Lối sống tự lập của cô bé '2 dòng máu'

Được hưởng hai nền văn hóa trong gia đình, Amy An Cartwrgight từ nhỏ đã được mẹ dạy cách tự bảo vệ bản thân, sống tự lập, không ganh tị, dèm pha, bon chen.

Quyền bảo vệ thân thể

Mang 2 dòng máu Việt - Anh, công việc của bố mẹ lại không ổn định nên cô bé 10 tuổi Amy An Cartwrgight (lớp 5, Trường Vinschool Hà Nội) chuyển nhà, chuyển trường “như cơm bữa”.

Số quốc gia bé đặt chân đến cũng lên tới vài chục. Trước việc con thường xuyên phải thay đổi môi trường sống, môi trường học tập, chị Ngô Thị Việt Anh (quận Đống Đa, Hà Nội)- mẹ bé Amy An - khá lo lắng.

Tuy nhiên, ở môi trường nào, Amy An cũng thích ứng nhanh. Đó là do Amy An được rèn luyện sự tự lập từ bé.

Làm bất cứ việc gì, chị Việt Anh cũng rủ con làm cùng. Đó cũng là thời gian để mẹ con vừa làm việc nhà, vừa chia sẻ mọi việc cùng nhau. Không chỉ giỏi nấu các món ăn Tây, Amy An còn biết nấu nhiều món ăn Việt như bún thang, cà bung, bún riêu, mẻ tai chua... để chiêu đãi cả nhà.

Vì môi trường sống hay thay đổi, nên chị Việt Anh dạy con khá kỹ về quyền bảo vệ thân thể.

Chị không ngần ngại cho con xem những clip bạo lực học đường đang diễn ra ở một số trường học Việt Nam và chỉ bảo cho con cách xử lý trong tình huống bị bạn bè đánh hội đồng. Đó là con không thể đứng im, bất lực trước sự ngông cuồng, vô lối mà phải tìm cách bỏ chạy, tìm sự giúp đỡ từ người lớn...

Chị Việt Anh cho Amy An học võ để tự vệ từ năm lớp 1. Cô bé cũng thường xuyên được mẹ giáo dục giới tính không chỉ bằng sách vở mà còn qua những bộ phim, clip để con biết người khác không được phép gần gũi con về mặt thân thể.

Ý thức được quyền bảo vệ thân thể của mình nên ngay cả cô giáo, khi chưa hỏi ý kiến mà vuốt má hay chạm vào người Amy An cũng bị em... phê bình.


Amy An sống tích cực, có tâm lý trưởng thành hơn so với các bạn cùng tuổi. Ảnh mẹ con chị Ngô Thị Việt Anh (nhân vật cung cấp)

Amy An sống tích cực, có tâm lý trưởng thành hơn so với các bạn cùng tuổi. Ảnh mẹ con chị Ngô Thị Việt Anh (nhân vật cung cấp)

Yêu thương và nhân ái

Amy An giỏi chơi piano và trống. Biết con yêu thích âm nhạc và muốn thành lập ban nhạc nên mỗi mùa hè, chị Việt Anh đều cho con học một nhạc cụ. Giờ bé có thể chơi ghi ta, đàn bầu và 4 bộ gõ trống. Tạo điều kiện để con được sống với đam mê nhưng điều chị Việt Anh mong muốn ở con hơn cả là con biết yêu thương và có lòng nhân ái.

Biết yêu thương và trân trọng những người xung quanh, dù người đó làm công việc gì. Với những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, chị Việt Anh dạy con cho bằng cả tấm lòng, để con thấy “của cho không bằng cách cho”.

Amy An thân thiện, lễ phép với tất cả những người lớn mà em gặp. Không phải ngày lễ cũng không cần lý do gì, em vẫn tự tay làm bưu thiếp, viết lên đó những dòng chữ yêu thương để tặng cô giáo, cô lao công, bác bảo vệ ở trường. Bởi em biết, mọi người rất vất vả với công việc và em muốn thể hiện sự biết ơn với những gì họ đã làm.

Với 2 nền văn hóa khác nhau trong một gia đình nên chị Việt Anh luôn biết cách chắt lọc cách dạy con có nét hiện đại của người phương Tây nhưng vẫn giữ nét truyền thống, thanh lịch của người Tràng An.

Vì vậy, Amy An rất tự lập, có tâm lý trưởng thành hơn so với các bạn cùng tuổi, sống tình cảm, lễ độ, ý tứ. Để con biết trân trọng giá trị đồng tiền, chị cho con tham gia bán hàng, nấu ăn ở các hội chợ dù điều kiện kinh tế gia đình khá giả.

Dù thành tích của con chưa cao nhưng con phải có ý thức, thái độ tốt trong việc học tập. Điều quan trọng là con có ý thức kỷ luật, chính kiến, chứ không chạy theo số đông.

Theo Phụ nữ Việt Nam