“Loay hoay” chụp ảnh với đèn lồng
(Dân trí) - “Sao mặt tối thui?!”, “Đèn lồng đẹp lung linh mà khó chụp quá”, “chỗ này chụp đỡ hơn nè!”, “đứng phía sau cái lồng đèn cho sáng mặt”… là những câu nói của khách tham quan bảo nhau khi đến với lễ hội đèn lồng.
Có mặt tại khu trưng bày trong khu đô thị Vạn Phúc (quốc lộ 13, quận Thủ Đức, TPHCM), PV ghi nhận hình ảnh lung linh của những chiếc đèn lồng sắp xếp theo những chủ đề khác nhau như: danh lam thắng cảnh, nhân vật hoạt hình, nét đẹp quê hương Việt Nam…
Chuyện khách tham quan không chụp ảnh được là do chênh lệch về ánh sáng và không có ánh sáng phụ.
Đứng gần đèn chụp bằng điện thoại nên người trong ảnh bị thiếu ánh sáng, bạn Quỳnh Trâm chia sẻ: “Đèn lồng thì phải chụp vào ban đêm, mà đứng trước đèn là cái mặt thối thui, nãy giờ bọn em phải chụp bằng cách đứng sau đèn để mặt lấy sáng từ đèn phát ra. Còn không là lựa chỗ nào hai đèn gần nhau, đứng giữa hai đèn, đèn sau làm nền, đèn trước để chiếu sáng, rồi xoay ngược lại, thế là bọn em được hai tấm ảnh”.
Thậm chí, có người còn than vãn: “Tiền vé 100.000 đồng, gửi xe 10.000 nữa là 110.000 mà vô đây chụp choẹt được mấy tấm, biết vậy ra đây tầm 5h chiều cho còn chút nắng, thôi qua xem văn nghệ!”.
Đang trải nghiệm và chụp ảnh những chiếc đèn lồng khổng lồ lung linh bỗng mọi người hốt hoảng khi có tiếng la “cháy”, nhìn về phía chiếc đèn hình “Chiếu dời đô” đứng lẻ loi một mình ngoài lối đi nội bộ khu đô thị thì thấy đèn tắt ngúm và có đốm lửa lóe lên.
Ngay lập tức, lực lượng tại chỗ phản ứng kịp thời nên dập không có gì xảy ra. Khoảng 5 phút sau, chiếc đèn lồng “Chiếu dời đô” sáng trở lại. Sự việc làm cho một số khách tham quan đứng gần đó một phen hú vía.
Từ sự việc chập điện gây cháy ở chiếc đèn lồng “Chiếu dời đô”, nhiều khách tham quan tỏ ra e ngại nhìn vào khu trung tâm trưng bày: “Điện đóm như thế này mà trong kia không có lót gì cho khách đi, toàn là cát, lỡ có ai đổ nước hay lỡ có đám mưa, cát ngậm nước, mấy cọng dây điện lại chôn dưới cát thì sao đây, ghê quá”, một vị khách chia sẻ.
Đúng như những gì khách tham quan e ngại, khu vực trưng bày chính nằm trên nền cát, đây điện đấu nối ánh sáng cho đèn lồng được âm trực tiếp vào trong cát.
Chẳng biết nếu có chập điện thì điện có đi thẳng vào lòng đất hay không nhưng nhìn khách tham quan đi trực tiếp trên cát mà không hề có lớp an toàn cách điện như bạt hay những tấm pallet, thậm chí nhiều người còn đứng kề bên đèn lồng, giẫm chân lên dây điện để chụp ảnh là đủ nổi gai ốc.
Phạm Nguyễn