Quảng Bình:

Làng cá chép đỏ ảm đạm trong ngày tiễn Táo quân

Tiến Thành

(Dân trí) - Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực và nghề nuôi cá chép đỏ cũng không phải ngoại lệ. Trong ngày Tết Táo quân năm nay, làng cá chép nổi tiếng Quảng Bình ảm đạm hơn bao giờ hết.

Làng Thượng Hậu, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), vốn nổi tiếng với nghề nuôi cá chép đỏ, phục vụ Tết ông Công, ông Táo. Cao điểm cả làng Thượng Hậu có đến hơn 100 hộ dân nuôi cá. Thế nhưng liên tiếp những năm gần đây, hết lũ lụt lại đến dịch bệnh, số lượng người nuôi cá chép đỏ đã giảm nhiều.

Làng cá chép đỏ ảm đạm trong ngày tiễn Táo quân - 1

Làng Thượng Hậu, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), vốn nổi tiếng với nghề nuôi cá chép đỏ, phục vụ Tết ông Công, ông Táo.

Dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, trong đó nghề nuôi cá chép đỏ cũng không phải ngoại lệ. Dịp Tết Táo quân năm nay, làng cá chép nổi tiếng Quảng Bình ảm đạm hơn bao giờ hết. Nhiều diện tích ao nuôi cá của bà con bỏ hoang, một số hồ đã được cải tạo để trồng rau màu.

Theo các hộ dân nuôi cá tại Thượng Hậu, trong năm nay, cả làng chỉ còn khoảng 10 hộ dân nuôi cá chép đỏ, tuy nhiên số lượng cũng không đáng kể. Nguyên nhân một phần là do lũ lụt nên vào thời điểm đầu năm 2021, người nuôi cá không còn cá giống để thả.

Làng cá chép đỏ ảm đạm trong ngày tiễn Táo quân - 2

Do tình hình dịch bệnh Covid-19, số lượng hộ dân nuôi cá chép đỏ tại xã Võ Ninh giảm đi rất nhiều.

Phần nữa là do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, Quảng Bình trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội, với tâm lý lo ngại dịch kéo dài không thể tiêu thụ, người nuôi cá chép đỏ đã lựa chọn phương án an toàn là dừng nuôi để tránh thua lỗ.

Gia đình bà Trần Thị Thoài (SN 1968), là một trong những hộ có thâm niên trong nghề nuôi cá chép đỏ. Những năm trước đây, 4 hồ nuôi cá chép đỏ phục vụ ngày Tết Táo quân cũng mang lại cho bà Thoài gần 50 triệu đồng, giúp gia đình có chi phí mua sắm, chi tiêu trong dịp Tết được dư giả hơn. Thế nhưng năm nay, vì sợ không tiêu thụ được, gia đình bà Thoài đã quyết định tạm dừng nuôi cá để chuyển sang làm nghề khác.

"Các năm trước thì vào những ngày này, cả làng đã rộn ràng thu hoạch cá, thương lái họ đến tận nơi chờ để thu mua. Thế nhưng năm nay vì dịch bệnh nên số người nuôi cá ở đây giảm đi rất nhiều, cả làng vắng lặng trong ngày Táo quân cũng buồn", bà Thoài chia sẻ.

Làng cá chép đỏ ảm đạm trong ngày tiễn Táo quân - 3

Những năm trước, vào ngày Tết Táo quân, bà Thoài lại tất bật thu hoạch, bán cá, nhưng năm nay những hồ cá của gia đình bà đều bỏ không.

Toàn thôn Thượng Hậu hiện chỉ còn lại một số hộ còn nuôi cá chép đỏ, tuy nhiên số lượng nuôi cũng không đáng kể, các hộ nuôi cá hiện cũng đang phải tự tìm đầu ra cho mình bằng cách mang cá ra các chợ để tiêu thụ chứ không có thương lái đến thu mua như những năm trước.

"Những năm trước cả làng nuôi cá chép đỏ, số lượng lớn nên thương lái họ đến mua tận nơi, năm nay nhiều thương lái quen cũng liên hệ nhưng không có cá nên họ đều tìm mối ở các tỉnh phía Bắc để chuyển vào. Cũng bởi vậy mà một số hộ nuôi nhỏ lẻ cũng phải tự tìm cách để tiêu thụ cá trong ngày Tết ông Táo", một người nuôi cá khác tại thôn Thượng Hậu cho biết.

Làng cá chép đỏ ảm đạm trong ngày tiễn Táo quân - 4

Nghề nuôi cá chép đỏ rất đặc thù và có cái dễ, cái khó khác nhau. Dễ là bởi thức ăn của cá chép đỏ khá đơn giản, chủ yếu là tận dụng nguồn thực vật phù du, ít tốn kém nhưng thời gian nuôi kéo dài phụ thuộc vào thị trường.

Người dân ở làng Thượng Hậu chia sẻ, nghề nuôi cá chép đỏ rất đặc thù và có cái dễ, cái khó khác nhau. Dễ là bởi thức ăn của cá chép đỏ khá đơn giản, chủ yếu là tận dụng nguồn thực vật phù du, ít tốn kém nhưng thời gian nuôi kéo dài phụ thuộc vào thị trường. Mỗi vụ cá chép đỏ thành công đều mang đến cho người dân thôn Thương Hậu một cái Tết đầm ấm hơn.

Tuy nhiên năm nay vì dịch bệnh phức tạp, kéo dài, người dân nuôi cá nên không dám mạo hiểm. Không có cá chép đỏ, người dân Thượng Hậu cũng mất đi một nguồn thu nhập đáng kể. Lại thêm một năm nữa, người nuôi cá Thượng Hậu không thể có một cái Tết như kỳ vọng.

Làng cá chép đỏ ảm đạm trong ngày tiễn Táo quân - 5

Vì dịch bệnh Covid-19, số lượng người nuôi cá chép đỏ tại làng Thượng Hậu giảm đi rất nhiều.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Duy Tiễn, Chủ tịch UBND xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh cũng cho hay, năm 2021 là một năm hết sức khó khăn với người dân cả nước nói chung và người nuôi cá chép đỏ tại địa phương nói riêng.

Theo ông Tiễn, khi dịch bệnh cơ bản được khống chế, toàn tỉnh trở lại với trạng thái bình thường mới, phía chính quyền địa phương cũng đã tích cực vận động, hỗ trợ người dân đa dạng ngành nghề, nỗ lực phát triển kinh tế đi đôi với phòng, chống dịch. Người dân cũng đang từng bước chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục hồi nghề nuôi cá chép đỏ trong vụ mới năm 2022.

Phía chính quyền xã Võ Ninh cũng sẽ phối hợp với các đơn vị để định hướng, nâng cao kỹ thuật nuôi trồng cho bà con để tăng năng suất, không chỉ cá chép đỏ mà còn phát triển mô hình nuôi nhiều loại cá khác để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm