Nghẹn ngào với câu chuyện tình yêu của người vợ “tí hon” và chồng khuyết tật
(Dân trí) - Sinh ra ở hai vùng đất khác nhau, đều lớn lên với cơ thể khiếm khuyết, khác người nhưng chưa bao giờ vì thế mà họ từ bỏ cơ hội sống. Anh Đặng Văn Quản và chị Hoàng Thị Hoan sau nhiều năm vất vả với hành trình mưu sinh đơn độc, năm 2017 họ tìm thấy nhau và cùng nhau viết nên câu chuyện cổ tích về tình yêu và nghị lực sống.
Mỗi người có định nghĩa khác nhau về tình yêu nhưng khi được gặp vợ chồng anh Đặng Văn Quản (31 tuổi) và chị Hoàng Thị Hoan (30 tuổi) người ta mới thực sự tin, tình yêu chính là sự gắn kết những mảnh ghép không hoàn hảo thành một bức tranh đầy ắp tiếng cười.
Vợ chồng anh Quản, chị Hoan hiện là thành viên của Trung tâm bảo trợ người khuyết tật Vì ngày mai (Tây Hồ - Hà Nội). Gặp gỡ nhau tại một buổi học của trung tâm, anh bị teo cơ chân bẩm sinh còn chị là cô gái “tí hon” chỉ cao chưa tới 1m30.
Những khiếm khuyết cơ thể vô tình trở thành lý do để họ thấu hiểu và đồng cảm với nhau nhiều hơn. Năm 2017, hai anh chị trở thành vợ chồng hợp pháp với đám cưới nhỏ ở quê nhà.
Dùng tình yêu để lấp đầy những khiếm khuyết trên cơ thể
Chị Hoàng Thị Hoan sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo đông anh em ở Lạng Sơn. Bố mất sớm, mẹ chị một mình làm việc đồng áng nuôi 8 người con ăn học, sinh sống qua ngày.
Năm 15 tuổi, chi Hoan bắt đầu nhận ra những biểu hiện khác thường trên cơ thể với cánh tay ngắn, bắp chân to ra nhưng chiều cao không thay đổi nhiều. Trong khi các bạn cùng trang lứa đều cao vọt lên ở tuổi dậy thì. Đó cũng là lúc chị biết mình là đứa trẻ kém may mắn duy nhất trong gia đình khi 8 anh chị em chỉ mình chị có thân hình “tý hon”.
Đều có những khiếm khuyết trên cơ thể, 2 anh chị tìm đến nhau bằng sự đồng cảm và trái tim chân thành.
Những năm tháng cấp 3 trôi qua qua khó khăn hơn khi chiều cao của chị trở thành chủ đề bàn tán của nhiều nhóm bạn học sinh cùng trường. Nhưng biết bản thân không có quyền lựa chọn từ khi sinh ra, chị Hoan chấp nhận cơ thể mình và học cách thích nghi với những điều khác biệt.
Tuy có những khiếm khuyết về ngoại hình, nhưng bù lại, chị Hoan được ông trời ban cho khuôn mặt rạng rỡ, tính tình cởi mở hoạt bát nên dù thường xuyên đứng lọt thỏm giữa đám đông, chị vẫn luôn biết cách để hòa nhập vui vẻ với mọi người.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp cấp 3 chị Hoan mong muốn được tiếp tục học đại học nhưng điều kiện gia đình khó khăn, chị phải tạm dừng con đường học hành, ở quê mở quầy buôn bán nhỏ.
Bộ ảnh cưới được ban tổ chức chương trình “Giấc mơ có thật” chụp tặng miễn phí cho 2 vợ chồng cùng nhiều cặp đôi khuyết tật khác. Chị Hoan cứ khi rảnh lại lôi ra ngắm vì đây là lần đầu tiên chị được chụp một bộ ảnh cưới đẹp thế này.
Đến năm 2010, chị Hoan rời quê xuống Hà Nội đăng kí là học viên tại Trung tâm Bảo trợ khuyết tật Vì ngày mai. Hy vọng được hòa nhập với tập thể nhiều hơn và tìm được công việc phù hợp khả năng của bản thân, kiếm được tiền tự trang trải cuộc sống. Đây cũng là nơi chị gặp chồng mình bây giờ là anh Đặng Văn Quản.
Anh Quản là người gốc Quảng Ninh, chân bị teo cơ nặng do một cơn sốt cao đến co giật năm 1 tuổi. Lớn lên với đôi chân khuyết tật, sức khỏe yếu, mọi sinh hoạt diễn ra khó khăn nên anh không thể làm được những công việc nặng. Tìm đến trung tâm Vì Ngày Mai năm 2014, muộn hơn chị Hoan 4 năm, anh học tại một lớp dạy nghề thủ công chủ yếu làm bằng tay.
Nhớ về lần đầu tiên gặp chị Hoan tại lớp học, anh Quản kể: “Những ngày đầu anh không chú ý lắm vì trong lớp ai cũng có hoàn cảnh và ngoại hình rất đặc biệt. Nhưng càng về sau, anh thấy chị Hoan lúc nào cũng vui vẻ hoạt bát trên lớp, tính tình hòa đồng ai nhờ gì cũng giúp nên anh bắt đầu để ý chị từ đấy.”
Chị Hoan hiện nhận làm các đồ thủ công cùng mọi người ở trung tâm.
Cũng giống như nhiều cặp đôi khuyết tật khác, họ tìm đến nhau với hai cơ thể khiếm khuyết nhưng với cả một trái tim lành lặn và chân thành. Kỷ niệm tình yêu trong những ngày tháng yêu nhau chẳng có gì nhiều.
