Lời kể đẫm nước mắt của con trai nữ lao công bị “xe điên” đâm tử vong ở Hà Nội

(Dân trí) - 23h30 đêm 22/4 là khoảnh khắc cuối cùng mà Trần Đức Anh – con trai cả của nữ lao công xấu số tử vong sau vụ đâm xe liên hoàn được nhìn thấy mẹ. Đêm ấy trong giấc mơ của mình, Đức Anh vẫn đứng cửa đợi mẹ trở về, nhưng sự thật chỉ còn mình em nằm lại trên chiếc giường cũ góc phòng. Từ nay, mẹ em không còn về sau những ca làm đêm muộn...

Trong căn phòng rộng chừng 15m2 sập xệ, Đức Anh ngồi lặng yên trên chiếc giường mà mẹ và em vẫn hay nằm. Đức Anh không khóc, nhưng nỗi đau mất mẹ vẫn chẳng thể nào giấu nổi trên gương mặt thất thần của em.

Lời kể đẫm nước mắt của con trai nữ lao công bị “xe điên” đâm tử vong ở Hà Nội - 1

Ngôi nhà cấp 4 của mẹ con chị Hà lọt thỏm trong khu nhà cao tầng to, rộng

Trần Đức Anh sinh năm 2004, là con trai cả của chị Lê Thị Thu Hà (sinh năm 1977) - nữ lao công xấu số tử vong do bị một chiếc ô tô “điên” đâm trúng, kéo lê gần 200 mét vào đêm 23/4 trên đường Láng (Hà Nội). Vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra trong tích tắc khiến người thân và đồng nghiệp của chị không khỏi bàng hoàng.

Lời kể đẫm nước mắt của con trai nữ lao công bị “xe điên” đâm tử vong ở Hà Nội - 2

Ngoài việc làm công nhân môi trường, hàng ngày chị Hà còn tranh thủ chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập

Thời điểm hiện tại, thi thể của chị đang nằm ở nhà xác bệnh viện Bạch Mai. Theo dự kiến, sáng ngày 25/4 gia đình sẽ tổ chức tang lễ và đưa thi thể chị Hà về quê ở thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội mai táng.

Lời kể đẫm nước mắt của con trai nữ lao công bị “xe điên” đâm tử vong ở Hà Nội - 3

Căn phòng nơi chị Hà và Đức Anh ở, toàn bộ mảng tường rạn nứt và ẩm mốc.

Người mẹ lao công và những đêm không ngủ mưu sinh để nuôi con khôn lớn

Chị Lê Thị Thu Hà là công nhân vệ sinh môi trường ở công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội. Gắn bó với công việc này gần 6 năm với mức lương trung bình khoảng 5 triệu, chị Hà trở thành lao động chính trong gia đình. Mọi chi phí sinh hoạt, từ mẹ già đến con nhỏ đều trông chờ vào số đồng lương ít ỏi này của chị.

Lời kể đẫm nước mắt của con trai nữ lao công bị “xe điên” đâm tử vong ở Hà Nội - 4

Góc học tập chật chội của Đức Anh.

Cách đây 3 năm, chị Hà và chồng của mình do không thể chung sống hòa thuận nên đã “đường ai nấy đi”. Chị dắt theo cậu con trai lớn là em Trần Đức Anh (sinh năm 2004) về sinh sống cùng nhà ngoại trong một căn nhà cấp 4 cuối ngõ 81 Xã Đàn (Hà Nội).

Câu con trai thứ hai là Trần Đức Hiếu (sinh năm 2007) ở với bố, nhưng vì bố không đủ khả năng chăm sóc nên thi thoảng chị vẫn phải lo tiền chu cấp cho đứa trẻ.

Lời kể đẫm nước mắt của con trai nữ lao công bị “xe điên” đâm tử vong ở Hà Nội - 5

Chị Hà là người Hà Nội, nhà chị ở giữa phố xá phồn thịnh nhưng ít ai biết rằng, ẩn sâu trong những ngõ ngách thành thị lại có một căn nhà nhỏ bé và sập xệ đến vậy.

Một nhịp sống khác hẳn với thế giới ngoài kia khi những nỗi lo cơm áo gạo tiền đều đè nặng lên đôi vai của người phụ nữ 42 tuổi.

Lời kể đẫm nước mắt của con trai nữ lao công bị “xe điên” đâm tử vong ở Hà Nội - 6

Nhiều năm liền, Đức Anh liên tục đạt thành tích học sinh giỏi và trở thành niềm tự hào của gia đình

Lời kể đẫm nước mắt của con trai nữ lao công bị “xe điên” đâm tử vong ở Hà Nội - 7

Chiều 23/4, nhiều tổ chức đoàn thể, cá nhân đến thăm hỏi gia đình

Đức Anh càng học lên cao, số tiền chị phải chi trả để nuôi con ăn học càng lớn. Chị Hà tranh thủ chạy xe ôm mỗi buổi sáng để kiếm thêm vài đồng lẻ. Tối đến mới bắt đầu công việc chính là làm công nhân vệ sinh môi trường. Khu vực vệ sinh chính của chị Hà ở Thái Thịnh, nhưng mấy ngày gần đây được tăng cường lên làm ở đường Láng.

Lời kể đẫm nước mắt của con trai nữ lao công bị “xe điên” đâm tử vong ở Hà Nội - 8

Sự ra đi đột ngột của chị Hà khiến người thân vô cùng đau xót

“Ngày nào cũng thế, nó cứ đi lúc tối muộn rồi có hôm gà gáy mới được về. Lúc nào gặp nó, nếu không phải mặc áo xanh (đồng phục grab) thì cũng mặc bộ đồng phục lao công. Nó còn có bệnh mà giấu tôi.”, bà Nguyễn Thị Liên, mẹ ruột chị Hà nghẹn ngào chia sẻ.

Tính cả tiền lương công nhân vệ sinh với ít tiền tranh thủ chạy xe ôm, cả tháng chị Hà kiếm được 5 – 7 triệu. Số tiền đó toàn bộ để chi trả cho sinh hoạt gia đình và đặc biệt để lo cho Đức Anh ăn học.

Tuy điều kiện gia đình khó khăn, nhưng chị Hà nhất định không để Đức Anh phải thua kém bạn bè, cũng chưa một ngày để con mình vì khó khăn mà chịu khổ.

Lời kể đẫm nước mắt của con trai nữ lao công bị “xe điên” đâm tử vong ở Hà Nội - 9

Cậu bé 14 không giấu nổi sự mệt mỏi và đau buồn.

Phải tận mắt nhìn thấy Đức Anh lớn khôn, đĩnh đạc rồi nhìn vào thành tích học tập của em mới có thể hiểu được chị Hà đã hy sinh nhiều đến thế nào cuộc đời của mình cho đứa con mà chị luôn mong nó sẽ bước ra khỏi chiếc xe đẩy rác để thành người.

Nhưng rồi khi giấc mơ chỉ vừa mới bắt đầu, chị đã phải nằm xuống trước sự bàng hoàng và cả nước mắt của đứa con trai mà chị đã dành cả cuộc đời mình để chăm lo.

 “Em sẽ học cho cả những giấc mơ của mẹ”

Đức Anh năm nay chuẩn bị thi vào 10. Trước khi mất, mẹ có hứa sẽ mua cho em chiếc xe máy để tiện đi học vì gần chục năm nay, Đức Anh vẫn phải đến trường bằng xe buýt hoặc đi bộ rất xa.

Lời kể đẫm nước mắt của con trai nữ lao công bị “xe điên” đâm tử vong ở Hà Nội - 10

 Đức Anh ngồi thẫn thờ trong phòng ngủ của em và mẹ.

22 giờ đêm hôm chị Hà gặp tai nạn, Đức Anh gọi cho mẹ hỏi ý kiến về việc làm chứng minh thư. Nhưng em đã không thể biết được, đó là cuộc gọi cuối cùng, cũng là lần cuối em được nghe thấy giọng mẹ.

Nhiều năm nay, Đức Anh luôn là niềm tự hào của chị Hà khi liên tiếp đạt học sinh giỏi trong suốt 9 năm tới trường. Dù gia đình còn khó khăn và gặp nhiều biến cố, phải chứng kiến sự đổ vỡ trong hôn nhân của bố mẹ nhưng Đức Anh không vì thế mà bỏ bê chuyện học hành.

Lời kể đẫm nước mắt của con trai nữ lao công bị “xe điên” đâm tử vong ở Hà Nội - 11

Mẹ ruột của chị Hà bị cao huyết áp nên từ đêm khi nghe tin con gái mất bà phải nằm một chỗ để đảm bảo sức khỏe.

Ngoài thời gian đi học ở trường, những ngày được nghỉ Đức Anh cũng phụ giúp bà ngoại làm việc nhà để mẹ đi làm về có thêm thời gian nghỉ ngơi.

Theo lời của chú Toàn – bác rể của Đức Anh cho biết: “Đức Anh là một trong những đứa cháu học giỏi nhất nhà họ ngoại. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng không bao giờ thấy nó kêu ca lời nào. Bây giờ mẹ mất, nó lai thành trụ cột tinh thần cho em trai và bà ngoại.”

Từ ngày chuyển về ở với bà ngoại, chị Hà phải đi làm tối ngày nên hai mẹ con ít có cơ hội gặp nhau và nói chuyện. Những lần gặp gỡ chỉ vỏn vẻn có vài khoảnh khắc khi Đức Anh dậy sớm đi học và mẹ em khi đó chỉ vừa chợp mắt được một lúc. Cứ như vậy cho đến khi chị Hà mất, lần cuối cùng Đức Anh được gặp mẹ cũng không phải trong một bữa cơm gia đình thong thả, đầm ấm.

Lời kể đẫm nước mắt của con trai nữ lao công bị “xe điên” đâm tử vong ở Hà Nội - 12

“Em ước là đêm trước đó em được ngủ cùng mẹ, em ước được ngủ cùng mẹ thêm một lần cuối thôi”, Đức Anh không khóc nhưng trong giọng nói gần như méo đi vì nghẹn ngào của em, người ta đủ hiểu rằng em đã cố gắng nhiều đến thế nào. Cố gắng để chấp nhận một sự thật mà chẳng ai muốn chấp nhận, cố gắng để trở thành một người đàn ông vững vàng như cách mà mẹ đã dạy em bao năm qua.

Lời kể đẫm nước mắt của con trai nữ lao công bị “xe điên” đâm tử vong ở Hà Nội - 13

 Đức Anh đã gục khóc ngay bên đường bên cạnh thi thể mẹ trong vụ tai nạn

Đức Anh ra khỏi phòng ngủ nơi mẹ và em vẫn ở, em cúi đầu cảm ơn từng người đến thăm gia đình hôm nay. Đôi mắt thi thoảng dáo dác như đang tìm kiếm điều gì đó, nhưng dáng đứng thì vẫn vũng vàng, nghiêm trang. Khi được hỏi về ước mơ, Đức Anh nói chỉ mong mẹ yên nghỉ và luôn đồng hành cùng em. Em sẽ học cho cả những giấc mơ của mẹ.

Thanh Thúy