Ký sự: Hành trình gieo chữ trên những nẻo đường khói lửa

(Phần 4): Tình yêu thời hoa lửa

(Dân trí) - Sau đợt đi công tác về, ngày 5/10/1970 tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng - lớp đảng viên Hồ Chí Minh. Cơ quan dựng nhà lợp bằng lá dừa cho tôi và chị Tám Hà (quê Bến Tre, là giáo viên tập kết về) ở chung, nền nhà khoét sâu khoảng 1m...

Mình Em bên cánh võng (ảnh chụp năm 1971)
Mình Em bên cánh võng (năm 1971)

 

Nơi tình yêu bắt đầu

 

Trong cơ quan có chị Bảy Huệ là giáo viên tại chỗ, rất khéo tay, chị dạy tôi thùa khuy áo kiểu áo dài, dạy tôi nấu ăn kiểu Nam bộ. Gần đó có một hố bom lúc nào cũng đầy nước, có đơn vị nào đó đã ra đấy trồng rau. rồi có người ra tưới rau đã để ý đến tôi. Thấy tôi nói giọng Bắc anh liền nhận đồng hương, tự giới thiệu tên Quý,  là công an chi viện cho miền Nam từ năm 1966.

 

Từ đó chúng tôi quen nhau, anh thường sang cơ quan tôi mượn sách báo, tôi để ý đánh dấu xem anh có đọc không, thấy có hôm dấu còn nguyên nhưng vẫn sang mượn tiếp. Có lần tôi và chị Tám Hà đi công tác mãi không thấy về, tưởng bị quân Khơ Me đỏ bắt nên cả cơ quan và thanh niên trong khu đều đổ đi tìm. Về đến nhà chúng tôi mới hú vía, đêm đó hai chị em ôm nhau nằm không ngủ được, cứ nghĩ nếu bị Khơ Me đỏ bắt thật thì không biết bây giờ sẽ ra sao.

 

Cơ quan lúc đó quản lý rất chặt, nhất là chuyện thanh niên nam nữ nên lúc nào đi đâu thường cũng phải có 3 người. Nhưng cơ quan anh đa số là thanh niên trẻ, rất thoải mái, vui vẻ và nhiệt tình. Những người bạn đó sau này gắn bó với cả hai chúng tôi, sống chết cùng có nhau. Đó là chú Năm Vàng quê Mỹ Tho, anh Ba Thơ quê An Giang, anh Sáu Thắng, anh Sáu Thưởng là dân miền Nam tập kết về. Nói chung mọi người rất tâm lý, có những lần Minh, Vàng rủ nhau đi chơi để chúng tôi ngồi riêng tâm sự. Đến bây giờ gặp lại nhau đầu đã hai thứ tóc vẫn nhớ lại và trêu:  “ Ông bà cứ hun nhau đi, để cho muỗi cắn chết mẹ!”…

 

Hạnh phúc ngay giữa đạn bom của chúng tôi có phần vun đắp rất lớn của các anh chị,  không  bao giờ chúng tôi quên được nghĩa tình đó. Những bài thơ tôi chép tặng anh, anh còn giữ mãi, trong đó có bài Nhớ của Nguyễn Thị Minh Khanh:

 

Khi anh đi xa em không buồn nhưng vẫn nhớ

Mỗi cánh chim, bay qua cửa sổ

Em ước mình được  vỗ cánh bay theo

Anh đã đi trăm núi ngàn đèo bằng đôi chân chai sạn

Đôi chân đã cùng anh ra trận

Góp phần giải phóng quê hương…

 

Và những bài thơ tình của Nga, nhiều nhất là của Puskin cũng được chúng tôi chép lại cẩn thận, góp phần làm đẹp thêm tình yêu của chúng tôi. Trong khu còn có mối tình giữa anh Ba Đàm quê Thanh Hoá với chị Mỹ Dung quê Cà Mau. Tình yêu của anh chị cũng rất đẹp, mỗi lần chị viết thư cho anh đều đưa tôi xem. Cuộc chiến tuy ác liệt nhưng tình yêu vẫn nảy nở. Tôi đã từng đọc các tác phẩm nổi tiếng thời ấy như Ruồi Trâu, Thép đã tôi thế đấy, Sông Đông êm đềm, Chiến tranh và hòa bình... thấy có phần giống như chúng tôi.
 
Đúng là tình yêu thời hoa lửa thật mặn nồng, thật ấm áp, suốt đời chúng tôi không thể nào quên...
 
Em và Anh (năm 1972) 
Em và Anh (năm 1972) 

 

Đám cưới trong chiến khu

 

Đã hẹn với lòng mình rằng hạnh phúc riêng phải tới khi chiến tranh kết thúc mới tính, nhưng tuổi trẻ đâu có đợi chờ ai… Vậy là bom vẫn rơi, đạn vẫn nổ, vẫn có những cặp đôi được tổ chức đám cưới ngay tại chiến khu. Mở màn là cặp Tám  Hồng - Hai Đính, đám cưới được tổ chức tiệc ngọt rất vui và đầm ấm. Trước đó chị em phụ nữ trong khu tập trung lại cùng làm các loại kẹo chuối, kẹo lạc, kẹo vừng … qua đó tôi học được khá nhiều kỹ xảo tự làm đồ ngọt đơn giản mà rất ngon. Đám cưới chỉ có cơ quan và bạn bè trong khu, còn người thân trong gia đình đều ở vùng địch chiếm đóng, không ai đến được. Sau này xem lại những tấm hình cưới, Tám Hồng còn đùa:  “Cô dâu mặc áo đen, mang khăn rằn thấy mắc cười chết mẹ”.

 

Tiếp nối cặp Tám Hồng, chúng tôi cũng ngỏ lời đề nghị cơ quan cho chính thức đặt vấn đề. Ngày 1/6/1971 anh Sáu Thưởng đại diện cho nhà trai đến làm lễ ăn hỏi. Chú Bảy Kim, chú Sáu Tú đại diện cho cơ quan bên nhà gái đón tiếp. Các chú nói với nhau: “Con em mình ra ngoài Bắc đã được miền Bắc nuôi dưỡng, bây giờ con em đồng chí mình về đây mình phải có trách nhiệm chu đáo”.

 

Hôm đó tôi hồi hộp và run lắm, may là mọi chuyện đều vui vẻ và tốt đẹp, kết thúc bằng cuộc nhậu. Để chuẩn bị cho đám cưới, các anh bàn sẽ tổ chức vào dịp cuối năm vì dịp Tết thường có ngừng bắn. Nhưng trước đám cưới diễn ra, chúng tôi còn phải chịu một trận càn lớn hút chết nữa.

 

Lúc đó trường đóng tại Dòng Duối ở sâu trong đất bạn Campuchia (trường cấp 1+ 2 Nguyễn Văn Bé là trường đào tạo con em cán bộ trung, cao cấp của khu 8. Anh Trương Lương quê Phú Thọ là Hiệu trưởng). Ở đây toàn bà con Việt kiều rất tốt, hết lòng thương yêu ủng hộ quân giải phóng. Chúng tôi được bà con đưa vào phum sóc xin gạo, gà , tre làm nhà. Đổi lại, chúng tôi có thuốc B1, thuốc ký ninh chống sốt rét đem cho bà con. Thế mà uống vào bệnh gì cũng khỏi, được bà con gọi chúng tôi là các thầy thuốc Hà Nội, còn cho các cô gái làm lễ kết nghĩa với chúng tôi. Sau này có lẽ những bà con thân Việt Nam đều bị chính quyền Ăng Ca giết hết, thật xót thương...

 

Hôm trước tôi và Tám Hồng đang nấu cơm một nồi to để ăn với mắm bù hóc (loại mắm của Campuchia) thì đơn vị của anh Quý hành quân qua, sau đó thấy cơm bị sống, Tám Hồng bảo: - Tại Ấm nhớ thương mải nhìn theo đoàn anh Quý nên cho nhiều gạo quá?

 

Hôm sau từ sáng sớm đã có tiếng dân kêu to: “Xe Zeep đến!”,  mỗi khi nghe tiếng ù ù tức là  xe đang tiến trực diện tới. Trên trời máy bay các loại bay tới đen kịt như một bầy nhặng. Chúng tôi chỉ kịp xách ba lô chạy theo dân vào rừng, ba lô cồng kềnh quá tôi và Tám Hồng quẳng luôn vào bụi cây rồi chạy thục mạng. Tới lúc mệt quá hai đứa cũng đã kịp ngồi thu lu trong hầm bí mật dưới bụi cây, lại bàn cách nếu bị địch bắt thì khai như thế nào. Tám Hồng bảo khai là đi ở trông em, tôi khai là con em miền Bắc di cư 1954 cũng đi ở bế em…

 

Bàn mãi lại thấp thỏm lo, vừa đói vừa mệt… May sau đó được mấy bà con cho ít bánh bò. Tới khi đêm đổ xuống và bầu không khí đã hoàn toàn yên tĩnh chúng tôi mới quay về. Thật kinh khủng, cả cánh rừng toàn những cây to đã bị “bừa” phẳng, nếu không chạy và kịp chui hầm bí mật chắc chúng tôi đã chết. Hôm đó chúng tôi đã nấu thịt chó hầm nước cốt dừa nhưng chưa kịp ăn, bị lính nguỵ ăn hết. May là cả trường đều an toàn. Đó là đợt lớn nhất Mỹ nguỵ càn quét vào căn cứ của ta trên đất bạn Campuchia.

 

Sau đợt càn đơn vị lại trở về nơi cũ, chỗ tôi lại gần chỗ anh nên chiều chiều tôi thường tới chơi, có khi ở lại ăn cơm. Lấy lá sầu đâu trụng nước cơm, ăn hơi đắng nhưng ngon, ăn uống đạm bạc vậy nhưng vẫn thấy thật vui. Lúc này đơn vị anh được bổ sung anh Xuân Mẽ quê Bắc Ninh. Các anh cùng nhau chặt củi xếp thành từng khối vuông vức dành cho chúng tôi, khiến tôi thấy vui và cảm động trước tình cảm gắn bó có ý nghĩa rất thiêng liêng ấy.

 

Thiệp cưới của chúng tôi được in ở nhà máy in của khu, nền màu hồng rất đẹp, các anh còn bàn nhau: "Chúng nó ở miền Bắc, phụ nữ được bình đẳng”, thế là ưu tiên ghi trong thiệp cưới tên tôi trước:  Hải Ấm - Vương Quý. Việc làm nhỏ ấy cũng là một kỷ niệm sâu sắc với tôi.

 

Trước ngày cưới anh Quý đưa tôi đi chợ Tipơlơng mua một tấm vải màu xanh trứng sáo để may áo cưới (hơn Tám Hồng rồi đấy). Anh Tương còn mua gom nhiều gà, vịt để trữ dưới hầm.

 

Đám cưới được tổ chức ở sân  nhà Bòng Tum Campuchia trên một sân rộng được che bạt, xung quanh dán đầy khẩu hiệu do chú Tư Lùng - phó ban chỗ anh Quý cắt dán, nhiều nhất là “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Hôm đó còn có các anh chị em ở đoàn văn công Đồng Tháp tới cùng dự nên rất vui, tiệc ngọt xong ăn cháo gà, cháo vịt. Tính ra có tới 17 tỉnh cử người tới dự đám cưới chúng tôi. Anh Hoàng Ban đồng hương còn tặng chúng tôi một chỉ vàng được vợ dắt lưng cho và dặn: “Để có con khi nào cần thì bán đi mà dùng”. Chúng tôi coi anh như người anh cả. Hôm sau đến chơi các lán , thấy các anh mang khẩu hiệu đám cưới về dán lại trông thật vui mắt.

 

 Được vài hôm yên tĩnh, sau đó chỗ chúng tôi ở bị ném bom tơi bời, lại phải dời đi chỗ khác...
 
(còn tiếp) 

 

Phạm Thị Hải Ấm (giáo viên khu Trung Nam Bộ 1969-1975)