Nghề làm lân Huế: Tất bật trước mùa Tết Trung Thu

(Dân trí) - Trong không khí cận kề Tết Trung Thu, các lò làm đầu lân, đầu rồng ở Huế đang tất bật, cố gắng để cho ra lò những sản phẩm nhằm phục vụ thị trường Trung Thu ở Huế.

Theo quan niệm dân gian, lân sư rồng là những con vật đem lại nhiều may mắn, bình an, tài lộc… Ở Huế, lân sư rồng xuất hiện vào dịp Trung Thu để mang đến nhiều điềm lành cho các hộ gia đình, đó như nét văn hóa của người dân xứ Huế mỗi độ Trung Thu về.

Vào thời điểm này, lò lân của ông Châu Trí Dũng ở kiệt 11 đường Trần Hưng Đạo, TP Huế đang phải gấp rút, chạy đua với thời gian để hoàn thiện những sản phẩm, những đơn hàng đã đặt từ trước. Với tay nghề 16 năm kinh nghiệm, các đầu lân ở đây được làm ra vô cùng công phu và tỉ mỉ, các sản phẩm luôn đạt được chất lượng tốt nhất.

Rất nhiều đầu lân được hoàn thiện để chuẩn bị xuất ra thị trường
Rất nhiều đầu lân được hoàn thiện để chuẩn bị xuất ra thị trường

Để làm ra một chiếc đầu lân đẹp không hề đơn giản, đòi hỏi người thợ phải khéo léo, sáng tạo và có kinh nghiệm lâu năm. Đầu lân được làm ra phải trải qua rất nhiều công đoạn từ khâu chuẩn bị cho đến khi hoàn thành sản phẩm. Chính vì nhu cầu về thẩm mỹ ngày càng cao mà khách hàng đưa ra nên đầu lân luôn được trang trí với những họa tiết nghệ thuật nhất, bắt mắt nhất.

Huế trong mùa nắng nóng, các lò làm lân có được lợi thế trong khâu phơi sản phẩm thô. Tuỳ thuộc vào kích cỡ đầu lân nên cách làm cũng khác nhau, thông thường các đầu lân nhỏ sẽ được tạo hình bằng khuôn xi măng, còn đối với những loại lớn thường được sử dụng khung lồ ô và cây mây rừng. Để một chiếc đầu lân đẹp, thu hút người nhìn, người thợ phải sơn màu sặc sỡ, trang trí cho đầu lân bằng những lớp kim sa, gấm, lông cừu… kèm theo đó là những họa tiết được vẽ rất kì công.

Trung bình mỗi năm lò lân ông Dũng sản xuất khoảng 2.000 chiếc đầu lân từ nhỏ đến lớn, giá của mỗi chiếc rơi vào khoảng từ vài trăm đến vài triệu đồng, tùy thuộc vào chất lượng, kích cỡ nên mức giá của mỗi chiếc đầu lân là khác nhau. Không chỉ cung cấp hàng cho thị trường Huế, đầu lân ở đây còn được đưa ra thị trường các tỉnh lân cận.

Đầu lân luôn là mặt hàng đắt giá vào thời điểm tết Trung Thu, bởi vậy mỗi dịp Trung Thu đến, các lò làm đầu lân luôn phải bận rộn, làm hết công suất. Mỗi năm, gia đình ông Dũng thu từ 40- 50 triệu từ nghề làm lân.

Nhiều khách hàng đến tận lò lân để mua hàng.
Nhiều khách hàng đến tận lò lân để mua hàng.

Hiện nay, ở Huế chỉ còn tầm mấy chục hộ giữ nghề làm đầu lân. Ông Châu Trí Dũng chia sẻ : “Nghề này hiện nay cũng không còn được thịnh hành lắm, trước đây thấy họ làm mình mê nên mình cũng làm theo. Cứ mỗi mùa lân đến thì mỗi người một việc chia nhau ra làm để kịp tiến độ. Vì yêu nghề nên luôn cố gắng làm để cung ứng cho thị trường”.

Tai Huế, dù nghề làm lân đã dần thưa thớt nhưng các nghệ nhân làm đầu lân vẫn luôn cố gắng “giữ lửa“ cho nghề và luôn đáp ứng nhu cầu thị trường mỗi dịp Trung Thu về.

Công đoạn mây đuôi lân được làm rất tỉ mỉ.
Công đoạn mây đuôi lân được làm rất tỉ mỉ.
Đầu lân được bỏ khung tre
Đầu lân được bỏ khung tre
Sau khi tạo hình bằng khuôn xi măng, đầu lân được đem đi phơi nắng.
Sau khi tạo hình bằng khuôn xi măng, đầu lân được đem đi phơi nắng.
Đầu lân nhỏ được trang trí màu sắc sặc sỡ
Đầu lân nhỏ được trang trí màu sắc sặc sỡ
Các đầu lân với những họa tiết đẹp mắt
Các đầu lân với những họa tiết đẹp mắt
Đầu lân được làm bằng chất liệu lông cừu.
Đầu lân được làm bằng chất liệu lông cừu.
Ông địa, đầu lân được bày bán nhiều nơi trong dịp Trung Thu
Ông địa, đầu lân được bày bán nhiều nơi trong dịp Trung Thu
Đầu lân là mặt hàng yêu thích của các bạn nhỏ mỗi độ Trung Thu về.
Đầu lân là mặt hàng yêu thích của các bạn nhỏ mỗi độ Trung Thu về.

Tấn Nhật – Bạch Châu – Đại Dương