Gia Lai
Nghệ nhân Jrai “thổi hồn” vào tượng gỗ
(Dân trí) - Dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày nghệ nhân Ksor Ksôh (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) vẫn miệt mài “thổi hồn” vào những bức tượng gỗ, trước nguy cơ nghề đang bị mai một dần.
Chúng tôi tìm về nhà nghệ nhân Ksor Krôh (66 tuổi, làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai) khi nắng chiều đã nhuộm vàng khắp khoảng sân nhà.
Dưới tán cây, chúng tôi thấy một dáng người vạm vỡ, khỏe khắn đang tỉ mỉ chạm chỗ từng đường nét trên một bức tượng gỗ. Xung quanh ông là những đứa trẻ thích thú tò mò ngồi xem cách ông “biến hóa” khúc gỗ vô tri vô giác thành một bức tượng.
Nghệ nhân Ksor Ksôh cho biết: “Cái nghề này chẳng ai dạy mình đâu, là tự mình học cả đấy. Người xưa quan niệm, con trai muốn dựng vợ là phải học tạc tượng. Thời đó mình mới 15 tuổi, vì thích tạc tượng nên mình lén cha, lên rừng, vào nhà tượng “vô hồn”, đến nay mình đã tạc được rất nhiều tượng gỗ với những hình hài khác nhau để phục vụ cho các dịp lễ làng, cúng nhà mã, nhà rông”.
Khác việc chạm tượng mà người ta thường thấy, đối với bà con Jrai thường đục tượng bằng những dụng cụ thô sơ như rìu, dao…rồi chạm trổ nên những pho tượng góc cạnh diễn tả những con vật, phong cảnh, vị thần bảo hộ… Đôi tay nhanh tỉ mỉ đục từng đường nét chạm trổ trên bức tượng mang hình hài người mẹ cõng con.
Ông Ksôh bộc bạch: “Tạc tượng thường chỉ bằng chiếc rìu, dao nên mất rất nhiều thời gian, công sức. Cũng như những loại hình nghệ thuật khác, người tạc tượng phải có một tâm hồn thoải mái, để thỏa sức tạo hình hài, thần sắc cho nhân vật mình hướng đến. Ở dây, họ xem tượng gỗ như để thể hiện tình cảm của người sống với người đã về với cõi Atâu (chết). Những bức tượng gỗ được đặt ở nhà mồ và thường gắn liền với đời sống tinh thần hằng ngày của người đó lúc còn sống.”.
Tuy gắn bó với nghề tạc tượng đã lâu, nhưng ông Ksôh vẫn đánh giá tạc tượng là một nghề rất khó. Tạc tượng không phải chỉ thích là làm được, mà phải có đam mê, có đôi tay rắn rỏi và khéo léo. Ông cho rằng, Yang phú cho ông đôi bàn tay điêu luyện để phục vụ cho dân làng. Nó đến với ông như cái duyên, cái nợ. Đến nay dù đã 66 tuổi, ông vẫn khỏe mạnh để bổ củi, ngồi đục đẽo, thả hồn vào tượng gỗ.
Trong số những bức tượng nhà mồ, hình tượng được ông tạc nhiều là hình ảnh người ngồi ôm mặt trong dáng vẻ buồn bã; hình người mẹ địu con trên lưng hoặc bế con trên tay hoặc hình chim thú, thể hiện đời sống gắn với thiên nhiên của đồng bào Tây Nguyên.
Sự tài hoa của người nghệ nhân đều được thể hiện rõ trên các bức tượng gỗ khiến người xem không khỏi khâm phục. Vì thế, ở làng Mrông Ngó 4, người làng nếu cần tượng thì đều đến nhà nghệ nhân để đặt làm. Họ sẽ trả chi phí cho ông, nhờ vậy ông cũng có thêm chút đồng ra đồng vào trang trải cho cuộc sống.
“Thường tạc tượng nhiều nhất là vào tháng 3 vì đây là thời điểm diễn ra lễ Pơ Thi, những ngày này tôi phải làm cả ngày lẫn đêm để kịp giao cho người ta. Bức tượng nhỏ, vừa thì mất 2-3 ngày. Bức tượng nào lớn thì phải mất cả tháng”, nghệ nhân Ksôh bộc bạch.
Để gìn giữ nghề tạc tượng, ông thường chỉ dạy cho con, cháu trong nhà và lũ trẻ trong làng. Cả làng bây giờ đã có khoảng 7,8 người là học trò của ông. Năm 2019, nghệ nhân Ksor Krôh vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực tri thức dân gian. Ông cũng đã từng được Bảo tàng dân tộc học Việt Nam tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc Jrai.
Phạm Hoàng