Ngày Vì nạn nhân da cam 10/8:
Mái nhà chung giúp các nạn nhân da cam vượt qua mặc cảm
(Dân trí) - Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị hiện đang nuôi dưỡng bán trú, chăm sóc cho khoảng 20 nạn nhân; nơi đây được xem là mái nhà chung của những người bị ảnh hưởng chất độc da cam.
Theo ông Lê Văn Dăng, Chủ tịch Hội nạn nhân da cam/dioxin tỉnh Quảng Trị, Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho nạn nhân da cam/dioxin được Hội thanh niên và phụ nữ Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức tài trợ xây dựng, đưa vào hoạt động từ tháng 12/2015.
Trung tâm có tổng diện tích khoảng 3.000 m2 gồm: Khu bán trú, nhà bếp, khu học nghề (may, điện, thêu ren, mộc, vi tính), khu phục hồi chức năng, được trang bị đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ sinh hoạt và học tập đảm bảo cho 90 nạn nhân da cam/dioxin rèn luyện và học tập để hòa nhập với cộng đồng.
Ông Dăng nói: “Những gia đình có con bị nhiễm chất độc hóa học là những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ. Việc mở ra Trung tâm này với mục đích ban đầu sẽ nuôi dưỡng, hỗ trợ phục hồi chức năng (PHCN), dạy nghề cho khoảng 90 nạn nhân, nhưng do nhiều lý do nên hiện có khoảng 30 nạn nhân da cam, còn thường xuyên thì khoảng 20 cháu”.
Hầu hết các nạn nhân đã và đang phục hồi chức năng tại Trung tâm đều ở diện khuyết tật nặng; trước khi đến phục hồi tại trung tâm, mọi hoạt động đi lại, sinh hoạt hàng ngày đều phải có người trợ giúp, phản xạ chậm chạp, ý thức kém…
Tuy nhiên, qua thời gian điều trị và học tập tại trung tâm, các cháu đều có tiến bộ rõ rệt, đã tự lập đi lại, chạy nhảy vui chơi và đặc biệt là các em đã tự vệ sinh được cho bản thân. Với sự tiến bộ vượt bậc của các cháu, hiện nay 15 cháu đã được các gia đình xin đưa về nhà tự phục hồi chức năng tại cộng đồng cho phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình.
Ông Dăng nói rằng, những nạn nhân da cam họ đã bị thiệt thòi, không những vậy, người thân các nạn nhân này cũng gánh chịu nhiều đau đớn. Điều cần nhất đối với các nạn nhân da cam là phục hồi chức năng, giúp cho các nạn nhân bớt đi mặc cảm, tự ti để họ vươn lên, tạo cho họ việc làm phù hợp với sức khỏe của bản thân. Thế nhưng, ông Dăng cũng trăn trở số lượng các nạn nhân được đưa vào nuôi dưỡng ở trung tâm còn ít do điều kiện còn khó khăn.
Từng có thời gian làm việc tại Trung tâm từ năm 2005 đến nay, chị Trần Thị Mùi cho biết, công việc của chị là vừa quản lý, nấu ăn, tập luyện cho các nạn nhân da cam. Chị Mùi nói: “Những nạn nhân da cam họ đã chịu đau đớn, thiệt thòi nhiều rồi nên bản thân tôi cũng xác định làm việc với tinh thần tự nguyện, bằng cái tâm của mình. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để làm tròn trách nhiệm và giúp đỡ các em hòa nhập, phục hồi chức năng tốt hơn”.
Chị Mùi cho hay, công việc chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng quan trọng là mình phải nắm bắt được tâm sinh lý của các em, vừa phải kiên trì thuyết phục, khuyên bảo các em cố gắng tập luyện. Điều chị Mùi cảm thấy vui mừng là các nạn nhân da cam có nhiều chuyển biến trong vận động, thân thiện hơn với mọi người so với thời kỳ đầu vào trung tâm.
Em Trần Thị Thúy Vy, nhân viên điều dưỡng tại Trung tâm cho biết, khi bước chân vào làm việc ở đây em cũng xác định sẽ cố gắng làm hết sức mình, vì các nạn nhân da cam. Công việc của em hàng ngày vừa theo dõi sức khỏe, hỗ trợ các nạn nhân tập luyện PHCN và dạy chữ cho các nạn nhân.
“Qua quá trình theo dõi, em thấy các nạn nhân cũng có chiều hướng phục hồi tốt so với lúc trước. Đây là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy các nạn nhân có khả năng hồi phục để hòa nhập với cộng đồng”, em Vy nói.
Quảng Trị là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống. Hiện trên địa bàn có hơn 8.200 hộ với gần 15.500 nạn nhân bị phơi nhiễm, ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.
Đăng Đức