Mâm cúng ông Công, ông Táo năm 2024 và điều nên làm cho căn bếp
(Dân trí) - Chuyên gia phong thủy Phạm Cương đã chỉ ra những lưu ý về mâm cúng ông Công, ông Táo. Các lễ vật tùy vào vùng miền, sản vật địa phương, miễn sao gia chủ gửi gắm vào đó tấm lòng thành.
Hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng ông Công, ông Táo lên chầu trời. Tùy vào điều kiện kinh tế, gia cảnh, vùng miền khác nhau, mỗi gia đình sẽ có cách thức riêng chuẩn bị mâm cúng.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chuyên gia phong thủy Phạm Cương đã chỉ ra những lưu ý về mâm cúng ông Công, ông Táo.
Theo đó, các gia đình có thể chuẩn bị các vật phẩm giống khi cúng ngày Rằm, mùng 1 như: Hoa quả, rượu, gà, đĩa xôi, bánh chưng… Các lễ vật tùy vào vùng miền, sản vật địa phương, không nhất thiết phải có màu sắc, mùi vị gì đặc trưng, miễn sao gia chủ gửi gắm vào đó tấm lòng thành.
"Đặc biệt trên mâm cúng không thể thiếu cá chép. Người Việt thường cúng cá giấy hoặc cá thật. Cả hai loại này đều có ý nghĩa như nhau, song nếu có điều kiện các gia đình có thể cúng cá chép sống rồi đem phóng sinh bởi việc làm này ngoài ý nghĩa dâng lên Táo quân phương tiện về trời còn có ý nghĩa giáo dục rất lớn", chuyên gia phong thủy Phạm Cương chia sẻ.
Ngoài ra, các các chuyên gia văn hóa cũng cho rằng, trong quan niệm của người Việt, cá chép là loài đã "vượt vũ môn hóa rồng" nên được coi là biểu tượng của sự thăng hoa, an lành và sung túc.
Việc phóng sinh cá chép vào ngày ông Công, ông Táo cũng gửi gắm thể hiện ước nguyện những điều tốt đẹp cho một năm mới của người Việt.
"Khi thả cá, gia chủ cần đem đến những vùng nước thanh sạch để đảm bảo cá vẫn có thể sống tốt sau khi được phóng sinh. Ngoài ra, sau khi phóng sinh, mọi người nên đem các vật dụng đựng cá như túi nilon, hộp nhựa về nhà hoặc vứt rác đúng nơi quy định", chuyên gia phong thủy Phạm Cương lưu ý.
Tục cúng cá chép phổ biến ở miền Bắc, ở miền Trung người dân thường dâng lên một con ngựa bằng giấy, có yên cương đầy đủ. Mâm cúng ông Công, ông Táo của miền Nam gồm có các món chủ đạo như: Nem, giò, bánh chưng, hành muối, gà luộc... kèm một đĩa đậu phộng, kẹo vừng đen.
Chuyên gia này cũng chia sẻ, trong phong thủy, tục thờ ông Công, ông Táo có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hướng đến một không gian bếp ngăn nắp, hoàn hảo. Căn bếp trong nhà chủ về tài, vận. Một gia đình làm ăn có thịnh vượng hay không đôi khi nhìn vào căn bếp có thể nhận ra nhiều điều.
Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, dịp 23 tháng Chạp, ngoài việc thờ cúng ông Công, ông Táo, các gia đình có thể lưu ý, chăm chút sửa sang căn bếp, dọn dẹp, vứt bỏ những đồ đạc, lọ gia vị lâu ngày không dùng đến để căn bếp được thoáng đãng, sạch sẽ. Không gian trong nhà sẽ tươi mới, gia chủ sẽ đón nhận được những điều tốt đẹp và năng lượng tích cực.
Văn khấn ông Công, ông Táo
Dưới đây là bài văn khấn ông Công, ông Táo theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - Nhà xuất bản Văn hóa thông tin.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương
Con kính lạy Ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân
Tín chủ (chúng) con là: ……………
Ngụ tại: …………
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm sắm sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương, tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm. Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành. Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!