Không quà, không hoa, không những chuyến du lịch đó đây nhưng lúc nào cũng ngọt ngào, tình cảm dù chỉ quanh quẩn cùng nhau đi học, đi làm ở trung tâm, hoặc xa hơn là những chiều dạo phố quanh hồ Tây rồi lại nắm tay nhau đi về.
Cứ thế, câu chuyện tình yêu đẹp của anh Quản, chị Hoan bước sang một trang mới với đám cưới nhỏ ở quê nhà, đám cưới cũng giản dị như cách anh chị đã yêu nhau và lựa chọn nhau là một nửa của mình.
Công việc tuy không tốn sức nhiều nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn.
Khao khát được nghe tiếng trẻ thơ trong căn phòng nhỏ
Sau đám cưới ở quê, anh Quản chị Hoan tiếp tục công việc ở trung tâm Vì ngày mai. Do sức khỏe yếu nên 2 vợ chồng chỉ làm được những công việc chân tay đơn giản. Chị Hoan hiện đang nhận làm đồ thủ công cùng mọi người ở trung tâm. Tùy từng sản phẩm và lô hàng khác nhau sẽ làm những công việc khác nhau và giá thành cũng thay đổi tùy lúc.
Thời gian này, chị Hoan đang nhận dán hình nổi vào sách tiếng Anh cho thiếu nhi, trung bình giá khoảng 2.500đ/1 sản phẩm (1 quyển sách), ngày làm chăm chỉ mới được dán được hoàn thiện 10 quyển.
“Người nhỏ con đi đâu xin việc cũng khó nên được trung tâm tạo công ăn việc làm cho tại chỗ là mừng lắm rồi, may mắn anh chồng chị hiền lành chịu khó nên 2 vợ chồng cứ thể bảo nhau làm ăn.”
Chồng chị Hoan hiện đang làm công nhân tại một xưởng đóng giày ở Nhổn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối mới tan làm. Từ nơi ở đến trung tâm phải đi quãng đường khoảng 10km, anh Quản bị teo cả 2 chân nên việc đi lại bằng xe máy khó khăn và phải di chuyển chậm.
Chiếc xe đặc biệt của chị Hoan được một người chị trong trung tâm tặng. Chiếc xe được thiết kế dành riêng cho những người “tý hon” như chị
Hai vợ chồng anh chị, “năng nhặt chặt bị” lắm cộng với 500.000đ tiền trợ cấp khuyết tật mỗi tháng mới kiếm được khoảng 6 triệu/tháng (cả hai người) trong đó đã phải chi mất 1.500.000đ tiền phòng cùng các khoản chi phí sinh hoạt khác như: Điện nước, ăn uống, cưới hỏi,..
Cuộc sống vợ chồng vất vả nhưng chị Hoan vẫn tự nhận mình là người may mắn nhất ở trung tâm này, chị được chồng yêu thương, chăm sóc. “Anh vẫn bảo chị là 2 vợ chồng mình cùng nhau cố gắng, cố được ít nào hay ít đấy chứ đừng thấy khó khăn mà nản lòng, mọi người ở trung tâm ai cũng vất vả, có được cuộc sống như anh chị hiện tại đã là may mắn quá rồi”, chị Hoan chia sẻ.
Chị Hoan chia sẻ, anh Quản tính tình hiền lành, không bao giờ quát to với chị, ngày cuối tuần nào đươc nghỉ cũng vào bếp phụ vợ nấu cơm.
Nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền dường như không thể đau đáu bằng hành trình ròng rã “tìm con” suốt 2 năm nay của anh chị. Đã cưới nhau được hơn 2 năm, nhưng đến nay anh Quản, chị Hoan vẫn chưa có con dù rất khao khát được nghe tiếng trẻ trong gia đình.
Chị Hoan chia sẻ đã đi chữa chạy nhiều nơi nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy tín hiệu tích cực. Nguyên nhân có thể do chị và anh Quản là người khuyết tật nên sức khỏe yếu, quá trình thụ thai lâu và khó khăn hơn người bình thường.
Dù vậy, anh chị vẫn luôn tin rằng cả hai sẽ sớm nhận được tin vui, sẽ sớm được bế bồng đứa trẻ nhỏ trên tay. “Hiện tại anh chị vẫn đang tiếp tục uống thuốc, cả 2 vợ chồng đều tin là nhất định sẽ có em bé, chỉ là quá trình đến muộn hơn người thường nên cần kiện nhẫn hơn thôi.” – anh Quản lạc quan chia sẻ.
Dù cuộc sống vẫn còn nhiều thử thách, niềm khát khao được nghe tiếng trẻ thơ trong căn phòng nhỏ vẫn còn là một hành trình dài nhưng 2 vợ chồng nhờ có tình yêu mà vẫn luôn tích cực tiến về phía trước.
Ngày qua ngày, chị Hoan vẫn dậy sớm chuẩn bị cơm trưa cho anh mang đi làm. Còn anh những ngày được nghỉ cũng ở nhà phụ vợ làm đồ thủ công, thi thoảng hai vợ chồng lại “đổi gió” với những chiều dạo phố quanh hồ Tây.
Những điều giản dị ấy, những câu chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày mà ít ai để ý đến lại chính là cách mà họ - một cặp vợ chồng khuyết tật đã lấp đầy những thiếu sót trên cơ thể bằng một trái tim lành lặn, yêu thương và chân thành.
Thanh Thúy