Nạn cua càng xanh phàm ăn xâm chiếm khiến giới chức đau đầu tìm cách xử lý

Huy Hoàng

(Dân trí) - Trước vấn nạn cua càng xanh xâm lấn ảnh hưởng tới hệ sinh thái bản địa và ngành nuôi trồng hải sản, Italia đã thành lập một đơn vị đặc biệt để xử lý.

Italia đau đầu trước nạn cua càng xanh xâm chiếm

Mới đây, chính quyền Italia chính thức thành lập đội đặc biệt nhằm giải quyết tình trạng cua càng xanh xâm chiếm với số lượng áp đảo, ảnh hưởng tới hệ sinh thái bản địa.

Theo chính quyền địa phương, cua càng xanh là loài hung dữ chuyên săn mồi các loại trai, ngao và đe dọa ngành nuôi trồng thủy sản của nước này.

Nạn cua càng xanh phàm ăn xâm chiếm khiến giới chức đau đầu tìm cách xử lý - 1
Cua càng xanh xâm chiếm Italia (Ảnh: The Telegraph).

Có nguồn gốc ở phía tây Đại Tây Dương, cua càng xanh sinh sôi rất nhanh ở một số địa điểm quanh bờ biển Italia, đặc biệt là vùng sông Po thuộc phía bắc. Đây là nơi giới chức đang đau đầu tìm cách xử lý sau khi tiến hành hàng loạt chiến dịch đánh bắt lớn nhưng không đạt nhiều thành công như kỳ vọng.

Các chuyên gia cho rằng, loài cua càng xanh có thể xâm nhập vào Italia thông qua những con tàu biển vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên chưa ai biết rõ lý do tại sao chúng lại sinh sản với số lượng rất nhanh không thể kiểm soát.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Francesco Lollobrigida, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp cho biết "loài cua này gây tổn hại tới một số hoạt động kinh tế của Italia, nhưng trên hết chúng có nguy cơ gây hại tới toàn bộ hệ sinh thái biển".

Nạn cua càng xanh phàm ăn xâm chiếm khiến giới chức đau đầu tìm cách xử lý (Nguồn video: TRT World).

Nhóm vận động hành lang nông nghiệp Coldiretti cũng đại diện cho ngành đánh bắt cá, nhận định, hiện cua càng xanh đã gây thiệt hại khoảng 109 triệu USD cho ngành thủy hải sản. Chúng xóa sổ hàng loạt các loài trai, ngao ở vùng Veneto và Emilia Romagna thuộc phía bắc Italia.

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc vào năm 2021, Italia là quốc gia xuất khẩu ngao lớn nhất châu Âu và lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây cũng là quê hương của món "spaghetti alle vongole" (mì ống với ngao), vốn là món ăn truyền thống trong ẩm thực Ý.

Nạn cua càng xanh phàm ăn xâm chiếm khiến giới chức đau đầu tìm cách xử lý - 2
Loài cua này nổi tiếng hung dữ, ăn nghêu và làm ảnh hưởng hệ sinh thái biển ở Italia (Ảnh: The Guardian).

Năm 2023, Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni chi khoảng 3,2 triệu USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị thiệt hại do loài cua càng xanh.

"Sự sinh sôi của loài cua này là thảm họa. Chúng tôi không còn sản lượng ngao để đánh bắt", ông Paolo Mancin, người đứng đầu Hợp tác xã ngư dân Polesine thuộc một phần đồng bằng sông Po, nói.

Trước tình hình này, ông Gilberto Pichetto Fratin, Bộ trưởng Bộ Môi trường, bày tỏ sự quan ngại rằng, cua càng xanh có thể tràn sang nhiều vùng khác trên khắp Italia từ biển Adriatic phía đông, nơi có nhiệt độ nước cao hơn mức trung bình trong thời gian gần đây.

"Mục tiêu của chúng tôi cần phải giảm sự hiện diện của cua càng xanh ở biển Adriatic và tránh để chúng di cư sang các khu vực khác", người đứng đầu Bộ Môi trường Italia nói.

Tuy nhiên trên thực tế, bộ này chưa chia sẻ biện pháp cụ thể nhằm giải quyết loài xâm lấn này.

Kêu gọi người dân tuyên chiến với cua xâm hại bằng cách ăn thịt

Trước tình trạng này, các nhà bảo vệ môi trường cho rằng, ở thời điểm hiện tại, việc loại bỏ hoàn toàn cua xanh Đại Tây Dương khỏi vùng biển Italia hay bất cứ nơi nào khác tại Địa Trung Hải "là điều không thể".

"Chúng ta nên coi đây là một nguồn tài nguyên quý giá vì thịt của chúng rất chất lượng", một vị chuyên gia khẳng định.

Nạn cua càng xanh phàm ăn xâm chiếm khiến giới chức đau đầu tìm cách xử lý - 3
Tại nhiều quốc gia, cua càng xanh được chế biến thành món ngon (Ảnh: Getty).

Thay vì tìm cách tiêu diệt, chính quyền địa phương đang khuyến khích các nhà hàng, người dân tận dụng để biến thành nguồn thực phẩm thơm ngon.

Trong một phát biểu trước đó tại buổi họp báo với truyền thông, Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy hải sản, ông Francesco Lollobrigida, cho rằng "nên biến cuộc khủng hoảng trước mắt thành cơ hội".

"Cua xanh đang là tài nguyên khổng lồ. Người dân ở Mỹ và Trung Quốc đang tiêu thụ lượng lớn loài này. Thịt của chúng chứa hàm lượng vitamin B12 cao, rất có lợi cho sức khỏe", vị quan chức này khẳng định.

Trong khi đó, các đầu bếp Italia đang tìm cách nghĩ công thức tạo ra món mì spaghetti với thịt cua xanh Đại Tây Dương hoặc biến thành món hầm.

Tại các đảo Cyclades của Hy Lạp, người dân được khuyến cáo rằng "cua xanh là loài ăn được", khác với những loài xâm hại như cá sư tử, mực lá...