Mô hình sản xuất - tiêu thụ khoai tây bền vững: "Mũi tên trúng nhiều đích"
(Dân trí) - Mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ khoai tây bền vững tại các tỉnh Tây Nguyên do Syngenta, PepsiCo và một số đối tác triển khai đã tạo nên tiềm năng tăng trưởng đột phá cho ngành khoai tây.
Xác định những "nút thắt" trong ngành khoai tây
Hiện nay, nhu cầu khoai tây nguyên liệu cho các nhà máy chế biến lên tới 180.000 tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất chỉ đáp ứng được khoảng 40%. Diện tích trồng khoai tây hiện khoảng 20.000-25.000 ha/năm, con số này từng có thời điểm đạt trên 100.000 ha.
Nguyên nhân do phải đối mặt với nhiều khó khăn như: thiếu nguồn giống chất lượng, đầu ra sản phẩm bấp bênh, áp lực sâu bệnh hại trên cây khoai tây rất lớn. Để đảm bảo yêu cầu của nhà sản xuất, khoai tây thương phẩm phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm. Những điều này khiến người nông dân chưa mặn mà, dẫn đến diện tích trồng khoai tây ngày càng thu hẹp. Ngành khoai tây bỏ lỡ cơ hội lớn dù thị trường còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Do đó, mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất khoai tây đang là một trong những vấn đề trọng tâm được đặt ra vài năm gần đây.
Để giải quyết những "nút thắt", cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc hình thành vùng nguyên liệu khoai tây gắn với chế biến, tiêu thụ. Điều này vừa giúp doanh nghiệp chủ động với nguồn nguyên liệu sẵn có, vừa hỗ trợ nông dân tiết giảm đáng kể chi phí đầu vào, tăng giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập.
Một dự án trúng nhiều "đích"
Từ năm 2019, Syngenta, PepsiCo, đồng trưởng Nhóm Công tác Rau quả thuộc Đối tác Phát triển Nông nghiệp Bền vững Việt Nam (PSAV) và các đối tác Yara, Minosatek/Khang Thịnh và USAIDS, Resonance cùng hợp tác triển khai mô hình điểm liên kết sản xuất - tiêu thụ, nhận được sự ủng hộ từ các ban, ngành địa phương trên cả nước.
Tại mô hình này, người trồng khoai tây được tư vấn về giống mới, kỹ thuật canh tác, công nghệ tưới, cơ giới hóa sử dụng máy thu hoạch, dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hiệu quả, an toàn. Cụ thể, theo Syngenta, số lần phun thuốc BVTV giảm đến 2 lần so với tập quán nông dân. Việc áp dụng hệ thống tưới nước thông qua apps (ứng dụng) giúp giảm gần 18% lượng nước tưới. Bón phân cũng được thực hiện thông qua hệ thống tưới này, giúp tiết kiệm đến 11% lượng phân bón hóa học.
"Các công nghệ BVTV tiên tiến do Syngenta nghiên cứu thử nghiệm giúp bà con quản lý sâu bệnh hại tốt hơn, nâng cao chất lượng củ khoai tây, đáp ứng yêu cầu của thị trường", ông Phạm Huy Thắng - Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Nông dược, Công ty Syngenta Việt Nam chia sẻ.
Nhờ các giải pháp công nghệ tiên tiến, tại Gia Lai, năng suất khoai tây bình quân đạt 32 tấn/ha, thậm chí có thể lên 50 tấn/ha. Các vụ trước đây chỉ ở mức 23,5 tấn/ha. Khoai tây thương phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được công ty bao tiêu đầu ra.
Dự án còn góp phần tăng tỷ lệ sử dụng nguyên liệu nội địa, giúp doanh nghiệp tiết giảm đáng kể chi phí sản xuất. Ông Nguyễn Kim Hành - Giám đốc Nông học, Công ty PepsiCo Việt Nam - cho biết, trước đây công ty phải nhập khẩu khoai tây từ Đức và Mỹ, nhưng nay tỷ lệ sử dụng nội địa đã đạt 90% năm 2022 và hướng tới 100% trong năm 2025.
Từ những hiệu quả thực tế của mô hình, trong giai đoạn 2022-2025, dự án đặt mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất đạt trên 2.000 ha với hơn 1.000 nông dân tham gia.
Sự thành công của mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ khoai tây bền vững tại Tây Nguyên, được thực hiện bởi Syngenta, Pepsico và các đối tác, cũng mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Dự án không chỉ giúp doanh nghiệp ổn định vùng nguyên liệu sản xuất, mà mấu chốt giúp người nông dân có thể "sống khỏe" trên mảnh ruộng của mình, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập.