quệ tài chính bởi việc chạy chữa cho anh Linh, gia đình lại hộ nghèo, người mẹ già phải đi làm thuê đủ thứ nghề để kiếm tiền chăm con, nuôi cháu và trả nợ.

Nghị lực phi thường của chàng trai tưởng chừng phải sống thực vật - 2

Với việc kinh doanh cây cảnh, gia đình anh đã xin thoát nghèo, cuộc sống dần khấm khá

Bà Lý bồi hồi nhớ lại tai ương xảy ra bất ngờ khiến cả gia đình như rơi vào “vực thẳm”. Mỗi lần chăm con tại bệnh viện, bà phải ẵm theo đứa cháu nội mới 20 tháng tuổi, thiếu hơi mẹ thằng bé còi cọc, quấy khóc.

“Buồn lắm, tủi lắm, nhà chỉ ba người nương tựa vào nhau. Mỗi lần mệt mỏi, tưởng chừng bỏ cuộc, tôi lại nhìn con, nhìn cháu để tiếp thêm động lực vươn lên. Có muốn khóc cũng tìm góc nào đó, chứ không dám khóc trước mặt nó, sợ con buồn”, bà Lý xúc động chia sẻ.

Bệnh viêm tủy cắt ngang khiến tay chân bị liệt, nhưng đầu óc anh Linh vẫn còn minh mẫn. Tai họa ập đến ở cái tuổi 26, mỗi ngày nằm trên giường bệnh với anh như là một cuộc chiến về tinh thần. Anh quyết tâm tập luyện, từng bước di chuyển tứ chi nặng nề đang dần chết đi.

“Ban đầu tôi dùng chiếc nạng bằng gỗ do cây mẹ đốn trong rừng về, sau đó lại nhờ bạn bè thiết kế cho cái ròng rọc để tập luyện. Đã bao lần té ngã, nếu không có mẹ tôi chỉ biết nằm đó mà chờ thôi. Có lúc tôi đã nghĩ đến cái chết, nhưng mình chết đi thì giải thoát rồi, còn mẹ già và con thơ sẽ ra sao, nương tựa vào ai khi người thân cũng quay lưng. Tôi tự nhủ mình phải cố gắng, mình sẽ làm được”, anh Linh kể.

Ba năm chống chọi với bệnh tật, anh Linh không cho phép bản thân được nghỉ ngơi, vì sợ sẽ bị cứng cơ. Mỗi lần tập luyện cử động được một bộ phận, cả nhà mừng phát khóc. Đến giờ anh đã tự đi lại bình thường, dù mỗi khi trái gió trở trời xương khớp lại đau nhức, nhưng đó đã là một phép màu diệu kỳ.

Vượt lên chính mình

Chiến thắng nghịch cảnh, nhưng khi ấy cuộc sống còn nhiều khó khăn, mọi sinh hoạt đều do mẹ anh một mình gồng gánh. Thương mẹ đã già yếu, phải kiêm thêm trụ cột gia đình nuôi con và cháu. Anh Linh bắt đầu tập tành nuôi gà, buôn cau… nhưng đều thua lỗ.

Nghị lực phi thường của chàng trai tưởng chừng phải sống thực vật - 3

Với anh Linh, mẹ và con trai chính là động lực phi thường để anh quyết tâm phấn đấu vượt lên chính mình. Trong ảnh là căn nhà khang trang của anh Linh đang dần hoàn thiện bằng chính công sức, nỗ lực vươn lên của anh

Năm 2018, với số vốn ít ỏi, anh thử sức với công việc thu mua gốc hoa giấy ở thị trường Quảng Ngãi. Sau đó thông qua mạng xã hội và bạn bè, đưa sản phẩm của mình đến khách hàng trên cả nước.

Hoa giấy được nhập về thường là những gốc cây thô (chưa có mầm) có kích thước lớn và độ tuổi vài chục năm. Sau đó anh chăm sóc để cây ra phôi và vô bầu rồi bán cho khách hàng. 

Bằng cách buôn bán trung gian, anh Linh gầy dựng cơ ngơi và thu mua số lượng lớn, trở thành cơ sở độc quyền về hoa giấy trên địa bàn Quảng Ngãi. Năm 2019, anh mở thêm chi nhánh thu mua tại nhà ở thôn 8 (xã Tiên Thọ, Tiên Phước) và Hà Nội. 

Anh Nguyễn Khắc Linh chia sẻ về động lực giúp mình chiến thắng nghịch cảnh

Theo anh Linh, cây hoa giấy có sức sống cao, ít tốn công chăm sóc, cây lại cho hoa quanh năm và nở rộ đẹp mắt nếu nắm bắt kỹ thuật. Hiện nay, thị trường tiêu thụ mạnh tại TPHCM và Hà Nội.

Anh thường bán cho các công trình với số lượng lớn, hay các gia đình, cơ sở có nhu cầu với giá cả hợp lý, phải chăng; và thực hiện ghép cành hoa giấy với nhiều màu sắc khác nhau để cho ra chậu đẹp, đặc sắc cung cấp cho người yêu hoa.

“Việc buôn cây theo hình thức này lợi nhuận không được cao như bán cây thành phẩm theo kiểu bonsai mà các nhà vườn hay làm. Nhưng được cái cũng có đồng ra đồng vào phụ giúp gia đình và trả nợ, vươn lên thoát nghèo. Tôi kinh doanh luôn đặt uy tín lên hàng đầu, nên khách rất tin tưởng thường đặt số lượng lớn, hay các cây có giá trị cao và nhờ tôi đến trồng, tư vấn kỹ thuật tận nơi”, anh Linh chia sẻ.

Bà Lê Thị Na Vi - Bí thư huyện đoàn Tiên Phước cho biết, anh Nguyễn Khắc Linh là một tấm gương điển hình về nghị lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống, tấm gương tốt cho nhiều người học hỏi. Từ việc kinh doanh cây cảnh của gia đình, anh đã xin thoát nghèo và tạo dựng được cơ ngơi khang trang nơi vùng trung du như huyện Tiên Phước.

Công Bính – Ngô Linh