Nghề vừa có thu nhập, vừa có phụ phẩm mang về
(Dân trí) - Ngoài thu nhập gần 200 nghìn đồng/1 ngày, những người làm nghề bóc lá mía thuê còn có thêm nguồn thức ăn thiết yếu cho trâu, bò.
5h sáng chị Lê Thị Thảo (45 tuổi, thôn 3, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) lại tất bật chuẩn bị hành trang ra cánh đồng trong xã để bóc lá mía thuê. Thời tiết nắng nóng nên chị và nhiều lao động tại đây phải tranh thủ ra đồng từ sớm.
"Mỗi ngày 8 tiếng, ngày nắng thì chúng tôi đi sớm hơn thường lệ. Nghề này làm việc quanh năm, kể cả ngày mưa cũng phải làm, nếu chậm bóc lá thì cây mía sẽ không phát triển được", chị Thảo nói.
Theo chị Thảo, nhiều gia đình trồng mía với diện tích lớn, do không thể làm kịp thời vụ nên cần phải thuê thêm nhân công bóc lá. Cây mía sau khi phát triển đến đốt từ 3 - 4 thì phải tiến hành bóc lá để cây mọc thêm đốt, quá trình bóc lá phải được thực hiện thường xuyên cho đến khi thu hoạch.
Vì thế mà công việc bóc lá mía diễn ra quanh năm, tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương. Tuy nhiên, thời điểm từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, công việc bóc lá mía diễn ra rầm rộ nhất, vì đây là thời điểm nắng ráo, cây mía tốt, có nhiều lá. Đặc biệt là vùng trồng mía ép lấy nước như khu vực bãi bồi xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa).
Những ngày này, dọc các vùng trồng mía ở bãi bồi sông Chu, qua địa bàn huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) không khó bắt gặp cảnh những người lao động làm nghề bóc lá mía thuê.
Công việc bóc lá mía thuê tuy không nặng nhọc nhưng cũng không kém phần vất vả. Ngày nắng, dưới tán lá mía rậm rạp, họ phải chống chọi với không khí ngột ngạt, oi bức; ngày mưa thì ướt sũng, lầy lội. Ngoài ra, do lá mía có nhiều lông tơ nên bị ngứa rát ngoài da, hay bị lá mía cắt đứt tay chân… là chuyện bình thường với người lao động.
"Lá mía sắc, lông mía thì dày đặc, khi chạm vào nó sẽ bay tứ tung, thậm chí nhiều hôm không đeo khẩu trang là hít trọn lông mía vào mũi, ngứa ngáy khó chịu lắm", chị Đỗ Thị Bình tâm sự.
Vất vả là vậy nhưng đặc thù công việc bóc lá mía thuê này chủ yếu là những phụ nữ hoặc người già làm việc. Trong nhóm bóc lá mía thuê của chị Thảo có bà Đỗ Thị Oanh, ở thôn 1, xã Tân Châu (huyện Thiệu Hóa) là người đã có tuổi. Bà Oanh năm nay 63 tuổi nhưng tính về thâm niên làm nghề bóc lá mía thì bà đã có 10 năm trong nghề. Nhờ nghề bóc lá mía mà bà có thêm thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống hằng ngày, không phải phụ thuộc vào con, cháu.
"Mình bây giờ tuổi già không thể đi làm công nhân được thì chọn nghề không nặng nhọc để làm. Bóc lá mía tuy không nặng nhọc nhưng phải chịu khó, chịu khổ vì thời tiết rất khắc nghiệt. Mỗi ngày bóc lá mía cũng kiếm được từ 160 nghìn - 200 nghìn đồng", bà Oanh chia sẻ.
Theo những người đi bóc lá mía thuê tại đây cho biết, mỗi ngày trung bình một người có thể bóc được 1 sào mía. Ngoài việc hưởng tiền công, họ còn tận dụng được số lượng lớn lá mía đem về làm thức ăn cho trâu, bò.
Như gia đình bà Oanh, để kiếm thêm thu nhập bà đã mạnh dạn vay mượn mua thêm 2 con trâu để nuôi. Sau mỗi ngày bóc lá thuê bà lại gom lá mía để đem về làm thức ăn cho gia súc.
Những năm qua, nhiều người lao động tại vùng bãi bồi huyện Thiệu Hóa đỡ vất vả hơn nhiều vì có thêm nghề tay trái để làm, kiếm thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống.