Nghệ nhân ở làng gốm 500 tuổi tất bật vọc đất nặn con rồng cho Tết
(Dân trí) - Dịp cuối năm, làng gốm Thanh Hà (TP Hội An, Quảng Nam) tất bật sản xuất những con rồng bằng đất nung để phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Những ngày này, các nghệ nhân tại làng gốm 500 tuổi Thanh Hà lại hối hả chuẩn bị đất sét, sửa lại lò nung, nhào nặn linh vật rồng để cung ứng thị trường.
Ông Nguyễn Thành Long (70 tuổi, làng gốm Thanh Hà) là một trong những thợ gốm chuyên nghiệp được UBND phường Thanh Hà tin tưởng, giao trọng trách làm những con rồng bằng gốm đất nung để trưng bày cho dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Theo ông Long, có 6 con rồng với nhiều tư thế, hình dáng khác nhau được phân cho 3 thợ gốm tại làng Thanh Hà thực hiện. Hai con rồng do ông phụ trách có hình dáng uốn lượn, ôm bình gốm và nhả ngọc.
Với ông Long, mẫu tượng gốm ông chọn khá khó do đất sét ướt, cứ dựng lên là đổ, phải liên tục canh chừng để rồng ôm sát vào bình gốm thật uyển chuyển, sống động.
Đầu rồng được uốn nắn công phu, đạt thần thái uy phong. Đặc biệt, bốn chân rồng phải trụ được trên bình gốm để giữ thân mình, vảy rồng cũng được nặn riêng để gắn lên chứ không phải chạm khắc trực tiếp.
Tượng rồng nhả ngọc mang biểu tượng của sự bắt đầu tươi mới và may mắn, cầu mong cho làng gốm trong năm mới nhiều thuận lợi, phát lộc, phát tài.
Ông Nguyễn Thành Long cảm thấy rất may mắn khi là một trong những người thợ được chọn để làm linh vật năm Giáp Thìn, ông dành rất nhiều tâm huyết để thực hiện.
"Tôi mất một tháng để hoàn thành 2 con rồng đầu tiên, sau khi có kinh nghiệm thì mất một tuần để làm 2 con dự bị. Mỗi khi đất sét khô, bình gốm và tượng rồng lại tách nhau, người thợ phải quan sát tránh hư hỏng, mất đi phần hồn của tác phẩm", ông Long chia sẻ.
Sau khi đất sét khô hoàn toàn, ông Long đưa vào lò nung thủ công bởi không thể dùng lò điện do kích thước lớn. Tượng gốm nung hoàn thành sẽ được trưng bày tại cổng vào làng gốm để du khách thưởng lãm.
Anh Nguyễn Văn Hoàng (40 tuổi, làng gốm Thanh Hà) cũng là một trong 3 thợ gốm được chọn làm linh vật rồng. Anh Hoàng mất khoảng 20 ngày để hoàn thiện 2 linh vật hình rồng.
"Phần đầu của con rồng là công đoạn khó làm nhất, vì nó tập trung nhiều chi tiết tạo nên cái "hồn" của linh vật; từ mắt, mũi, râu, miệng, sừng... đều phải sắc nét, tinh xảo, toát lên được vẻ đẹp hình tượng thiêng liêng, cao quý, đầy vẻ uy quyền", anh Hoàng cho hay.
Con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối, đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh "Long, Lân, Quy, Phụng".
Những ngày này, các thợ gốm tất bật sáng tạo, chế tác những sản phẩm gắn liền với hình tượng con rồng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Làng gốm Thanh Hà hiện có trên 30 cơ sở sản xuất gốm thủ công với 3 dòng gốm: sản phẩm lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sản phẩm truyền thống, giữ đặc điểm chung là gốm thô mộc có màu đất nung tự nhiên.
Sự hồi sinh của du lịch sau dịch bệnh đã tiếp thêm động lực để những nghệ nhân nơi đây gìn giữ, phát huy nghề gốm đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.