Nghẹn ngào cuộc gặp gỡ của người mẹ có con hiến giác mạc và người đàn ông được nhận
(Dân trí) - Với anh Nguyễn Xuân Hưng, nếu không có quyết định của mẹ Cấn Thị Ngần thì giờ đây mắt của anh có thể sẽ mãi chìm đắm trong bóng tối. Ẩn sâu trong ánh mắt của anh là sự biết ơn và trân trọng điều mà người mất để lại cho mình cũng như những bệnh nhân khác.
Nhận mô từ người xa lạ
Thời gian qua, trên phương tiện thông tin đại chúng nhiều người dân trên khắp cả nước cũng đã được nghe đến nhiều câu chuyện hiến tạng vô cùng cảm động, như chuyện người vợ hiến xác chồng mất cho y học, mẹ hiến tạng con chết não cứu người… Những câu chuyện thực ấy đã phần nào khiến mọi người hiểu hơn về hiến tạng, đăng ký hiến tạng.
Mặc dù vậy, cũng có nhiều câu chuyện chưa kể của những người được nhận mô tạng từ người đã khuất. Và mới đây, PV Dân trí đã được lắng nghe những chia sẻ từ sâu trong đáy lòng của anh Nguyễn Xuân Hưng (SN 1989, xóm 6, Hoài Đức, Hà Nội), là người may mắn được nhận một bên giác mạc từ con trai của bà Cấn Thị Ngần (Quốc Oai, Hà Nội).
Trò chuyện với PV, anh Nguyễn Xuân Hưng kể: “Bố của tôi mất sớm để lại cho mẹ tôi một mình vất vả nuôi ba người con ăn học. Bản thân tôi sinh ra khỏe mạnh, đôi mắt bình thường như bao người khác. Thế nhưng, khi càng lớn thì đôi mắt tôi càng mờ nhòe, cảm giác đó thật khó chịu”.
Anh Hưng bảo rằng khi thấy mắt mình có dấu hiệu mờ nhòe, anh có nói với mẹ, cũng có đi thăm khám nhưng chỉ nghĩ là bình thường. “Đến năm tôi 25 tuổi, thì cả 2 mắt của tôi đau, ngứa suốt lúc nào tôi cũng chỉ nhìn thấy sương mù dày đặc.
Tôi cứ ngỡ mắt tôi bị mù rồi, vì chẳng thể nhìn rõ nổi bất cứ một thứ gì. Mọi sinh hoạt của tôi dần khó khăn, là con trai nhưng tôi lại chẳng thể giúp gì cho mẹ. Tôi rơi vào trạng thái buồn bã và mong được nhìn thấy ánh sáng”.
Đến tháng 7/2016, bà Cấn Thị Ngần có con trai không may bị chết não, đã quyết định ký vào tờ giấy đăng ký hiến tạng con. Các bác sĩ bệnh viện Quân Y 103 thực hiện ca ghép tạng cứu sống 5 bệnh nhân đang cần cứu gấp. Anh Nguyễn Xuân Hưng là bệnh nhân may mắn được nhận một bên giác mạc từ người con xấu số của bà Ngần.
“Thời điểm ấy, tôi đang điều trị, chỉ thấy mẹ và chị thông báo là có người cho giác mạc rồi, được ghép giác mạc rồi chứ tôi cũng không hề biết ai là người cho mô cả. Trong lòng tôi khi ấy vừa vui vừa xúc động. Vui vì mắt mình có thể nhìn thấy trở lại và càng xúc động hơn trước nghĩa cử cao đẹp của người xa lạ”, anh Hưng tâm sự.
Sau thời gian ghép giác mạc, anh Hưng dần nhìn thấy và anh thường tâm sự với người thân rằng mong muốn được gặp người đã đồng ý tặng giác mạc cho mình. Thế nhưng, việc này dường như rất khó khăn.
“Tôi có tìm kiếm, hỏi bệnh viện nhưng quy tắc là không được cung cấp, mãi sau thì chị và mẹ tôi có biết thông tin về trường hợp có người hiến tạng con ở Quốc Oai, thấy linh tính mách bảo nên có tìm xuống nhà và quả thật đúng là chúng tôi đã gặp được ân nhân”, anh Hưng chia sẻ thêm.
Như một sợi dây kết nối vô hình
Lần đầu tiên gặp bà Ngần, nhìn thấy hình ảnh người đã cho mình giác mạc, anh Hưng nghẹn ngào như muốn khóc. “Tôi vào nhà mẹ Ngần, sau đó đứng trước ban thờ thắp hương, mọi người nói di ảnh của người đã khuất trên ban thờ, tôi có ngước lên nhìn và đúng là có một cảm giác gì đó lâng lâng, lòng mình như muốn khóc”.
Với anh Hưng, những người anh, người chị từ xa lạ bỗng hoá thành quen.
Được nhận mô từ con bà Ngần, anh Hưng cho biết anh có cảm xúc đặc biệt: “Vì tôi được nhận giác mạc, là thứ mà hàng ngày soi gương mình đều nhìn thấy, soi sâu trong ánh mắt nên cảm xúc của tôi cũng rất đặc biệt, mất khoảng 10 ngày vì cảm xúc lạ đó, rất khó miêu tả thành lời.
Còn trước đó, khi nhận giác mạc rồi mà chưa được gặp người đồng ý hiến tạng thì tôi chưa có cảm nhận gì nhiều. Thế nhưng, khi gặp rồi thì tôi cũng cảm thấy có điều gì đó đặc biệt, như một sợi dây vô hình kết nối, tôi coi đây là một cái duyên”.
Kể từ sau khi gặp lại bà Ngần, gọi bà Ngần một tiếng “mẹ”, anh Hưng chia sẻ rằng lòng anh cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.
“Gặp được ân nhân đã cho mình ánh sáng, tôi vô cùng xúc động, không chỉ có vậy mọi sinh hoạt hiện tại của tôi đã đỡ hơn, sức khỏe cũng đã khá hơn. Nếu không có quyết định của mẹ Ngần thì có lẽ giờ này đôi mắt của tôi đã không thể nhìn thấy”, anh Hưng xúc động chia sẻ.
Trong ngày giỗ đầu của con trai bà Ngần, là ngày đặc biệt nhất khi “5 người con” cùng có mặt tại ngôi nhà ấy, họ cùng thắp cho người đã khuất một nén tâm nhang.
Chia sẻ về tâm trạng của mình khi gặp lại cả 4 người bệnh nhân được nhận mô tạng từ con trai của mẹ Ngần, anh Hưng bộc bạch: “Mặc dù mới lần đầu tiên gặp các anh, các chị nhưng cảm xúc đúng là lạ thật. Cứ như thể những người anh, người chị đó mình đã quen từ rất lâu.
Tôi cũng như các bệnh nhân ấy đều coi nhau là người thân, ruột thịt. Coi nhà mẹ Ngần là gia đình của mình, tôi ít tuổi nhất nên trong ngôi nhà của mẹ Ngần thì tôi là con út”.
Cũng kể thêm về điều mà hai mẹ con thường tâm sự với nhau, anh Hưng nói: “Từ sau khi được ghép giác mạc, mẹ Ngần quan tâm thường xuyên hỏi han xem mắt của tôi thế nào, nhìn thấy hay chưa. Lần đầu tiên mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi mẹ đã bật khóc vì xúc động.
Có lẽ, trong ánh mắt của tôi hiện tại có hình ảnh của người con trai đã khuất của mẹ. Từ giây phút đó, tôi biết rằng mình sẽ phải yêu thương, quan tâm đến mẹ nhiều hơn nữa, vì mẹ đã chịu thiệt thòi khi mất đi người con, nhưng mẹ cũng đã hồi sinh được sự sống cho “5 người con” từ khắp các tỉnh thành. Tôi thầm biết ơn và thương mẹ thật nhiều”.
Nói về dự định gần nhất, anh Hưng cho hay: “Tôi sẽ về thăm mẹ Ngần và cũng mong muốn câu chuyện của mẹ ngày càng được mọi người biết đến. Đây cũng là động lực để cho nhiều người đăng ký hiến tạng, cứu sống thêm nhiều mảnh đời bất hạnh khác”.
Thanh Hoa