Lợi ích của Kali và Magnesi với bệnh nhân tim mạch

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Tăng huyết áp là tình trạng thường gặp trong các bệnh lý tim mạch. Bên cạnh đó, đái tháo đường, béo phì, rối loạn lipd máu, hút thuốc, lười vận động cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Theo thống kê của Hội Tim mạch học Việt Nam năm 2015, cả nước có 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp, trong đó hơn 60% người bệnh vẫn chưa được phát hiện và còn nhiều người vẫn đang thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình. Do đó phòng ngừa bệnh tim mạch là ưu tiên hàng đầu trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Các khoáng chất là cần thiết để duy trì cấu trúc và chức năng của cơ thể. Nhiều người thường bù thêm sắt cho bệnh nhân thiếu máu, bù thêm canxi cho bệnh nhân loãng xương; người bệnh thận, suy tim, tăng huyết áp cần ăn giảm natri. Nhưng nhiều người hay lãng quên 2 khoáng chất là Kali và Magnesi. Dưới đây là vai trò của Kali và Magnesi trong cơ thể.

Bổ sung Kali, Magnesi giúp giảm nguy cơ mắc biến cố tim mạch

Canxi, Natri, Kali, Magnesi là bốn loại cation (ion mang điện tích dương) quan trọng với cơ thể con người. Trong đó, Kali và Magnesi có hiệu quả trong hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý tim mạch.

Bổ sung 391 mg Kali vào thức ăn hàng ngày giúp giảm 40% nguy cơ đột quỵ, bổ sung thường xuyên Magnesi giúp giảm 50% nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Lợi ích của Kali và Magnesi với bệnh nhân tim mạch - 1
Canxi, Natri, Kali, Magnesi là bốn loại cation (ion mang điện tích dương) quan trọng với cơ thể con người (Ảnh: Hội Tim mạch học Việt Nam).

Bổ sung Kali, Magnesi có lợi cho bệnh nhân tăng huyết áp, tim mạch

Việc bổ sung Kali, Magnesi giúp tim hoạt động ổn định, gia tăng lưu lượng máu, tăng tính đàn hồi mạch máu, có lợi cho bệnh nhân tăng huyết áp. Chế độ ăn ít Natri và nhiều Kali giúp giảm cả huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu lâm sàng.

Thay đổi lối sống, bao gồm điều chỉnh chế độ ăn giảm muối, tăng lượng bổ sung Kali, Magnesi và khoáng chất được khuyến cáo cho tất cả các bệnh nhân tăng huyết áp trước khi bắt đầu sử dụng thuốc, kết luận này được đồng thuận bởi nhiều hiệp hội tại Việt Nam, Mỹ và châu Âu.

Bên cạnh đó, Kali và Magnesi còn tham gia vào nhiều hoạt động của tim như việc hình thành và duy trì nhịp đập, giúp cơ tim được thư giãn nhờ đưa oxy và chất dinh dưỡng đến nuôi cơ tim tốt hơn. Do đó, khi thiếu Kali, Magnesi có thể dẫn tới thiếu máu cơ tim, cơ tim co thắt và dẫn tới loạn nhịp tim.

Lợi ích của Kali và Magnesi với bệnh nhân tim mạch - 2
Vai trò của Kali, Magnesi với sức khỏe hệ tim mạch (Ảnh: Hội Tim mạch học Việt Nam).

Kali, Magnesi tham gia vào hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể

Bổ sung Kali và Magnesi còn có lợi cho bệnh nhân đái tháo đường. Kali và Magnesi tham gia vào quá trình vận chuyển glucose vào nội bào. Bệnh nhân đái tháo đường nếu không được theo dõi và điều trị có thể dẫn tới những biến chứng nặng nề lên tim và mạch máu. Do đó, bổ sung Kali và Magnesi là một trong những biện pháp hữu hiệu giúp cung cấp dinh dưỡng và hỗ trợ cơ tim hoạt động ổn định.

Ngoài những vai trò và lợi ích kể trên, Kali và Magnesi còn tham gia vào hoạt động của hầu hết các cơ quan trong cơ thể như thần kinh, cơ xương khớp, tiêu hóa,… góp phần giúp cho cơ thể hoạt động ổn định, nhanh phục hồi thể trạng.

Theo WHO, tăng lượng Kali từ thực phẩm có thể giảm huyết áp và tránh các nguy cơ về bệnh tim mạch, đột quỵ và bệnh mạch vành ở người lớn. Mỗi người có thể bổ sung Kali và Magnesi qua đường thức ăn, qua thuốc hoặc thực phẩm chức năng.

Lợi ích của Kali và Magnesi với bệnh nhân tim mạch - 3
Bảng tóm tắt khuyến cáo của Hoa Kỳ về lượng Kali, Magnesi cần cung cấp cho cơ thể (2015-2020) (Ảnh: Hội Tim mạch học Việt Nam).

Bên cạnh việc bổ sung qua thức ăn, hiện tại trên thị trường cũng có rất nhiều sản phẩm bổ sung Kali, Magnesi. Vì vậy, người tiêu dùng cần lựa chọn loại chế phẩm phù hợp, tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ để mang lại hiệu quả khi sử dụng. Dưới đây là một số lưu ý khi lựa chọn chế phẩm bổ sung đường uống.

Lợi ích của Kali và Magnesi với bệnh nhân tim mạch - 4
Kali và Magnesi góp phần chăm sóc trái tim và cơ thể bạn (Ảnh: Hội Tim mạch học Việt Nam).