Lâm Đồng:

Lối thoát nào cho hàng ngàn hộ dân ở “thủ phủ” chè?

(Dân trí) - Những ngày cận Tết ở nhiều cánh đồng chè lớn nhất tỉnh Lâm Đồng rơi vào cảnh đìu hiu, nặng trĩu. Người dân nơi đây lao đao khi chè đến mùa thu hoạch nhưng không có đầu ra, một tương lai bất định và nỗi lo "thủ phủ" chè của cả nước đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.

che6-1453980890205

Nông dân tại "thủ phủ" của chè đang cố thu hoạch khi chè đến lứa để vớt vát tiền vốn đã đầu tư

Hàng chục năm qua, sản phẩm chè ô long Lâm Đồng đã khẳng định vị thế tại nhiều thị trường quốc tế nhưng gần đây, “thủ phủ” chè của cả nước đang gặp khó khăn, do những bất cập từ khâu sản xuất đến tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nguyên nhân chính được người dân, doanh nghiệp chế biến chè ô long cho rằng là do việc xuất khẩu chè ô long sang thị trường Đài Loan (chiếm 95% thị phần xuất khẩu chè ô long của Việt Nam) đang bị “nghẽn”.

Địa điểm trồng chè ô long lớn nhất nhì của tỉnh Lâm Đồng là khu vực Cầu Đất (thuộc địa bàn xã Xuân Trường và Trạm Hành, TP Đà Lạt), với diện tích hơn 460 ha, phần lớn là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó, hơn 189 ha của 159 hộ dân ký kết sản xuất chè với doanh nghiệp, sản lượng khoảng 1.200 tấn mỗi năm.

Thời gian gần đây, cảm giác lo âu bao phủ trên những cánh đồng chè của nông dân khi Công ty TNHH Fusheng có 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc) thông báo tạm ngừng thu mua chè nguyên liệu của nông dân từ ngày 1/1/2016, nông hộ nào có vốn đầu tư mới có thể tiếp tục hợp tác trồng hoa lan. Một số công ty khác vẫn nợ tiền mua chè của người dân, do còn khó khăn về đầu ra chè thành phẩm.

Trong thông báo gửi 28 hộ dân liên kết sản xuất, ông Han Wen Te, Giám đốc công ty Fusheng cho biết “Công ty lực bất tòng tâm, không thể duy trì đầu ra cho trà ô long thành phẩm, hiện công ty đang tồn kho tới hàng chục tấn chè ô long thành phẩm do các đối tác phía Đài Loan thông báo dừng mua “đột xuất” mấy tháng qua. Chúng tôi đã tìm đủ cách nhưng vẫn chưa có đầu ra. Việc chúng tôi chuyển dịch kinh doanh một phần sang trồng hoa là quyết định khó khăn nhưng không còn cách nào khác”.


Người dân tại vùng chè nổi tiếng của Lâm Đồng đang mong mỏi giá cả được đẩy lên để ổn định cuộc sống

Người dân tại vùng chè nổi tiếng của Lâm Đồng đang mong mỏi giá cả được đẩy lên để ổn định cuộc sống

Ghi nhận tại vùng chè Lộc Tân (huyện Bảo Lâm) và xã Đam Bri (TP. Bảo Lộc), hàng trăm hộ dân có thâm niên canh tác chè ô long đang rơi vào cảnh điêu đứng khi chè đến mua thu hoạch đại trà nhưng các nhà máy chế biến chỉ mua theo kiểu “nhỏ giọt” buộc người dân phải chấp nhận bán trôi nổi với giá rẻ bèo.

Ông Huỳnh Kim Tuyến (72 tuổi, ngụ P.Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc): “Tôi là người có thâm niên trồng chè lâu năm nhất ở đây, hiện 18 ha chè ô long của tôi đang sống dở chết dở vì bán không được, giờ tôi không thu hái nữa mà chỉ tưới nước, làm cỏ để giữ vườn chờ giá lên mới đầu tư, đồng thời tôi cũng đang rao bán vườn luôn chứ sợ không cầm cự nổi”.

