Nghệ nhân chia sẻ cách phòng bệnh héo rễ thường gặp ở hoa lan

Trường Thịnh

(Dân trí) - Đối với hầu hết các loại cây trồng thì bộ rễ được xem là bộ phận quan trọng nhất của cây, và với hoa lan cũng vậy. Rễ lan cần phải phát triển khỏe mạnh thì lan mới sinh trưởng tốt và cho ra những đóa hoa rực rỡ.

Tuy nhiên là một trong những loài cây dễ bị nhiễm bệnh nhất đặc biệt là căn bệnh héo rễ nên chúng ta cần phải phòng bệnh cho lan đúng cách tránh bị chết gây thiệt hại về kinh tế.

Sau nhiều năm trồng lan, nghệ nhân Bùi Hữu Giang và Bùi Hữu Thanh đã rút ra một số kinh nghiệm, bí quyết nhằm hạn chế tác hại của bệnh héo rễ đối với hoa lan.

Nghệ nhân chia sẻ cách phòng bệnh héo rễ thường gặp ở hoa lan - 1
Nghệ nhân Bùi Hữu Thanh (áo đen, thứ 2 từ trái qua) và Bùi Hữu Giang (áo trắng) cho biết rễ lan cần phải phát triển khỏe mạnh thì lan mới sinh trưởng tốt.

Bệnh héo rễ thường gặp trong quá trình chăm sóc cây tại nhà, các loại vi khuẩn sẽ tấn công vào gốc vì khu vực này có độ ẩm cao. Bệnh héo rễ thường gặp nhiều trên một số giống lan như Phalaenopsis, Dendrobium, Cattleya….Với những giống có bộ rễ to, khỏe, chắc như lan Vanda… chúng thường ít bị nhiễm bệnh hơn. Đối với các cây lan nhỏ, nếu rễ bị hại thì dấu hiệu dễ nhận biết nhất đó là lá sẽ vàng dần, nặng có thể bị chết.

Nghệ nhân chia sẻ cách phòng bệnh héo rễ thường gặp ở hoa lan - 2

Bệnh héo rễ thường xảy ra vào mùa mưa khi mà những trận mưa lớn, kéo dài nhiều ngày sẽ khiến cây bị úng nước, rễ lan hấp thụ quá nhiều nước cùng độ ẩm rồi chuyển dần sang màu đen và mục dần.

Bệnh này thường tấn công ở đoạn rễ gần với gốc nhất vì nơi đây có độ ẩm cao, còn những phần rễ nằm xa gốc, không tiếp xúc với đất trồng, thoáng khí, khô ráo hơn nên ít bị bệnh tấn công hơn.

Nghệ nhân chia sẻ cách phòng bệnh héo rễ thường gặp ở hoa lan - 3

Anh Giang cho biết "Nếu mưa dài ngày liên tục thì các bạn nên dùng các mảnh nilon để che phía trên giàn lan, hạn chế mưa xối xuống chậu".

Về nguyên liệu trồng lan, các bạn không nên dùng các nguyên liệu có tính giữ nước nhiều và lâu dàu như vỏ dừa khô, cám xơ dừa…mà hãy dùng dớn sợi, than củi để đất trồng không giữ nước nhiều dễ tạo điều kiện cho bệnh và vi khuẩn phát triển gây hại cho cây.

Các bạn cũng nên lưu ý những thời điểm có độ ẩm không khí cao, cần giảm bớt lượng nước tưới trong ngày. Không treo chậu lan sát nhau để giàn lan luôn được thông thoáng, đồng thời hạn chế được việc các cây lệnh chéo bệnh cho nhau.

Anh Hữu Thanh cũng chia sẻ thêm, người trồng không nên che chắn quá kín mà nên để giàn lan luôn được thông thoáng, tạo nhiều ánh sáng tán xạ tốt cho cây. Tránh dùng các loại phân bón có hàm lượng đạm cao, làm cây xanh mướt, mọng nước, rễ sẽ mềm yếu, sức đề kháng kém.

Nghệ nhân chia sẻ cách phòng bệnh héo rễ thường gặp ở hoa lan - 4

Khi cây đã nhiễm bệnh cần cắt bỏ hết rễ đã bị bệnh, treo cách ly chậu lan bị bệnh, sau đó dùng các loại thuốc như: Benlate 50WP, Vicarben 50 BTN, Topsin -M 50WP, Derosal 50SC để phun xịt. Sau khi phun xịt thuốc nên nên bỏ một vài cữ tưới để thuốc không bị rửa trôi.

Hy vọng với những chia sẻ quý báu của hai nghệ nhân Nguyễn Hữu Giang và Nguyễn Hữu Thanh, các bạn sẽ nắm được cách điều trị căn bệnh héo rễ lan sao cho hiệu quả nhất. Chúc các bạn thành công!