Lý giải cho sự "ám ảnh" làn da trắng của người Hàn Quốc

Hải Phong

(Dân trí) - Sau khi loạt phim Hàn Quốc "Bản án từ địa ngục" trở thành hit lớn trên Netflix, một chương trình khác đến từ đất nước này - "Địa ngục độc thân" đã vấp phải nhiều tranh cãi.

Chương trình hẹn hò thực tế "Địa ngục độc thân" đã trở thành chủ đề bàn cãi của nhiều người xem ở nước ngoài. Tất cả bắt đầu từ nhận xét của một diễn viên trong chương trình về làn da của một nữ diễn viên khác.

Cuộc tranh cãi xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả việc thiếu hiểu biết về tiêu chuẩn vẻ đẹp truyền thống của người Hàn Quốc và cách chuyển ngữ thiếu ý nhị.

Lý giải cho sự ám ảnh làn da trắng của người Hàn Quốc - 1
Một cảnh trong chương trình hẹn hò thực tế "Địa ngục độc thân".

Trong một phần, các thí sinh nam cùng nhau chia sẻ ấn tượng ban đầu về các những thí sinh nữ cùng tham gia trong chương trình.

Một thí sinh nam nhận xét "Cô ấy rất trắng. Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô ấy là cô ấy rất trắng, trắng tinh khiết".

Một thí sinh khác nói: "Cô ấy thật trắng. Tôi thích người da trắng".

Lý giải cho sự ám ảnh làn da trắng của người Hàn Quốc - 2
Một cảnh trong chương trình hẹn hò thực tế "Địa ngục độc thân".

Hai nhận xét trên đã gây ra những phản ứng giận dữ từ phía người xem. Cả hai thí sinh bị chỉ trích nặng nề về sự "ám ảnh" của họ với màu da phụ nữ. Tuy nhiên, chính cách chuyển ngữ chưa uyển chuyển đã góp phần làm tăng sự chỉ trích. Trong khi nam thí sinh nói bằng tiếng Hàn Quốc về "độ sáng và hoàn hảo" của làn da thì khi dịch sang tiếng Anh, người dịch lại dùng từ "trắng" (white), vốn thường được dùng để ám chỉ chủng tộc người da trắng phương Tây.

Mặc dù vấp phải các chỉ trích về ám ảnh màu da, nhưng từ lâu trong lịch sử Hàn Quốc, da trắng đã là một tiêu chuẩn của vẻ đẹp người phụ nữ từ hàng ngàn năm về trước.

Một bức tranh tường tìm thấy trong ngôi mộ từ thời Goguryeo (năm 37-668 sau Công nguyên) những người thuộc giai cấp quan lại và hoàng tộc được vẽ với làn da trắng nhợt nhạt, là kiểu trang điểm đặc trưng của thời đại đó.

"Làn da trắng tượng trưng cho tầng lớp quý tộc nên mọi người thường tìm cách để có làn da trắng. Điều này thể hiện thông qua sở thích sử dụng các loại mỹ phẩm có thành phần tự nhiên giúp làm trắng làn da", một bài báo viết trên tạp chí Love of Cultural Assets, năm 2014, cho biết.

Lý giải cho sự ám ảnh làn da trắng của người Hàn Quốc - 3
Một cảnh trong chương trình hẹn hò thực tế "Địa ngục độc thân".

Trong câu chuyện dân gian "Chunhyangjeon", Mongryong, người yêu của Chunhyang, trước khi đi gặp người yêu đã trang điểm để da mặt mình trắng hơn. Điều này cho thấy làn da trắng đã được ưa chuộng từ đầu thế kỷ 17 ở Hàn Quốc.

Jeong Yak-yong, một học giả Hàn Quốc sống vào thế kỷ 18, cũng được miêu tả là một người "đẹp trai" và có "làn da trắng".

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy lý do chính xác tại sao người Hàn Quốc lại mê mẩn làn da trắng đến vậy nhưng hầu hết mọi người đều cho rằng đó là do bán đảo Triều Tiên có nền kinh tế dựa vào nông nghiệp trong suốt chiều dài lịch sử. Nên làn da trắng và nhợt nhạt được coi là biểu tượng của giai cấp quý tộc và sự giàu có, chứng minh rằng họ không phải lao động chân tay vất vả dưới ánh nắng mặt trời.

Trong một xã hội tương đối đồng nhất như Hàn Quốc, việc bình luận về màu da vốn được coi là bình thường, không có gì nhạy cảm. Thế nhưng nếu đưa ra giới thiệu đến khán giả toàn cầu như chương trình hẹn hò "Địa ngục độc thân", những người làm nội dung nên cẩn trọng hơn và quan tâm nhiều hơn đến văn hóa của khán giả nước ngoài để tránh những tranh luận gay gắt không đáng có.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm