Mối tình "màu xanh áo lính"
(Dân trí) - Có ai ngờ ngay tại chiến trường khói lửa, tôi – một cô giáo trẻ từ hậu phương miền Bắc vào tăng cường cho tiền tuyến miền Nam – lại gặp được tình yêu lớn của đời mình. Kỳ diệu hơn là gia đình nhỏ của chúng tôi đều sống sót trở về sau chiến tranh…
Quen biết, yêu anh rồi làm đám cưới đời sống mới và sinh con đầu lòng ngay tại chiến trường giữa tiếng gầm rú của máy bay ném bom, của lửa đạn ngút trời, tôi cũng luôn cảm thấy mình thật may mắn được là nửa bên kia hạnh phúc viên mãn bên tình yêu duy nhất của đời mình suốt bao năm…
Về Hà Nội
Bị thương nặng trong một trận bom, tôi may mắn thoát chết rồi sau đó được cùng con gái bé bỏng Hoài Liên (sinh năm 1972) rời chiến trường miền Nam ra Bắc. Các bác sĩ bệnh viện E đã định đưa tôi sang Trung Quốc mổ gắp những mảnh đạn vẫn còn nằm trong phổi phải và hai khớp gối, nhưng họ bàn đi tính lại vẫn lo ngại lành ít dữ nhiều nên chọn cách đành để thế tới khi nào có biến chứng hãy hay. Vậy mà tôi chung sống với những “kỷ vật chiến tranh” đó đến tận bây giờ.
Cuối năm 1975 tôi được phân công tác về bộ Giáo dục, làm việc ở văn phòng bộ. Tháng 6/1976, anh Ngô Văn Quý chồng tôi mới bàn giao công việc ở Mỹ Tho để ra Bắc, về Hà Nội gặp lại hai mẹ con tôi. Ngoài ba chiếc ba lô quần áo, gia tài lớn nhất của gia đình xanh màu áo lính chúng tôi là niềm vui và hạnh phúc vô biên vì được sum họp bên nhau mà không còn phải canh cánh trong lòng nỗi lo chia xa, bom đạn…
Tháng 3/1977 tôi sinh con trai thứ Phú Cường. Sáng vào thăm thấy trên bảng ghi tên vợ kèm dòng chữ “sinh con trai nặng 2,9 kg” mừng quá anh chạy luôn về cơ quan khoe quý tử… Mãi mới thấy anh và mấy người bạn cùng vào, tôi đói quá vừa giận vừa thương. Bù lại, thương vợ phải đi làm sớm sau sinh, anh xin nhận làm ca đêm càng nhiều càng tốt để có thời gian trông con. Vì thế mà có khi cả tuần hai vợ chồng không gặp nhau, có cần gì lại nhắn nhe bằng cách viết ra giấy.
Thời kỳ đó khó khăn lắm, thiếu thốn đủ thứ từ nơi ở tới chất đốt, thực phẩm… Thương nhất là cu Cường thèm đường cứ đòi uống nước ngọt, bố mẹ đành giả vờ cho thìa vào cốc khuấy leng keng rồi đưa cho cu cậu uống… Chị Hoài Liên được bà nội lên chăm cháu rất thương, bao giờ bà cũng quấy bột cho em nhiều một chút để chị còn được vét xoong.
Tháng 2/1979 anh Quý có quyết định biệt phái sang Bộ Ngoại giao để học thêm một khóa, chuẩn bị đi công tác tại Sứ quán Việt Nam tại Mexico. Trên đường đi anh ghé qua nước bạn Liên Xô, tranh thủ mua gửi về cho mẹ con tôi 10 kg đường và mấy bánh xà phòng Liên Xô loại 72. Thời đó thế là quý lắm, mẹ con tôi mừng lắm nhưng vẫn theo lời dặn của anh đem san sẻ với anh em, bà con láng giềng…
Thương nhớ ở ai…
Thời đó thư từ từ Việt Nam sang Mexico có khi phải chờ mất cả năm trời, thế nên thư viết đi tôi thường đem gửi sẵn ở vụ Mỹ - Cuba, Bộ Ngoại giao ta, chờ khi nào có đoàn đi chuyển giúp cho nhanh.
Thư từ Mexico anh gửi về luôn là niềm vui bất tận, gần như tối nào ba mẹ con cũng mang thư ra đọc để đỡ nhớ bố, bao giờ nhận được lá thư mới tôi mới cất thư cũ đi. Những lá thư ấm áp tình yêu thương của anh luôn là niềm động viên rất lớn với gia đình như “vầng trăng nhỏ đang khuyết một góc” của mẹ con tôi.
Những năm 1979, 1980, 1981 là thời kỳ cực kỳ khó khăn của đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh. Nhưng khó khăn gian nan vất vả mấy rồi cũng qua, hết mưa là nắng hửng lên thôi. Các con ngày càng khôn lớn, út Cường đi học mẫu giáo gần cơ quan mẹ. Hoài Liên học tiểu học gần nhà. Cuộc sống gia đình tôi cũng dần được cải thiện nhờ những gói quà và tiền lương anh gửi từ phương xa về. Nhìn các con hớn hở mỗi khi có thư, có quà của bố, tôi thấy hạnh phúc hơn vì được động viên, bù đắp từ người chồng yêu quý.
… Hết nhiệm kỳ công tác anh Quý trở về cơ quan cũ, năm 1989 anh được đề bạt trưởng phòng kiêm phó Bí thư Đảng ủy một cục thuộc Bộ Công an. Công việc nhiều, anh đi công tác liên tục. Năm 1990 lại một lần nữa anh được cử đi học ở Liên Xô một năm. Ngày đón anh về, tôi để dành 16 con gà liên hoan với gia đình và bạn bè...
Ở cơ quan anh là một thủ trưởng chân thành, nhân hậu, hết lòng vì công việc và sống rất tình nghĩa với các đồng nghiệp. Ở nhà anh là người chồng, người cha mẫu mực, một lòng một dạ yêu thương vợ, chăm sóc chu đáo cho các con cháu, họ hàng nội ngoại…
Nhớ về chồng những ngày này - hơn một năm sau khi anh đã đi xa, trong tôi vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm ấm áp … Anh ơi, ta chỉ có một tình yêu duy nhất, ta cho nhau nên mất đi rồi…
Phạm Thị Hải Ấm
(cựu giáo viên khu Trung Nam Bộ giai đoạn 1969-1975 - tác giả ký sự “Hành trình gieo chữ trên những nẻo đường khói lửa” đăng trên Dân trí tháng 8/2014).