Ly kỳ hành trình tìm ra “thần dược” trên đỉnh Ngọc Linh

(Dân trí) - Giá của một củ sâm Ngọc Linh tự nhiên có thể được trả giá lên tới hàng triệu, thậm chí cả tỷ đồng nhưng trước đây loại sâm này lại không được biết đến, chúng mọc hoang trong rừng như cỏ dại…

Nằm trên đỉnh dãy Trường Sơn, sâm Ngọc Linh được mệnh danh là loại sâm tốt nhất thế giới. Một củ sâm tự nhiên, có tuổi đời lâu năm có thể được trả giá lên tới trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Cũng nhờ giá trị kinh tế “siêu khủng” mà dân làng nơi đây coi sâm như báu vật, quý hơn vàng.

Thế nhưng trước đây, loại sâm này lại chưa được ai biết đến. Chúng mọc hoang như cỏ dại, bạt ngàn trong những cánh rừng nguyên sinh. Phải đến năm 1973, nhờ công của một đoàn cán bộ Hà Nội mà đứng đầu là dược sỹ Đào Kim Long, sâm Ngọc Linh mới được phát hiện, tìm thấy. Hành trình tìm ra loại “thần dược” này cho đến nay vẫn được kể với những câu chuyện đầy ly kỳ.

Vào năm 1970, cuộc chiến tranh thống nhất đất nước đang ở giai đoạn ác liệt. Thuốc ở chiến trường vô cùng khan hiếm chủ yếu là các loại thuốc bổ, sốt rét… tận dụng được của địch. Khi đó, dược sỹ Đào Kim Long mới hơn 30 tuổi, đang là giảng viên ĐH Dược Hà Nội.

Sâm Ngọc Linh được trồng dưới những tán rừng (Ảnh: Công Bính)
Sâm Ngọc Linh được trồng dưới những tán rừng (Ảnh: Công Bính)

Dù đang điều trị chứng thấp khớp teo cơ tại bệnh viện Hòe Nhai nhưng khi nhận được nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam tìm cây thuốc cho bộ đội và người dân, ông Long vẫn đồng ý. Để chuẩn bị cho chuyến đi, ông phải chống gậy, đeo ba lô đựng gạch tập leo núi ở Hòa Bình.

Những ngày đầu, sáng đi tập, chiều về đắp thuốc vào chân để giảm đau. Cứ thế, ròng rã hơn 3 tháng trời cuối cùng ông cũng mang được 30kg gạch trên vai, leo núi không biết mệt mỏi. “Trước khi đi, một chân to, chân nhỏ, sau hành trình đi bộ từ Bắc vào miền Trung, hai chân tôi bằng nhau mà không cần loại thuốc nào cả”, ông Long nhớ lại.

Đường đi vào rừng tìm cây thuốc quý vô cùng hiểm trở, trên là bom đạn, dưới là vực sâu mà chỉ một chút sơ sẩy là có thể bỏ mạng bất cứ lúc nào. Thời điểm đó, khá nhiều nhà khoa học tin rằng trên dãy Trường Sơn, nằm sâu trong những cánh rừng nguyên sinh có thể tồn tại loại sâm quý “chữa bách bệnh”.

Hàng tháng trời, đoàn đi hết Tây Trường Sơn, sang Đông Trường Sơn song dấu tích về loại sâm này vẫn “bặt vô âm tín”. Sau khi nghiên cứu khắp dãy Trường Sơn, ông Long tìm được khoảng 800 cây thuốc quý. Theo kinh nghiệm và nghiên cứu của mình, dược sỹ Long dự đoán khả năng có thể tìm sâm quý trên đỉnh núi Ngọc Linh. Đây là ngọn núi tổ, lớn và cao nhất của dãy Trường Sơn.

Dược sỹ Đào Kim Long - người đầu tiên tìm ra sâm Ngọc Linh
Dược sỹ Đào Kim Long - người đầu tiên tìm ra sâm Ngọc Linh

Có đủ cơ sở để xác định vị trí của sâm, song hành trình tìm kiếm không hề đơn giản. Đường lên đỉnh núi vô cùng hiểm trở, với những vách núi dựng đứng, không có đường. Thậm chí, nhiều người dân ở đây còn truyền tai nhau những truyền thuyết đáng sợ về ngọn núi thiêng.

“Khi đến làng Mô – Gia, chúng tôi ngỏ ý nhờ người dân địa phương dẫn đường song đều bị từ chối. Họ cho biết, núi Ngọc Linh có nhiều loài thú dữ đặc biệt là bò tót, ai lên đó sẽ một đi không trở lại…”, ông Long kể.

