Muôn vàn khó khăn làm shipper

(Dân trí) - Báo cáo từ We are social 2018 cho thấy: Việt Nam có đến 67% dân số sử dụng internet và khoảng 70 triệu người sử dụng smartphone. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam dự đoán tăng trưởng 25%/năm. Đơn hàng ngày càng nhiều dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu về shipper.

Muôn vàn khó khăn làm shipper - 1

Nghề shipper và những rủi ro tiềm ẩn

Shipper là cách gọi người giao nhận hàng bán,chủ yếu qua kênh online tại Việt Nam. Chỉ cần chiếc xe máy và điện thoại với hệ điều hành mượt là đủ vào nghề. “Việc nhẹ, lương cao, được đi đây đi đó”, cánh tài xế shipper thường nói đùa về tính chất công việc của mình như thế. Nhưng ai trong nghề này cũng hiểu mỗi đơn hàng nhận giao chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn.

Anh Hà Lâm Quang (quận 8) theo nghề shipper từ năm 2010, trải nghiệm đủ “mùi cay đắng” của shipper. Anh nói: “Kẹt xe, lạc đường là khó khăn thường trực, nhất là khi giao hoả tốc hàng thực phẩm, thư tín quan trọng”. Có lần, anh nhận giao ổ bánh kem ngay vào giờ cao điểm, chôn chân vào điểm kẹt xe hơn 1 tiếng đồng hồ. Dến nơi thì bánh chảy nhoè nhoẹt xấu xí, lỡ cả buổi tiệc sinh nhật. Anh bị chủ hàng lẫn khách chửi te tát, đền tiền hàng gần 500.000 đồng, mất luôn cả tiền ship...

Trước đây, anh Quang làm giao hàng truyền thống cho cửa hiệu chuyên bán đồ cho mẹ & bé, chủ đưa tên, địa chỉ và điện thoại khách hàng. “Tức nhất là những lúc mình vừa giao hàng ở quận rất xa, chủ lại gọi bảo có món cần giao cũng ở quận này. Lúc đó tôi nghĩ phải chi có cách kết hợp đơn hàng để tiết kiệm công sức và xăng xe”, anh nhớ lại.

Anh Hoàng Ngọc Út (Bình Tân) thường theo dõi các nhóm nhận đơn hàng trực tiếp từ các chủ shop online, rủi ro của công việc này rất nhiều. Anh kể: “Giá cả do hai bên thương lượng khó thống nhất nên nhiều người chê mắc rẻ, rồi sinh hục hặc, lên các group nói xấu nhau. Shipper tự do cũng khó chốt đơn hàng, có khi vừa thoả thuận nhận đơn, chủ shop gọi tới huỷ vì có người khác chạy rẻ hơn”.

Quy trình nhận đơn hàng của shipper đều như nhau: Di chuyển đến cửa hàng nhận đơn, gọi điện xác nhận, trao đổi với khách trước khi giao hàng. Giao hàng đến cho khách, gọi điện chờ khách lấy hàng. Gặp khách kỹ tính hoặc lề mề, kiểm tra mất 15-30 phút là mất thời gian giao các đơn khác. Hoặc có khi khách không có mặt ở địa chỉ giao hàng, khách ở chung cư, địa chỉ giao phức tạp phải đi lòng vòng mấy bận... Gặp những trường hợp này, shipper coi như lỗ vốn vì tốn tiền xăng, mất giờ.

Bị lừa đảo là chuyện dù có cẩn thận các shipper vẫn thường vướng phải, nhất là những người mới vào nghề. Giao dịch online thanh toán trực tiếp bằng chuyển khoản hoặc thanh toán COD – Cash on Delivery (khách nhận hàng mới trả tiền), shipper giao tiền hàng trước cho chủ, nhận phí ship. Khi hàng giao đến cho khách, shipper nhận lại tiền hàng từ khách. Anh Hoàng Ngọc Út ấm ức kể lại vụ mình bị lừa: “Địa chỉ shop trong hẻm sâu. Tôi vừa đến đầu hẻm đã thấy chủ shop chờ sẵn với gói hàng bao bọc cẩn thận. Ảnh trả tiền ship, yêu cầu tôi ứng 350.000 tiền hàng. Khi đi giao theo địa chỉ, tôi phát hiện địa chỉ ma không có người nhận. Trở về shop trả hàng và đòi lại tiền mới biết chủ shop thật không phải là người tôi gặp, cũng không đặt đơn hàng này. Tôi mất trắng...”

Cánh shipper chia sẻ nhau về trường hợp shipper bị lừa vố lớn. Anh nhận giao Iphone trị giá hơn 20 triệu đến một chung cư ở quận 4 theo hình thức thu tiền hộ. Sau khi khách kiểm tra hàng hoá và đưa tiền, anh đếm đi đếm lại thấy thiếu 5 triệu đồng. Khách bảo thiếu tiền nên xin không nhận hàng. Mang Iphone trả lại cho cửa hàng, anh và chủ shop tá hoả vì chiếc điện thoại xịn bị tay khách kia tráo bằng hàng nhái hồi nào không biết. Anh phải đền 100% giá trị điện thoại cho chủ shop.