Bà Đinh Thị Sáu (ngụ thôn 12, xã Đam Bri, TP. Bảo Lộc) cho biết, gia đình bà có trồng 2 sào chè ô long, sau một năm rưỡi bỏ công chăm sóc với chi phí lên hơn 50 triệu đồng thì vườn chè đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, 3 lứa trở lại đây chè hái rồi không biết bán cho ai vì những công ty thu mua trước đây đều từ chối. “Chúng tôi phải bán đổ, bán tháo mong vớt vát được chút vốn đã đầu tư. Tình trạng này mà kéo dài chắc người dân trồng chè như chúng tôi không thể cầm cự được. Tết năm nay chắc không vui vẻ gì khi nhìn cánh đồng chè xanh mơn mởn nhưng chẳng biết phải bán cho ai. Hiện tại, cứ 45 ngày, tôi hái được 1 lứa chè với giá bán như hiện tại thì mỗi lứa lỗ nặng”, bà Sáu tâm sự.

Nhiều hộ dân đã phá chè hoặc dùng máy cắt để cắt chè nhằm hạn chế chi phí
Nhiều hộ dân đã phá chè hoặc dùng máy cắt để cắt chè nhằm hạn chế chi phí

“Tết gần đến mà gia đình chúng tôi chẳng còn tâm trí nào, chè thì cứ mọc dài ra, không hái không được mà hái rồi thì bán chẳng được bao nhiêu trong khi tiền đầu tư vào đã tốn kém rất nhiều. Chỉ mong các ngành chức năng sớm tìm được đầu ra ổn định cho cây chè của chúng tôi”, ông Trần Văn Phi (một hộ dân trồng chè ô long tại xã Lộc Tân) chia sẻ.

Hiện diện tích trồng chè của cả tỉnh Lâm Đồng vào khoảng 24 nghìn ha (chiếm 22% diện tích chè cả nước), sản lượng đạt hơn 230 nghìn tấn (chiếm 32%), với khoảng 65 nghìn hộ nông dân đang sản xuất chè, hơn 260 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến. Tại hội nghị bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ chè trên địa bàn tỉnh mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, tới đây phải hình thành các liên minh sản xuất chè bền vững, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để phù hợp xu thế sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mở rộng diện tích chè an toàn, đầu tư xây dựng để gắn kết chặt chẽ giữa nhà máy chế biến và vùng nguyên liệu; đồng thời, kiên quyết xử lý các đơn vị sản xuất chè vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, gây ảnh hưởng đến uy tín ngành chè.

Nông dân trồng chè đang đối mặt muôn vàn khó khăn
Nông dân trồng chè đang đối mặt muôn vàn khó khăn

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng: "Ngoài lý do cạnh tranh không lành mạnh thì phía Đài Loan đưa ra hàng rào kỹ thuật quá khắt khe giống như để bảo hộ cho sản phẩm sản xuất trong nước của họ vậy. Yêu cầu dư lượng hoạt chất fipronil cho phép của Đài Loan là 0,001ppm, cao hơn cả Nhật Bản (0,002 ppm) và cao hơn nhiều so với mức chung của thế giới (0,005 ppm). Với yêu cầu gần như bằng 0 này, chúng ta rất khó đáp ứng, bởi chưa nói đến sử dụng mà chỉ cần hơi ở đâu bay tới thôi đã thì vượt mức dư lượng cho phép này rồi”.

Dù rất nhiều giải pháp, kế hoạch được đưa ra để “giải cứu” chè ô long nhưng đến nay vẫn chưa khả thi. Doanh nghiệp, nhà máy hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa. Người dân khốn đốn không biết số phận vườn chè của mình về đâu?.

Trung Kiên

Lối thoát nào cho hàng ngàn hộ dân ở “thủ phủ” chè? - 5