Thời điểm đó đang là mùa xuân, trời khá rét, đoàn lặn lội nhiều ngày vừa đi vừa mò mẫm dùng la bàn, bản đồ pháo binh để tìm đường. Mỗi người phải đeo trên vai ba lô nặng 40kg gồm lương thực, súng đạn và vô số sách nghiên cứu... Vừa đi, vừa nghỉ. Đêm thì đốt lửa, mắc võng trên cây để tránh thú dữ. Rừng rậm hiểm trở tính mạng con người như nghìn cân treo sợi tóc. Thế nhưng, ai trong đoàn cũng có niềm tin mãnh liệt sẽ tìm thấy vị thuốc quý.

Khi lên đến độ cao 1.800m phía sườn đông của núi Ngọc Linh thì đoàn hết lương thực. May mắn thay, vào khoảng 9h sáng ngày 19/3/1973, khi đang băng rừng, anh Nguyễn Châu Giang (học trò đi cùng ông Long) chạy vọt lên, cầm một thân cây nhỏ tò mò hỏi: “Thầy ơi, cây gì đây?”. Quan sát cành lá với những bông hoa trắng li ti, ông Long mừng rỡ linh cảm đây là cây thuốc quý mà đoàn đang tìm kiếm bấy lâu.

Một củ sâm Ngọc Linh có giá hàng trăm triệu vừa được tìm thấy trên núi Ngọc Linh
Một củ sâm Ngọc Linh có giá hàng trăm triệu vừa được tìm thấy trên núi Ngọc Linh

Ngay lập tức, dược sỹ này dùng con dao nhỏ đi rừng, đào củ lên ngắm nghía kỹ các đốt. Ông thì thầm với người học trò. “Đây chính là cây sâm quý mà chúng ta đang tìm”. Quá vui mừng, họ trải bạt, đặt sâm lên và chụp ảnh. Bên cạnh một gốc cây to, anh Giang cũng khắc dòng chữ: “Nơi tìm thấy cây sâm đầu tiên”.

Xung quanh khu vực này, đoàn tiếp tục tìm thấy khoảng 100 cây sâm có tuổi đời khá cao. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nghiên cứu dược liệu, ông Long tin đây vẫn chưa phải là thủ phủ thực sự của sâm và yêu cầu đoàn tiếp tục đi bộ lên độ cao 2.000m.

Đúng như dự đoán, khi lên đến gần đỉnh núi Ngọc Linh, một sườn đồi thoai thoải hiện ra trước mặt với bạt ngàn là sâm quý. “Sâm mọc chen nhau như cỏ dại, chúng tôi phải nhón chân, bước rất nhẹ nhàng nếu không là dẫm phải sâm quý”, ông Long nhớ lại.

Gạo không còn, lương thực cũng hết, đoàn phải dùng lá sâm đun nước uống và ăn nhộng ong để tồn tại. Trong những ngày ở lại nghiên cứu, ông Long cùng các thành viên trong đoàn tiến hành khai thác một số cây sâm, phơi khô để mang về làm tài liệu báo cáo. Cứ khoảng 6 – 7kg sâm tươi thì được 1kg sâm khô, tổng cộng đoàn mang về khoảng 15kg sâm.

Đến tháng 5/1973, đoàn kết thúc hành trình tìm thuốc quý của mình. Số lượng sâm tìm thấy cũng được bàn giao cho bí thư Khu ủy khi đó là đồng chí Võ Chí Công. Đồng thời loại dược liệu quý hiếm này cũng được dùng làm thuốc chữa bệnh cho quân và dân khu 5.

Giải thích về tên gọi loại thuốc giấu, ông Long cho biết, khi tìm được Sâm ông cũng phổ biến cách dùng cho già làng dân tộc ở khu vực núi Ngọc Linh. Để tránh bị giặc phát hiện, ông dặn bà con giữ bí mật đồng thời không tiết lộ cho người ngoài. Cũng chính vì thế, sâm Ngọc Linh còn được người dân nơi đây gọi là vị thuốc giấu, tức là vị thuốc bí mật.

Năm 2017, sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm Quốc gia. Hiện trên núi Ngọc Linh có hai vườn giống lớn, một ở phía Quảng Nam trên độ cao 1.900 mét; một ở phía Kontum trên độ cao 2.000 mét. Giá một lạng sâm Ngọc Linh loại tốt có tuổi đời khoảng 50 năm, hiện dao động từ 10 triệu đồng trở lên.

Một củ sâm tự nhiên lâu năm, có thể được trả giá lên tới hàng trăm triệu thậm chí cả tỷ đồng. Đây được đánh giá là loại sâm tốt nhất thế giới khi có hàm lượng thu suất toàn phần cao hơn gấp 3 lần nhân sâm Triều Tiên, gấp 2 lần nhân sâm Trung Quốc và nhân sâm Mỹ. Ông Đào Kim Long, chính là người đầu tiên tìm ra loại sâm này, đặt nền móng cho các công trình nghiên cứu, xây dựng phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh sau này.

Hà Trang