Nghề shipper tiềm ẩn nhiều rủi ro
Nghề shipper tiềm ẩn nhiều rủi ro

Công nghệ giao nhận thông minh giúp hạn chế thấp nhất rủi ro

Công nghệ 4.0 không chỉ tạo ra sự bùng nổ ngành thương mại điện tử mà còn thay đổi nền tảng giao hàng.Các doanh nghiệp logistic nhạy bén xây dựng mạng kết nối vận chuyển hàng hóa dựa vào công nghệ định vị, điện toán đám mây và mạng giao thông hiện có, giúp kết nối người muốn chuyển hàng với shipper theo mô hình nền kinh tế chia sẻ. Các ứng dụng giao nhận hàng được cải thiện mang lại nhiều tiện ích cho shipper, giảm thiểu các rủi ro thường gặp.

Anh Hà Lâm Quang hiện nay không nhận ship trực tiếp với chủ shop mà thông qua công nghệ, công việc và thu nhập ổn định hơn hẳn công việc trước đây. Với ứng dụng thông minh, anh biết được thông tin liên lạc của chủ hàng, người nhận hàng, món hàng được thanh toán theo hình thức nào (ứng tiền hay thu hộ tiền hàng), ước lượng đường đi và thời gian giao hàng.... “Mỗi đơn hàng giao nhận trong nội thành tôi kiếm trung bình 12.000 – 15.000 đồng. Mỗi ngày nhận từ 25-30 đơn hàng, chạy từ sáng tới tối cũng kiếm được 10-12 triệu đồng/tháng, khá hơn nhiều bạn bè đang làm văn phòng”.

Khả năng phân tích dữ liệu cho phép bộ phận vận hành ghép nhiều đơn hàng tại cùng điểm nhận hàng, ghép các đơn hàng trên cùng tuyến đường di chuyển và đặt lệnh trên apps. Việc này giúp shipper giao được nhiều đơn hàng hơn với thời gian hiệu quả hơn, vừa đỡ tốn thời gian công sức lại tăng thu nhập.

Anh Khiếu Đắc Tú Linh mới chuyển việc từ công nhân cơ khí sang làm shipper được hơn 1 năm. Anh chia sẻ: “Điều làm tôi an tâm khi dùng ứng dụng giao hàng trên điện thoại chính là thông tin rõ ràng được hiển thị ngay trên ứng dụng. Với các đơn hàng giá trị lớn cần ứng trước, ứng dụng sẽ báo shipper khách mới hay khách hàng quen thuộc, nếu đáng tin tôi mới ứng tiền trước cho shop”.

Các ứng dụng thông minh cho shipper giúp hạn chế rủi ro bị lừa đảo, nhờ khả năng phân tích và lưu trữ lịch sử giao dịch. Các shop hàng uy tín được ghi nhận giúp shipper tự tin hơn khi nhận đơn, kể cả ứng tiền hàng trước cũng không lo bị lừa đảo. Với các trường hợp nghi ngờ, shipper có thể từ chối ứng tiền, chuyển sang chế độ nhận tiền thu hộ từ khách và giao cho shop sau.

Một trong những ứng dụng giao hàng nổi bật hiện nay là Ship60. Ship60 phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tương tự Uber. Công nghệ định vị GPS, hệ thống máy học (machine learning) và phân tích dữ liệu lớn (big data) cho phép shipper đang gần khu vực nhận đơn hàng, chỉ dẫn đường đi, ước lượng thời gian giao hàng, hình thức thanh toán của đơn hàng, tình trạng khách hàng quen hay khách mới...

Một tiện ích khác mà shipper ưng ý là việc nộp tiền COD cho công ty, trong trường hợp thu hộ khách. Thay vì phải đến tận văn phòng làm thủ tục nộp tiền, Ship60 liên kết với ngân hàng để tài xế có thể đến bất cứ văn phòng nào của ngân hàng đối tác nộp tiền về công ty, xác nhận việc nộp tiền trên ứng dụng Ship60 là xong, không cần nhiều thủ tục rườm rà.

Tạo ra ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông minh, đi kèm với chính sách hỗ trợ hiệu quả, đội ngũ shipper lành nghề, làm việc tận tâm được đảm bảo quyền lợi và thu nhập. Sự phát triển của các doanh nghiệp logistic như Ship60 góp phần chuyên nghiệp hoá dịch vụ giao nhận, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển hơn nữa ngành thương mại điện tử tại Việt Nam.

Lựa chọn ứng dụng thông minh được phát triển bởi đội ngũ uy tín mang lại sự an tâm cho shipper.
Lựa chọn ứng dụng thông minh được phát triển bởi đội ngũ uy tín mang lại sự an tâm cho shipper.