Ngày về của người phụ nữ Việt 28 năm bị cháu lừa bán sang Trung Quốc
(Dân trí) - 30 tuổi, bà Trần Thị Chiều (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) bị người cháu lừa bán sang Trung Quốc. Sau 28 năm, bà tìm cách trở về quê hương, đoàn tụ hai con trai, chờ đón một cái Tết thật đặc biệt.
Những ngày cuối năm, gia đình anh Phạm Xuân Định (40 tuổi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) quây quần gói bánh chưng, chuẩn bị một cái Tết "đặc biệt". Sau 28 năm, lần đầu tiên, anh được ăn bánh chưng do chính tay mẹ đẻ là bà Trần Thị Chiều (59 tuổi) gói.
"Từ trong sâu thẳm, cảm giác quá đỗi sung sướng và hạnh phúc khi có mẹ", người đàn ông xúc động, nhớ về 28 cái Tết "mồ côi": Cha mất sớm, mẹ bị lừa bán sang Trung Quốc.
Anh Định kể, năm anh 2 tuổi, bố qua đời sau buổi lên rừng lấy gỗ không may trượt chân ngã, bị gỗ đè lên người, tử vong. Bà Chiều khi đó mang thai con trai thứ hai là anh Phạm Xuân Mai, quyết định ở vậy nuôi hai con ăn học.
Tháng 11/1994, còn ba tháng nữa đến Tết Nguyên đán, bà Chiều được một người cháu tên Thắng ở xóm Đông Kênh (xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) rủ lên Lạng Sơn chặt mía thuê. Nghĩ hoàn cảnh khó khăn, thương hai con, bà đồng ý theo cháu đi làm, mong kiếm thêm chút tiền trang trải Tết.
Anh Mai nhớ lại, ngày mẹ đi làm xa để lại cho hai anh em 19,5 nghìn đồng và hai cái bánh nướng, dặn cuối tháng giỗ bố sẽ về.
"Vậy mà mẹ đi tận 28 năm mới về", anh Mai nghẹn ngào, nói không bao giờ nghĩ mẹ vì khổ cực mà bỏ con đi biệt xứ, cũng không hề biết bà bị lừa bán sang Trung Quốc.
Theo lời người mẹ, trên xe ô tô từ Bắc Giang lên Lạng Sơn, Thắng bảo cầm giúp tiền và chứng minh thư cho an toàn. Đến chiều, bà phát hiện biển hiệu hai bên đường toàn tiếng lạ, nghi ở bên Trung Quốc, yêu cầu đứa cháu đưa về Việt Nam nhưng không được.
Người phụ nữ bị lừa bán vào nhà chứa ở Trung Quốc cùng một số phụ nữ Việt. Sau 10 ngày, bà và 6 người khác bị hai người đàn ông đưa lên một xe ô tô chở vào rừng sâu. Từ đó, bà bị bán qua tay nhiều người, trước khi bị ép kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc kém bà 6 tuổi.
Ở đất khách quê người, lại không biết tiếng, bà Chiều làm nương rẫy, chăn lợn, gắng gượng sống qua ngày. Bà may mắn lấy được người chồng không đánh đập, nhưng luôn bị canh giữ cả ngày, "đi một bước là có người theo sát".
Trong khi đó, tại Việt Nam, hai anh em Định - Mai được chú ruột cưu mang, nuôi ăn học đến lớp 9, trưởng thành làm đủ công việc mưu sinh. Họ đều đã lập gia đình, sinh con và có cuộc sống no đủ.
Nhớ quê hương, nhớ con, nhiều lần bà Chiều nói với chồng mong muốn đoàn tụ gia đình ở Việt Nam. Người đàn ông đồng ý với điều kiện bà phải sinh con cho mình, nuôi đứa trẻ đến khi vào Đại học.
Năm 2004, bà sinh một bé gái. 18 năm sau, con gái vào Đại học, gia đình chồng giữ lời hứa, liên hệ Đại sứ quán Việt Nam làm các thủ tục giúp bà hồi hương. Do không có giấy tờ tùy thân, Đại sứ quán hỏi bà địa chỉ quê quán ở Việt Nam, đồng thời yêu cầu liên hệ được với 2 người thân tại Việt Nam.
Năm 2021, thông qua mạng xã hội, bà Chiều kết nối được với một người lái taxi ở huyện Thường Tín có chị gái cũng bị lừa bán sang Trung Quốc. Người này đã đến tận nhà bà ở xã Nghĩa Hòa, ra chính quyền địa phương xác nhận thông tin cá nhân rồi gửi sang Trung Quốc giúp bà có cơ sở làm hộ chiếu và kết nối gia đình.
Ngày 22/12/2022, bà Chiều đặt chân lên mảnh đất quê hương sau 28 năm lưu lạc. Con, cháu lên cửa khẩu Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) tặng hoa, mừng bà trở về giữa những giọt nước mắt vui mừng xen lẫn đắng cay.
"Lúc tôi đi, con lớn 11 tuổi, đứa bé 9 tuổi. Ngày về, các con đã trưởng thành, lập gia đình riêng. Cuộc đời tôi quá khổ, giờ trở về quê hương, nhìn con cháu, tôi chỉ rơi nước mắt", người phụ nữ nghẹn ngào ôm chầm người thân.
Gia đình bà Chiều sau đó đã làm đơn tố cáo người cháu lừa bán mợ sang Trung Quốc, gửi cơ quan chức năng, yêu cầu "đưa sự việc ra ánh sáng".
"Từ ngày mẹ về, chúng tôi mong muốn bù đắp cho mẹ, nhưng trước hết là đòi lại công bằng, để không gia đình nào phải chịu nỗi đau như chúng tôi", anh Định nói.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đồng Văn Thuấn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) xác nhận bà Trần Thị Chiều là người địa phương, chồng qua đời từ lâu. Khi nhận tin bà Chiều đoàn tụ với con cháu sau 28 năm lưu lạc ở Trung Quốc, chính quyền đã cử cán bộ tới hỏi thăm, động viên gia đình.
"Công an các cấp đã mời bà Chiều lên làm việc, cung cấp thông tin, để xử lý đơn tố cáo bị lừa bán sang Trung Quốc", ông Thuấn cho hay.